Trong những năm qua, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được bước đi vững chắc của mình và trở thành nguồn cung cấp vốn thân thiện, kịp thời, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân địa phương.
Trong những năm qua, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được bước đi vững chắc của mình và trở thành nguồn cung cấp vốn thân thiện, kịp thời, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân địa phương. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại hình tín dụng năng động này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông QUÁCH ANH BÔNG, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh...
* PV: Nói đến các hoạt động kinh doanh tiền tệ, đáp ứng vốn cho nhân dân thì không thể không nhắc đến các quỹ TDND. Ông có thể cho biết, ở Đồng Nai, các quỹ này hiện đang hoạt động như thế nào?
- Ông Quách Anh Bông: Từ một tỉnh có đến 70% dân số là nông dân, nên nhu cầu về vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Do vậy, ngay từ năm 1994, tỉnh Đồng Nai đã được Trung ương chấp thuận cho thí điểm thành lập quỹ TDND, để đáp ứng nhu cầu về vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, có thể nói đến nay, hệ thống quỹ TDND đã được xác định là một mô hình tổ chức tín dụng hoạt động phù hợp với địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, thông qua việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi tại chỗ nhằm cung cấp vốn cho các thành viên sản xuất, quỹ TDND đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Bên cạnh đó, quỹ cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ TD có chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững của ngành; tạo dựng được cơ sở vật chất bước đầu đáp ứng yêu cầu hoạt động tiền tệ ngân hàng; tạo được lòng tin đối với quần chúng nhân dân.
* Cụ thể, tình hình hoạt động và hiệu quả sử dụng đồng vốn từ các quỹ này ra sao, thưa ông?
- Tính đến cuối tháng 6-2009, toàn tỉnh có 28 quỹ TDND, với tổng số thành viên tham gia là 39.294 người (bình quân mỗi quỹ có 1.082 thành viên và quỹ có số thành viên lớn nhất là 4.532 người), tổng nguồn vốn hoạt động đạt 532,5 tỷ đồng, bình quân mỗi quỹ có 19 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm kết thúc thí điểm (1999). Trong đó, vốn tự có đạt 83 tỷ đồng (bình quân một quỹ có 2,6 tỷ đồng); tiền gửi dân cư 395 tỷ đồng (bình quân một quỹ có 14,1 tỷ đồng), tăng gấp 7,5 lần so với năm 1999, chiếm 74% nguồn vốn hoạt động; vốn vay quỹ TDTW 71,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng nguồn vốn hoạt động và tổng dư nợ đạt 475 tỷ đồng, bình quân mỗi quỹ có 17 tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần so với năm 1999.
Các quỹ TDND cũng đã thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân đạt 395 tỷ đồng, đồng thời cho 14.859 lượt thành viên vay vốn với doanh số lên tới trên 600 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều thành viên đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên thành hộ khá và đã có hộ giàu từ nguồn vốn vay của quỹ TD. Ngoài ra, quỹ TDND đã tạo việc làm cho hơn 283 người là cán bộ, nhân viên quỹ TD, giúp cho hàng chục ngàn lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần to lớn vào chương trình xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước tại địa phương, thiết thực đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi...
* Vậy, theo ông, trong tương lai khả năng phát triển của các quỹ TDND ở Đồng Nai sẽ như thế nào?
- Qua theo dõi hoạt động tín dụng nhiều năm, tôi nhận thấy các quỹ TDND ở Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, đối với một số quỹ TD thành lập trong thời kỳ thí điểm, thì công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ còn yếu; trình độ quản lý và trình độ nghiệp vụ chưa cao; một bộ phận cán bộ còn yếu kém, chưa có tầm nhìn chiến lược, chưa bám sát mục tiêu tương trợ cộng đồng, giúp đỡ thành viên, mà chạy theo động cơ lợi nhuận đơn thuần, đã dẫn tới vi phạm chế độ, vi phạm pháp luật; việc quy hoạch, đào tạo cán bộ còn chậm; tính liên kết trong hệ thống chưa cao, vốn tự có còn nhỏ, nên việc thực hiện chức năng tương trợ lẫn nhau, nhất là những lúc khó khăn chưa thực hiện đầy đủ; ở một số nơi, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, những sai phạm xử lý chưa kiên quyết còn nể nang né tránh.
Nếu những thiếu sót, tồn tại này sớm được khắc phục thì tôi tin rằng, trong tương lai gần, các quỹ TDND sẽ có những bước phát triển mạnh.
* Thưa ông, để trở thành thành viên của quỹ TDND đòi hỏi phải có điều kiện gì và muốn được vay vốn tại quỹ TDND điều kiện phải như thế nào?
- Mọi công dân có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật, đủ 18 tuổi trở lên, gồm có: pháp nhân, thế nhân, hộ gia đình và tập thể... muốn tham gia thành viên quỹ TDND chỉ cần làm đơn xin gia nhập và tùy mỗi quỹ TD có thể đóng từ 100.000 - 200.000 đồng tiền cổ phần xác lập... sẽ được quỹ TD cấp một thẻ thành viên. Trong một gia đình, có thể có nhiều thành viên tham gia quỹ TDND.
Ngoài ra, muốn vay vốn từ quỹ TDND, trước tiên phải trở thành thành viên chính thức của quỹ TDND. Có 2 hình thức để được vay vốn: cho vay thế chấp và cho vay tín chấp. Trong đó, vay thế chấp gồm cả bảo lãnh của bên thứ ba. Tuy nhiên, hiện nay có đến 70-80 % được giải quyết cho vay tín chấp và phải có chính quyền địa phương xác nhận, bảo lãnh.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Li (thực hiện)