Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Trần Văn Hiến:
Chủ trương di dời chợ Sặt là đúng đắn, theo đúng quy hoạch đã được Chính phủ và tỉnh phê duyệt

09:08, 21/08/2009

Thời gian gần đây, việc thực hiện chủ trương di dời tiểu thương ở chợ Sặt (phường Tân Biên) sang chợ mới Tân Biên (đối diện chợ Sặt) đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Hiến, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa.

Thời gian gần đây, việc thực hiện chủ trương di dời tiểu thương ở chợ Sặt (phường Tân Biên) sang chợ mới Tân Biên (đối diện chợ Sặt) đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Hiến, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa.

 

* Không thể không di dời chợ Sặt

 

* Phóng viên: Việc di dời chợ Sặt có vướng mắc gì về mặt quy hoạch chung không, thưa ông?

 

- Ông Trần Văn Hiến: Tôi khẳng định, việc di dời chợ Sặt sang chợ mới Tân Biên là chủ trương đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và về phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn Đồng Nai đã được Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Tôi muốn nói thêm, ngày  6-11-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 227/2003 về việc phê duyệt quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2020, trong đó khu vực chợ mới Tân Biên hiện nay được quy hoạch là khu trung tâm thương mại dịch vụ của thành phố. Trung tâm này sẽ phục vụ cho khoảng 80 ngàn người thuộc 3 phường: Tân Biên, Tân Hòa, Hố Nai và ở KCN Amata. Vừa qua, ngày 18-8-2009, ông Võ Văn Đông, Cục trưởng Cục 3 - Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đã có cuộc tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng của tiểu thương chợ Sặt. Ông Võ Văn Đông đã nói, thành phố cần quan tâm giải quyết có lý, có tình các nguyện vọng chính đáng cho tiểu thương, nhưng không thể không di dời chợ Sặt.

 

Chợ Sặt cũ đã xuống cấp và chợ mới Tân Biên.

* Có phải chỉ có yếu tố về quy hoạch nên phải di dời?

 

- Thành phố cũng đã cân nhắc rất nhiều yếu tố phải di dời chợ Sặt vì lợi ích chung, trong đó có việc đảm bảo trật tự an toàn  cho tiểu thương và người đi chợ. Chợ Sặt hiện nay là chợ được di dời từ chợ tự phát họp tại khu vực ngã ba (sát bên khu công viên 30-4 hiện nay) về đây năm 1978. Ban đầu, chợ chỉ được dựng tạm bằng tre, nứa lá để tránh mưa, nắng. Tuy nhiên, do công tác phòng cháy chữa cháy  chưa được quan tâm nên chợ đã bị cháy rụi hoàn toàn vào năm 1983. Sau đó, UBND phường Tân Biên đã huy động các hộ kinh doanh góp vốn xây dựng 4 gian nhà lồng chợ để kinh doanh. Những năm sau đó, chợ thường xuyên được sửa chữa, mở rộng, số lượng tiểu thương ngày càng tăng, hiện lên đến hơn 400 người. Những năm gần đây, chợ Sặt đã trở nên quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra cháy chợ là rất cao và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chợ lại nằm sát quốc lộ 1A nên cũng không đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này. Bên cạnh đó, theo quy hoạch đất chợ Sặt hiện hữu là công trình công cộng để xây dựng trường học phục vụ các cháu ở khu vực này đến năm 2010 và các năm tiếp theo. Có thể nói, việc di dời chợ Sặt đã trở nên rất bức thiết.

 

* Còn về nguồn gốc đất chợ Sặt thì sao, thưa ông?

 

-  Năm 1977, chợ Sặt chuyển về khu đất trống (nay là công viên 30-4), nhưng do chỗ này sình lầy và không đảm bảo an toàn giao thông nên năm 1978 UBND xã Hố Nai 2 (nay là phường Tân Biên) chỉ đạo chuyển chợ về khu đất trống (nay là Công ty điện và điện tử TCL Việt Nam), sau đó lại di dời về vị trí chợ Sặt hiện nay. Như vậy, có thể xác định được nguồn gốc đất chợ Sặt từ sau giải phóng năm 1975 cho đến năm 1999, đất chợ Sặt thuộc sự quản lý của UBND xã Hố Nai 2 và UBND phường Tân Biên. Từ năm 2000 cho đến nay, đất chợ Sặt thuộc quản lý của UBND TP.Biên Hòa. Đó là đất công.

