Nghị định 69/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 69/CP) của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Nghị định 69/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 69/CP) của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày
- Nghị định 69/2009/NĐ-CP có 3 chương, 41 điều. Trong đó 5 nội dung cơ bản được nêu khá chi tiết. Đó là: Kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất (SDĐ); về giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
* Thưa ông, trước Nghị định 69/CP, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nhưng khi áp dụng vẫn còn có điểm không phù hợp với thực tế. Vậy trong nghị định này có những điểm gì mới?
- Đúng vậy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định liên quan đến đất đai, bao gồm các nghị định: 181, 197, 142, 17, 84, 123. Đến nay, có thêm Nghị định 69/CP là để phù hợp và thông thoáng hơn với tình hình thực tế về đất đai. Nghị định 69/CP có nhiều điểm, quy định chi tiết, cụ thể những nội dung mà các nghị định trước chưa thể hiện. Chẳng hạn về quy hoạch SDĐ, Nghị định 181/2004/NĐ-CP chỉ quy định chung về nội dung quy hoạch SDĐ các cấp. Còn Nghị định 69/CP quy định cụ thể về quy hoạch SDĐ cho từng cấp, từ đất quốc gia, xuống tỉnh, huyện và xã. Hay như việc hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư, và đất vườn ao không được công nhận là đất ở, thì mức hỗ trợ bằng 30% đến 70% giá đất ở của thửa đất đó; và bằng 20% đến 50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ để ổn định đời sống đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định thành hai mức thu hồi từ 30% đến 70% và trên 70%; thời gian hỗ trợ cũng từ 24 đến 36 tháng (trước đây là 12 tháng). Ngay như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, được tính bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp so với toàn bộ diện tích đất bị thu hồi.
* Việc tái định cư lâu nay còn có nhiều bất cập, Nghị định 69/CP có điểm gì cần lưu ý, thưa ông?
- Trong Nghị định mới, việc hỗ trợ tái định cư (TĐC) có quy định thêm về suất TĐC tối thiểu, và suất đầu tư hạ tầng. Đây là cơ sở để tính mức hỗ trợ TĐC cho người bị thu hồi đất. Lâu nay người bị thu hồi đất được đền bù số tiền thấp hơn nhiều so với một suất TĐC. Đây là bất hợp lý, khiến người bị thu hồi đất không thể chi trả khi mua nơi ở mới. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước sẽ thanh toán phần chênh lệch, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất, nhất là người nghèo có nơi ăn ở tốt hơn nơi ở cũ. Ví dụ, khi được bồi thường 100 triệu đồng, nếu đến khu tái định cư phải đóng 300 triệu đồng/suất, thì Nhà nước sẽ bù vào khoản 200 triệu đồng đó. Riêng những trường hợp tự lo nơi ở mới, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng suất đầu tư hạ tầng. Cụ thể, khi người bị thu hồi đất không muốn TĐC, mà tự mua đất, nhà ở nơi khác, sẽ được nhận khoản tiền tương đương với một suất đầu tư hạ tầng TĐC hoàn chỉnh. Điều này khi áp dụng, Nhà nước sẽ giảm bớt được gánh nặng về TĐC. Nói cách khác, Nghị định 69/CP quy định tăng thêm các chính sách hỗ trợ cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Như vậy rõ ràng, người bị thu hồi đất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
* Để Nghị định 69/CP có thể đi vào cuộc sống, ông có thể cho biết kế hoạch triển khai, áp dụng ở Đồng Nai trong thời gian tới như thế nào?
- Nghị định 69/CP phân cấp cho UBND cấp tỉnh ban hành một số nội dung để triển khai Nghị định 69/CP trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn như giá đất, tiền thuê đất; mức hỗ trợ, tỷ lệ hỗ trợ... đối với các trường hợp bị thu hồi đất. Do đó, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh bản dự thảo về những nội dung được Chính phủ phân cấp cho tỉnh; đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương, cũng như các tầng lớp nhân dân, để trên cơ sở này trình UBND tỉnh xem xét, ban hành những quy định thực thi Nghị định 69/CP trong thời gian sớm nhất.
* Xin cảm ơn ông!
T.N (thực hiện)