Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân về Luật Khiếu nại, tố cáo

07:09, 09/09/2009

Khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng qua tăng cao hơn cùng thời điểm năm ngoái. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó chánh Thanh tra tỉnh đã lý giải về nguyên nhân của sự "đột biến" này.

Khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng qua tăng cao hơn cùng thời điểm năm ngoái. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó chánh Thanh tra tỉnh đã lý giải về nguyên nhân của sự "đột biến" này.

 

* PV: Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn, thư KNTC gia tăng so với cùng kỳ năm 2008. Ông có thể lý giải nguyên nhân?

 

- Ông Nguyễn Quốc Cường: Có thể nói, tình hình KNTC trong năm 2009 tăng về số lượng đơn và tính chất, nội dung thì diễn biến phức tạp. Tổng số đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền các cấp, ngành thụ lý giải quyết trong hơn 8 tháng qua là 1.817 đơn, tăng 467 đơn so với cùng kỳ năm 2008. Lượng đơn, thư khiếu nại chủ yếu thuộc lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 

 

Đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo (ảnh có tính chất minh họa, chụp tại phòng tiếp nhận đăng ký quyền sử dụng đất ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch).

 

Lượng đơn phát sinh do khiếu nại đông người ở một số dự án, một số vụ việc gia tăng. Ví dụ như khiếu nại của 163 công dân tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) liên quan đến bồi thường dự án hồ chứa nước Sông Ray; khiếu nại của 68 hộ dân ngụ tại ấp 9, xã Gia Canh (huyện Định Quán) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Các vụ việc này đã và đang được các cơ quan Nhà nước của tỉnh, huyện tập trung để giải quyết dứt điểm.

 

* Tình trạng đông người khiếu kiện vượt cấp gia tăng đáng báo động, theo ông, vấn đề này xuất phát từ đâu?

 

- Cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều bất cập, nhất là lĩnh vực đất đai; giá cả bồi thường và các chính sách hỗ trợ khác cho người dân có đất bị thu hồi, giải tỏa còn chênh lệch so với thực tế; công tác thu hồi đất, giải tỏa bồi thường và tái định cư ở một số nơi còn thiếu công khai, dân chủ; việc áp giá bồi thường, vị trí đất, diện tích đất chưa đúng, chưa đủ; việc xây dựng các khu tái định cư còn chậm, việc chuyển đổi nghề nghiệp chưa chuẩn bị chu đáo. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh khiếu kiện trong thời gian qua.

 

Một nguyên nhân khác là giá đất hàng năm đều có điều chỉnh, thường năm sau cao hơn năm trước; do đó, có những trường hợp công dân khiếu kiện dai dẳng, kéo dài để càng về sau càng được hưởng giá bồi thường cao hơn.

 

Pháp luật về KNTC chưa quy định rõ điểm dừng trong giải quyết khiếu nại. Nhiều vụ việc UBND tỉnh giải quyết lần hai, nhưng người dân khiếu kiện vượt cấp ra trung ương, các cơ quan trung ương vẫn chuyển về địa phương yêu cầu xem xét lại. Mặt khác, nhiều trường hợp công dân khiếu kiện thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc nhận thức chưa đầy đủ; một số trường hợp cố tình khiếu kiện kéo dài không chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; thậm chí có trường hợp bất chấp pháp luật, có hành vi quá khích, gây rối trật tự ở trụ sở cơ quan Nhà nước... Trong khi đó, pháp luật chưa có quy định chế tài đủ nghiêm để hạn chế, răn đe những trường hợp cố tình khiếu nại dai dẳng, sai sự thật.

 

* Ngoài những vụ khiếu kiện đông người, đơn thư KNTC tập trung chủ yếu trên lĩnh vực, địa phương nào, thưa ông?

 

- Khiếu nại trong thời gian qua phần lớn là về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; khiếu nại quyết định hành chính về đất đai, về việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân và giữa các hộ dân với các cơ quan, tổ chức...

