Bệnh cúm A/H1N1 khởi phát từ Mexico, Hoa Kỳ và lan nhanh ra nhiều quốc gia. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và lây lan nhanh từ người sang người. Để giúp bạn đọc hiểu rõ những tác hại của dịch cúm A/H1N1 và cách phòng ngừa, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ ĐỒNG MINH HÙNG, Chủ nhiệm khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Bệnh cúm A/H1N1 khởi phát từ
* Phóng viên: Thưa bác sĩ, xin cho biết những biểu hiện của người mắc bệnh cúm A/H1N1 và bệnh này hiện đã có vaccine phòng ngừa chưa?
- Bác sĩ Đồng Minh Hùng: Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus, sau đó đưa tay lên miệng, lên mũi. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 2-7 ngày và thời gian lây truyền là 1 ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh. Biểu hiện của bệnh giống cúm mùa như sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể có nôn hoặc tiêu chảy kèm theo. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra viêm phổi nặng, dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Hiện tại, cúm A/H1N1 chưa có vaccine phòng ngừa.
* Bác sĩ có thể hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh cúm A/H1N1?
- Virus cúm A/H1N1 khi ra khỏi cơ thể người sẽ chết sau 2 giờ, nếu nó nằm trong dịch tiết mũi, miệng thì có thể tồn tại 10 ngày. Do vậy, việc phòng, chống cúm A/H1N1 bằng cách: rửa tay, rửa mũi, đeo khẩu trang sạch là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả. Để ngăn chặn dịch không lây lan, người dân nên thực hiện 3 khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng. Cụ thể, hạn chế tập trung chỗ đông người; che miệng mũi khi hắt hơi, ho; tránh tiếp xúc với người bị các biểu hiện bệnh hô hấp cấp, nếu cần thiết phải mang khẩu trang y tế. Ngoài ra, mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy là tốt nhất. Chú ý vệ sinh môi trường, làm thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Khi người nào đó có biểu hiện sốt, ho, đau họng mà đi ra từ vùng có dịch, thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng bệnh cho người khác và nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng dễ dẫn đến tử vong. Khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 phải giữ khoảng cách hơn một mét với người bệnh.
Đối với những gia đình có thành viên bị nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 đang được theo dõi, điều trị trong bệnh viện, những người thân còn lại sẽ được ngành y tế cho theo dõi, cách ly tại nhà. Những trường hợp đã xác định dương tính với cúm A/H1N1, thì những người thân đã tiếp xúc với bệnh nhân này sẽ được cách ly, lấy mẫu làm xét nghiệm PCR để xác định có nhiễm bệnh hay không. Đối với trường hợp bị nhiễm cúm A/H1N1, ngành y tế sẽ lập tức thông báo cho những người có tiếp xúc gần gũi (như hành khách đi trên cùng chuyến bay, ngồi cùng phòng làm việc, ăn uống cùng bàn...) để giúp đỡ và hướng dẫn họ cách ly, cũng như phát hiện những triệu chứng nhằm thông báo với ngành y tế kịp thời. Những người được giám sát, cách ly sau 7 ngày mới hết thời gian cách ly.
Cho đến nay, trên thế giới đã có gần 30 ngàn ca mắc bệnh tại 74 quốc gia, trong đó đã có 145 người tử vong. Ở Việt Nam, hiện đã có 26 người nhiễm cúm A/H1N1, riêng tỉnh Đồng Nai có 5 người bị nhiễm. |
* Bác sĩ có khuyến cáo gì với bạn đọc trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H1N1?
- Chúng ta cần cảnh giác trước những trường hợp mới có triệu chứng và xét nghiệm âm tính, vì có thể kết quả ban đầu chưa thể phát hiện ra virus, đặc biệt ở những khu vực có mức độ phơi nhiễm trực tiếp cao. Thời gian ủ bệnh của virus cúm A/H1N1 là từ 5-7 ngày và tuần lễ thứ hai là thời kỳ dễ lây nhiễm mạnh nhất. Việc xác định qua máy đo thân nhiệt không thể phát hiện hết được những người mang bệnh do họ đã uống thuốc hạ sốt trước đó, hoặc đang trong thời gian ủ bệnh.
Hiện nay, ngành y tế đã đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại cộng đồng. Do vậy, khi phát hiện một người có những biểu hiện của bệnh cúm A/H1N1 như: ho húng hắng, sốt và trước đó đã tiếp xúc với nguồn lây, thì đơn vị hoặc cá nhân phát hiện phải gọi điện thoại đến các đường dây nóng của ngành y tế để được đưa đi theo dõi, điều trị. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ sang giai đoạn 2 - là thời kỳ bệnh nhân phát tán virus A/H1N1 và sẽ có thêm nhiều virus phát triển ở các cơ quan: hô hấp, tiêu hóa của người bệnh.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Hương Li (thực hiện)