Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai sẽ có trường THPT trọng điểm chất lượng cao

02:11, 12/11/2009

Sở GD-ĐT đang hoàn chỉnh đề án xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2010-2015. Vì sao Đồng Nai xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao, mục tiêu đào tạo, học sinh, giáo viên sẽ học tập, giảng dạy trong điều kiện như thế nào, chất lượng ra sao... là những vấn đề mà phóng viên Báo Đồng Nai trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT LÊ MINH HOÀNG.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng
Sở GD-ĐT đang hoàn chỉnh đề án xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2010-2015. Vì sao Đồng Nai xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao, mục tiêu đào tạo, học sinh, giáo viên sẽ học tập, giảng dạy trong điều kiện như thế nào, chất lượng ra sao... là những vấn đề mà phóng viên Báo Đồng Nai trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT LÊ MINH HOÀNG. Ông cho biết:

 

- Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV), nâng cao số trường đạt chuẩn quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục THPT, kịp thời giải quyết yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc đầu tư cho các trường vẫn còn hạn chế về nhiều mặt nên chưa phát huy hết hiệu quả. Chính vì thế, đề án xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao để xây dựng một số trường THPT mang tính mũi nhọn, làm nòng cốt cho bậc THPT về đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng GV, thực hành thí nghiệm và các hoạt động ngoại khóa, thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh (HS) sau THPT...

 

* Xin ông nói rõ hơn mục tiêu của đề án và tiêu chí của trường trọng điểm chất lượng cao?

 

- Với mong muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đề án đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và số lượng HS xếp loại giỏi trong học tập, tăng tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt khá, giỏi, tăng tỷ lệ HS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chính quy trong và ngoài nước. Ngoài ra, HS của trường THPT trọng điểm chất lượng cao được đào tạo nâng cao các bộ môn, như: tin học, ngoại ngữ và các môn học tự chọn văn thể mỹ... như một kỹ năng cần có của một thanh niên trước ngưỡng cửa giáo dục nghề nghiệp, vào đời. Trường THPT trọng điểm chất lượng cao cũng sẽ là nơi bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho GV của tất cả bộ môn, tạo lực lượng GV giỏi, làm nòng cốt cho các trường THPT khác.

 

Trường THPT trọng điểm chất lượng cao được đầu tư xây dựng theo đề án này là mẫu hình thí điểm của bậc THPT, đi trước một bước về chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, GV, được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, HS được tuyển chọn và có số lượng phòng học 1 lớp/phòng nhằm đảm bảo chất lượng, sớm tiếp cận và theo kịp với trình độ giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Qua khảo sát các trường, đề án đề xuất đầu tư xây dựng hai trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) và Long Khánh (TX.Long Khánh) thành trường trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2010-2015.

 

* Vì sao lại là hai trường này, thưa ông?

 

- Khi xây dựng đề án, chúng tôi xác định loại hình này không đi theo hướng trường chuyên nhưng chất lượng phải đảm bảo trên các trường đạt chuẩn quốc gia. Muốn vậy, trường phải tuyển được đầu vào là HS có năng lực, trường phải có đội ngũ GV giỏi, cơ sở vật chất đáp ứng... mới đảm bảo yêu cầu đào tạo. Căn cứ vào yêu cầu trên, hai trường THPT là Trấn Biên và Long Khánh được chọn vì các trường này nằm trên địa bàn trọng điểm của tỉnh, có nhiều loại hình trường lớp. Chất lượng đội ngũ GV, chất lượng các mặt giáo dục tại hai địa bàn này đều cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Thêm vào đó, Trường THPT Long Khánh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đang được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học. Riêng Trường THPT Trấn Biên là trường có đầu vào HS rất tốt, đang được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại hóa, có bán trú chất lượng cao, với kinh phí đầu tư xây dựng trường là gần 70 tỷ đồng.

 

* Trở thành trường trọng điểm chất lượng cao, các trường này sẽ tuyển sinh, tuyển dụng GV như thế nào và sẽ được ưu đãi gì, thưa ông?

 

- Đề án đã xác định, 100% cán bộ quản lý, GV đạt chuẩn về trình độ theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó, đến năm 2013, 10% đội ngũ này đạt trên chuẩn. Với các môn cơ bản như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn, tiếng Anh, phải có 50% GV đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh. Chính vì thế, công tác sử dụng, tuyển dụng GV sẽ rất được chú trọng, áp dụng các tiêu chí như: GV tốt nghiệp loại giỏi, GV giỏi cấp tỉnh, GV có trình độ thạc sĩ, GV có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng... Trong thời gian công tác, GV được hưởng những chế độ ưu đãi, phụ cấp, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ.

 

Phối cảnh Trường THPT Trấn Biên mới.

Nhà trường tuyển sinh trên địa bàn quy định bằng hình thức thi tuyển, HS các vùng giáp ranh địa bàn cũng được phép dự thi. HS sẽ học chương trình của Bộ nhưng trong điều kiện tốt hơn, yêu cầu và chất lượng cũng cao hơn, như: đủ phòng để học 2 buổi/ngày, thư viện điện tử, các phòng học chức năng... HS được học các chương trình tăng cường về Tin học, tiếng Anh cũng như các kỹ năng sống khác.

 

* Việc thu học phí của trường trọng điểm chất lượng cao được thưc hiện như thế nào?

 

- Theo đề án, trường trọng điểm chất lượng cao hoạt động bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp và nguồn xã hội hóa. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh dùng để chi trả lương, hỗ trợ GV, tăng cường cơ sở vật chất. Đối với các chương trình tăng cường như Tin học, Anh văn... sẽ áp dụng phương thức xã hội hóa, tức phụ huynh đóng góp. Các thông tin học phí và các khoản sẽ được trường công khai ngay trước kỳ tuyển sinh đầu năm để phụ huynh, HS biết và lựa chọn. Trước mắt, HS đóng học phí theo quy định hiện hành, khi nào có hướng dẫn sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 35/2009/QH 12 trên cơ sở thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo. 

Bùi Trang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Tổ chức Kiểm định an toàn hàng đầu Việt Nam