Trong khuôn khổ hội chợ HVNCLC diễn ra ở Đồng Nai, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), người đã có 13 năm "bươn chải" cùng hàng Việt.
Trong khuôn khổ hội chợ HVNCLC diễn ra ở Đồng Nai, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), người đã có 13 năm "bươn chải" cùng hàng Việt.
* Phóng viên: Theo bà, để "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", những ai cần phải đẩy mạnh nỗ lực thực hiện?
- Bà Vũ Kim Hạnh: Để người VN chấp nhận hàng VN, ưu tiên dùng hàng VN, tôi nghĩ tác nhân đầu tiên chính là DN. Chúng tôi cho rằng khái niệm "ưu tiên" đặt ra như một thách thức rất lớn cho DN, đòi hỏi tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, DN chỉ có thể cạnh tranh tốt trong một môi trường lành mạnh và công bằng. Điều này lại đặt ra vấn đề về vai trò quản lý của Nhà nước. Cần xây dựng khung pháp lý vững vàng, làm tốt hơn các hàng rào kỹ thuật và công tác quản lý thị trường để tránh hàng gian, hàng lậu và tạo sự cạnh tranh công bằng cho DN.
Bên cạnh đó là vai trò của truyền thông. Chúng ta biết, quảng cáo hiện nay rất quan trọng trong việc tác động nhận thức người tiêu dùng (NTD). Trong khi đó, các DN VN lại nhỏ hơn, ngân sách tiếp thị và quảng cáo ít hơn, tính chuyên nghiệp thấp hơn... Tôi nghĩ truyền thông nên có cách nào đó "bù" cho DN những thiếu thốn khách quan đó. Nên có nhiều chương trình có mục đích phân tích, minh bạch những thông tin, khó khăn, nỗ lực của DN và đưa những nhận xét, đòi hỏi nghiêm khắc của NTD đến với DN, tạo các diễn đàn đối thoại nhiều hơn giữa DN với NTD.
* Bà nghĩ như thế nào về vai trò của thị trường nội địa, DN Việt
- Một nền kinh tế hướng về xuất khẩu không phải là xấu. Tuy nhiên, chúng ta thiếu sót ở chỗ thiếu quan tâm tới thị trường trong nước. Xuất khẩu những năm qua đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, song bên cạnh định hướng xuất khẩu, lẽ ra chúng ta nên quan tâm hơn đến thị trường trong nước, nếu không bỏ trống để mặc cho những tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh thì giờ sẽ không quá khó khăn khi quay lại. Chưa kể chúng ta đã bỏ trống thị trường để nhiều loại hàng hóa ngoại nhập kém chất lượng, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm tràn vào... Đây là điều đáng tiếc lớn.
Điều mà DN hiện nay đang quan tâm nhất là tạo dựng một hệ thống phân phối bền vững. Vấn đề này rất khó khăn vì mạng lưới phân phối phải mua bằng tiền, phải mua bằng sự thông minh, phải mua bằng một đội ngũ chuyên nghiệp và cần nhiều thời gian, không thể có ngay lập tức.
Hiện nay, CLB HVNCLC chọn chủ đề cho năm 2009 là làm sao hỗ trợ DN đẩy mạnh việc bán hàng VN trên thị trường nội địa. Chúng tôi vẫn kiên trì tổ chức liên tiếp các chương trình hội thảo, trao đổi kinh nghiệm để hỗ trợ DN xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị trường nông thôn, đi vào tiêu dùng giới công nhân, xây dựng đội ngũ bán hàng của mình thật hiệu quả.
* Nhiều người tiêu dùng đang rất bối rối trước quan niệm thế nào là hàng Việt
- Đây là câu hỏi đòi hỏi sự khách quan trong phân biệt đâu là hàng Việt. Hàng đang sản xuất tại VN chúng ta gọi là hàng VN. Và, trong CLB HVNCLC chúng tôi cũng bình chọn cho các DN nước ngoài đang có nhà máy sản xuất tại VN. Họ sử dụng nguyên liệu ở VN hoặc nguyên liệu nhập, nhưng họ đang sản xuất trên đất nước VN, họ đóng thuế cho nhà nước VN, sử dụng lao động người VN. Tất nhiên lợi nhuận họ sẽ mang về nước, nhưng cũng có nhiều yếu tố họ đã đóng góp cho nền kinh tế này và chúng tôi gọi những DN có "cái đuôi" Việt Nam như Honda VN, Pepsi Co.VN là DN sản xuất hàng VN hoặc vắn tắt là hàng VN. Tuy nhiên, Pepsi Co. hay Honda không phải là thương hiệu Việt. Theo tôi, thay vì gọi là hàng VN một cách đơn giản, chúng ta nên gọi là thương hiệu VN. Thương hiệu Việt là thương hiệu được xây dựng do những nhà SX-KD Việt và cho người tiêu dùng VN. Chúng ta có thể xuất khẩu thương hiệu đó qua nước khác, có thể đổi tên sản phẩm. Ví dụ, Vinamilk sang Campuchia được đổi thành Bestcow, nhưng đó vẫn là thương hiệu của VN. Trong 13 năm qua, đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp được công nhận là HVNCLC và 80% trong đó là thương hiệu Việt".
* Chuyển biến của DN và người tiêu dùng mà bà nhận thấy trong suốt 13 năm bà khởi xướng và làm chủ nhiệm phong trào HVNCLC?
- Tất nhiên là DN phấn khởi và tin tưởng, nhưng họ vẫn phải chờ đợi và nỗ lực. DN tin sẽ có những thay đổi về chính sách, về hỗ trợ, thay đổi về sự quan tâm của giới truyền thông, của NTD. Song, tất cả vẫn còn ở phía trước vì không có cái gọi là "chiếc đũa thần" để ngày một ngày hai có thể chiếm ngay lòng tin của NTD. Bản thân DN phải nỗ lực hơn để "giành giật" NTD vì trong điều kiện khó khăn như thế, thì phán quyết của NTD là trọng yếu. Về phía NTD, họ chỉ chuyển biến khi DN chuyển biến. Hiện nay, NTD chê trách hàng Việt cũng nhiều, đòi hỏi cũng nhiều, khen cũng nhiều... Và, tôi nghĩ đó là điều đáng mừng vì họ đã có sự quan tâm. Tôi cho rằng, sự quan tâm đó sẽ bắt đầu tình yêu của NTD đối với hàng Việt.
* Xin cảm ơn bà!
Vi Lâm (thực hiện)