 

Tình hình tố cáo trong thời gian qua chủ yếu phản ánh cán bộ, công chức có hành vi vi phạm khi thi hành công vụ; nhất là hiện nay nhiều trường hợp công dân khiếu nại, cơ quan thẩm quyền giải quyết bác đơn, chuyển sang tố cáo người giải quyết.

 

Khiếu kiện trong thời gian qua tập trung ở các địa phương có nhiều dự án phát triển công nghiệp và đô thị được triển khai thực hiện như: TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay, TX.Long Khánh và 2 huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất cũng phát sinh nhiều vụ khiếu kiện.

 

* Như trên đã nói, việc người dân KNTC có một phần do người dân chưa am hiểu pháp luật. Như vậy theo ông, các địa phương, cơ quan cần làm gì để giúp dân KNTC đúng quy định?

 

- Mặc dù Luật KNTC ban hành từ năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004 và 2005 nhưng đến nay có rất nhiều người chưa hiểu đúng quy định của luật này. Người dân vẫn có suy nghĩ đơn càng gửi nhiều nơi, nhiều cấp thì càng được giải quyết sớm theo yêu cầu, nguyện vọng của mình. Song bên cạnh đó, cũng có những trường hợp mặc dù nắm rõ quy định của pháp luật, được cơ quan Nhà nước giải quyết đúng pháp luật, nhưng vẫn cố tình khiếu kiện dai dẳng, vượt cấp, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan Nhà nước. 

Thời gian qua, tình trạng khiếu nại đông người xảy ra chủ yếu trên lĩnh vực đất đai ở một số dự án các chợ: Long Khánh, Vĩnh Tân, Sặt; khu công nghiệp Giang Điền; khu xử lý nước thải Hố Nai 3; các khu dân cư: Tân Hiệp, An Viễn, Bắc Sơn; khu du lịch Sơn Tiên; không đồng tình việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Định Quán...

 

Những vụ việc này chính quyền các cấp giải quyết nhiều lần nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tập trung giải quyết dứt điểm, nhất là tăng cường kiểm tra thực tế, tổ chức đối thoại, giải thích cho dân hiểu rõ pháp luật và xem xét đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

 

Do đó, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về KNTC cần phải thực hiện sâu rộng, đồng bộ. Cần có nhiều hình thức tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn. Trong đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của huyện, xã; đồng thời lựa chọn một số xã trọng điểm để tổ chức tuyên truyền trực tiếp... Bên cạnh đó, việc thực hiện công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác bồi thường, thực hiện dự án; việc phổ biến chủ trương của Nhà nước trong việc thực hiện dự án nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân cũng là vấn đề cần quan tâm.

 

* Một vấn đề nữa đặt ra là ngay chính cán bộ tiếp công dân, cán bộ thụ lý giải quyết đơn thư KNTC cũng chưa hẳn đã am hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan...

 

- Thực tế về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong thời gian qua có những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân do một số cán bộ, công chức còn chưa am hiểu và thực hiện đúng luật. Trong xử lý đơn, thư, giải quyết KNTC có một số trường hợp cán bộ chưa xác định đúng thẩm quyền, chưa xem xét kỹ các điều kiện thụ lý, áp dụng chưa đúng chính sách, pháp luật, thực hiện không đúng trình tự, thủ tục. Từ đó vụ việc bị kéo dài thời gian giải quyết và giải quyết chưa đúng luật, gây phiền hà cho nhân dân.

 

Qua giải quyết khiếu nại lần hai của UBND tỉnh, có những trường hợp cho thấy ngay cả UBND cấp huyện giải quyết khiếu nại của dân cũng không đúng trình tự, thủ tục, điều kiện thụ lý và áp dụng sai chính sách, pháp luật. Đây là điều cần được nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục.

 

* Xin cảm ơn ông!

Phong Vũ (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều