Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế tai nạn do điện gây ra: Đâu là giải pháp?

09:11, 23/11/2009

Thời gian qua dư luận rất quan tâm về những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết người do điện gây ra. Để giúp người dân có thể chủ động phòng ngừa tai nạn do điện, trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Hồ Minh Quang, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai cho biết

Thời gian qua dư luận rất quan tâm về những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết người do điện gây ra. Để giúp người dân có thể chủ động phòng ngừa tai nạn do điện, trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Hồ Minh Quang, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai cho biết:

 

- Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh, ngành điện đã xử lý 1.410 trường hợp vi phạm an toàn điện. So với năm 2008, tình trạng vi phạm an toàn điện trong nhân dân ngày càng phức tạp, và gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê của công ty, thì từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng do điện, làm 3 người chết, 7 người bị thương. Ngoài ra, theo số liệu từ Phòng Cảnh sát PCCC, thì trong số 38 vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay có đến 21 vụ cháy do điện.

 

* Theo ông, những lỗi vi phạm về an toàn điện phổ biến mà người dân hay mắc phải là gì?  

 

- Những lỗi phổ biến nhất hiện nay là xây dựng nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) như: chặt cây, dựng ăng-ten, pa-nô ngã đổ vào đường dây, ăn cắp dây điện, thiết bị điện trên lưới; câu móc dây điện để ăn cắp điện, thả diều và vật bay gần đường dây điện; tự ý sửa chữa điện của gia đình khi không có kiến thức về điện... Bên cạnh đó, một số đơn vị dịch vụ viễn thông còn  treo, móc dây thông tin tùy tiện trên trụ điện lực nhưng không đăng ký với Điện lực để được làm các biện pháp an toàn. Mới đây nhất trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 6-8-2009, tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) làm 2 người chết và một người bị thương nặng. Nguyên nhân là do bị phóng điện khi thi công dựng trụ viễn thông vi phạm khoảng cách an toàn trong HLATLĐCA. Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 29-4-2009, tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), làm chết 1 người, bị thương 4 người. Tai nạn xảy ra khi nhóm người này tụ tập câu cá trong HLATLĐCA đường dây 110kV Đồng Nai - Tân Mai vô ý để cần câu vi phạm khoảng cách an toàn nên bị phóng điện...

 

* Như vậy, khi gặp những sự cố về điện, người dân cần liên hệ ở đâu để được giúp đỡ?

 

- Khi cần thông báo các thông tin liên quan đến an toàn điện, mọi người có thể gọi vào số máy của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai: 061.2220000 hoặc các số điện thoại riêng của đơn vị điện lực (ĐL) từng khu vực để ngành điện có biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể các số: 061.2600900(ĐL Biên Hòa); 061.2212800 (ĐL Định Quán); 061.2210205 (ĐL Long Thành); 061.22422007 (ĐL Long Khánh); 061.2232222 (ĐL Thống Nhất); 061.2217702 (ĐL Trị An); 061.2245291 (ĐL Xuân Lộc); 061.2210217 (Xí nghiệp điện cao thế)...

 

* Ngành điện đã có những biện pháp gì để hạn chế những tai nạn do điện và nâng cao nhận thức cho mọi người, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, thưa ông?

 

- Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, thì hệ thống lưới điện của Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai cũng phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, số vụ vi phạm về an toàn điện được phát hiện diễn ra rất nhiều.

 

Để chủ động ngăn ngừa tai nạn do điện trong nhân dân, hằng năm công ty đều lập kế hoạch đầu tư kinh phí cho việc cải tạo sửa chữa lưới điện, xây dựng nội dung và cùng các địa phương tổ chức tuyên truyền an toàn điện trên báo, đài, tờ rơi...; đồng thời thường xuyên kiểm tra và xử lý các khiếm khuyết để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, đặc biệt là các khu vực tập trung đông người. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức vận động các hộ di dời các ăng-ten khỏi vị trí có khả năng ngã đổ vào đường dây điện.

 

Mặc dù công ty đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa tai nạn do điện trong nhân dân, nhưng các trường hợp vi phạm an toàn điện vẫn còn nhiều, đặc biệt là trường hợp vi phạm HLATLĐCA và việc kéo dây thông tin của các đơn vị viễn thông khác trên trụ điện lực do chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh. Đối với các trường hợp vi phạm HLATLĐCA, công ty đều có cảnh báo nguy hiểm và lập biên bản đề nghị tháo dỡ. Nếu đối tượng không chấp hành, không tháo dỡ phần vi phạm, công ty thông báo với chính quyền địa phương để có hình thức xử lý theo quy định của Nhà nước. 

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nhật Huy

Tin xem nhiều