Nhân Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009-2014), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, UV Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên của đại hội.(Ảnh: Thống Nhất) |
* Phóng viên: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật mà MTTQVN tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?
- Bà Nguyễn Thị Kim Liên: 5 năm qua, MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên đã có nhiều cố gắng trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển địa phương. Rõ nét nhất là thông qua hoạt động của MTTQ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc vận động lớn, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng, HĐND và Nghị quyết đại hội MTTQVN tỉnh đi vào cuộc sống. Phương thức hoạt động của MTTQ các cấp đã chú trọng hướng về cơ sở, đưa công tác Mặt trận đến địa bàn dân cư và hộ gia đình; MTTQ các cấp được củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, thu hút ngày càng nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia, làm cho chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận được nâng cao.
* Mục tiêu của tỉnh đề ra là cuối năm 2009 sẽ xóa hết nhà tạm cho hộ nghèo nhưng chỉ đến giữa tháng 5, toàn tỉnh đã hoàn thành. Đây cũng là nội dung thi đua thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ VII. Xin bà cho biết vai trò của MTTQVN tỉnh trong chương trình này?
- Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" của tỉnh trong 5 năm qua tiếp tục phát triển sâu rộng, đạt nhiều kết quả thiết thực. Tính từ năm 2004-2008, toàn tỉnh xây dựng được 8.035 căn nhà tình thương, với tổng trị giá hơn 67 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm nay, dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh tiếp tục nhận sự đóng góp của các cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh được gần 3 tỷ đồng. Số tiền này được đưa về 5 huyện còn lại chưa xóa xong nhà tạm cho người nghèo là: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu. Cộng với sự đóng góp của các địa phương này, chỉ trong thời gian ngắn, 2.604 căn nhà tình thương nữa đã được xây dựng, với tổng trị giá hơn 21 tỷ đồng. Như vậy, tính đến nay việc xóa nhà tạm cho người nghèo tại 11/11 huyện, thị, thành trong tỉnh đã hoàn tất, về đích trước mục tiêu đề ra 7 tháng.
Để đạt được những kết quả trên, Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hướng dẫn UBMTTQ các cấp triển khai cuộc vận động theo phương châm 3 tại chỗ: gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và xã, phường, thị trấn, nhằm huy động sức mạnh toàn dân giúp đỡ người nghèo. Nhiều khu phố, ấp đã xem việc xây dựng nhà tình thương là biểu tượng cao đẹp của tình làng nghĩa xóm, của lòng nhân ái, hộ nghèo, hộ khá gần gũi, cảm thông và chia sẻ hơn với hộ nghèo, người nghèo. Nhờ vậy, uy tín, vai trò, vị trí của MTTQ các cấp được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở từng cộng đồng dân cư bằng hành động thiết thực, có ý nghĩa.
* Vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận sẽ được chú trọng như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?
5 năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo chuyển biến quan trọng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. MTTQ phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước, góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh nhà, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng cao và chuyển dịch đúng hướng; văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ có tiến bộ, đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, hệ thống chính trị được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng, vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị được khẳng định, lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hướng dẫn của MTTQVN và các tổ chức thành viên tăng lên. |
- Dù giám sát hay phản biện, đích cuối cùng của Mặt trận đạt tới là nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quá trình phát triển bền vững của xã hội. Nhận thức rõ điều này, nhiệm kỳ VII, vai trò giám sát của Mặt trận sẽ tập trung vào những vấn đề bức xúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đồng Nai, cụ thể là giám sát quá trình đầu tư phát triển của tỉnh, các chính sách bồi thường tái định cư cho người dân, việc thực hiện cải cách hành chính, khiếu nại tố cáo của công dân...
* Thưa bà, trong nhiệm kỳ tới, MTTQVN tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?
- Trước hết, chúng tôi nhận thấy trong nhiệm kỳ qua, việc tập hợp các tầng lớp nhân dân vào các đoàn thể, hội quần chúng có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; sức hấp dẫn trong sinh hoạt chưa nhiều; lực lượng nòng cốt ở cơ sở chưa vững chắc; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" chưa thực sự sâu sắc và toàn diện; công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Điều đó đặt ra cho nhiệm vụ nhiệm kỳ tới là phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, ra sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh; nâng cao chất lượng hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và "Ngày vì người nghèo"; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tăng cường phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên với các cơ quan Nhà nước; tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư.
* Xin cảm ơn bà!
P.Hằng (thực hiện)