 

* Thành phố có chính sách hỗ trợ cho tiểu thương di dời

 

* Lý do tiểu thương đưa ra để "níu kéo" việc không di dời chợ Sặt sang chợ mới Tân Biên là gì?

 

-  Có lúc tiểu thương cho rằng chưa tham khảo ý kiến của họ trước khi xây chợ mới Tân Biên; cũng có lúc than về giá cho thuê sạp ở chợ mới quá cao; khi thì cho đó là đất khai phá của cha ông để lại!...

 

* Về những vấn đề này, thành phố xử lý ra sao?

 

- Chúng tôi được biết, trước khi tiến hành xây dựng chợ Tân Biên, chủ đầu tư là Công ty Tín Nghĩa có phát phiếu thăm dò ý kiến tiểu thương. Lần đầu, tổng số phiếu thu về là 400/440 tiểu thương, đạt hơn  xấp xỉ 91%. Qua khảo sát, có 227 tiểu thương đồng ý thuê với tổng số sạp đăng ký kinh doanh là 317 sạp... Sau khi tham khảo ý kiến tiểu thương, Công ty Tín Nghĩa đã thay đổi thiết kế xây dựng chợ Tân Biên từ 5 tầng xuống còn 1 tầng trệt và 1 tầng hầm như hiện nay. Có thể nhận xét, chợ Tân Biên mới là chợ loại 1 (chợ Sặt chỉ là loại 2) có diện tích sạp rất rộng, ít nhất là 4m2/sạp (so với chợ Sặt chỉ có khoảng 1,5m2/sạp). Địa điểm thoáng mát, khang trang, đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường.

 

Tôi được biết, các tiểu thương chợ đêm đã chuyển vào chợ mới Tân Biên kinh doanh ổn định từ cuối tháng 4 năm 2007 cho đến nay, tổng cộng 228 sạp.

 

Còn về giá thuê sạp thì thành phố cũng đã có hướng xử lý, tìm cách hỗ trợ cho tiểu thương di dời sang chợ Tân Biên.

 

* Cụ thể là gì, thưa ông?

 

- Thành phố đã trích ngân sách thuê lại quyền sử dụng sạp ở chợ Tân Biên trong vòng 20 năm để cho các hộ tiểu thương thuê lại và không tính lãi suất trong vòng 20 năm, với nhiều hình thức khác nhau. Có sạp tiểu thương trả trước khoảng 30% (282 sạp) giá trị thuê sạp trong thời hạn 20 năm; có loại trả trước 10% (28 sạp) và loại trả trước 40% (4 sạp diện tích từ 7m2 trở lên);  70% số tiền còn lại được trả theo ngày hay theo tháng, năm tùy vào sự lựa chọn của tiểu thương. Theo tôi, việc thành phố áp dụng chính sách cho trả 70% số tiền thuê sạp còn lại khá linh hoạt và phù hợp với khả năng kinh doanh của số đông tiểu thương. Ví dụ, 1 sạp  4m2 ở vị trí C1, nếu tiểu thương trả ngày chỉ có 7.853 đồng, trả tháng 199 ngàn 500 đồng và trả theo năm 2 triệu 835 ngàn đồng. Sạp 4m2 ở  vị trí A3 nếu tiểu thương trả ngày 12.042 đồng, trả tháng 362 ngàn 250 đồng và trả năm 4 triệu 347 ngàn đồng... Ngoài ra, thành phố còn có chính sách bồi thường, hỗ trợ tài sản, thưởng di dời. Riêng với các hộ ngưng kinh doanh, không di dời sang chợ Tân Biên, thành phố còn có hỗ trợ về chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ ngừng kinh doanh...

 

* Ông còn muốn nói điều gì với tiểu thương ở chợ Sặt?

 

-  Việc di dời chợ Sặt hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lợi ích chung của xã hội và đảm bảo trật tự an toàn. Tuy nhiên, UBND thành phố cũng hết sức thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của bà con tiểu thương khi phải di dời sang chợ mới. UBND thành phố đã tìm mọi cách vận dụng linh hoạt các chính sách bồi thường tài sản và hỗ trợ cho tiểu thương một cách có lợi nhất. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn bà con tiểu thương chợ Sặt đồng thuận với chủ trương di dời chợ.

 

* Xin cám ơn ông!

Thanh Trà (thực hiện)

 

Tin xem nhiều