Thời gian gần đây, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp và mầm mống phát sinh tội phạm vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh về vấn đề này.
Thời gian gần đây, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp và mầm mống phát sinh tội phạm vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh về vấn đề này.* Tội phạm phát sinh từ đâu?
* PV: Đại tá đánh giá như thế nào về thực trạng tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Đại tá Nguyễn Phi Hùng: Trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, trước sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng công an, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được kiềm chế. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể thì vẫn còn nổi lên một số mặt đáng lưu ý, đó là tội phạm hình sự vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tội phạm xâm hại nhân thân, xâm phạm sở hữu tài sản tăng hơn so với trước đây. Tập trung nhiều nhất ở các địa bàn có khu công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa cao.
Tội phạm giết người và cố ý gây thương tích có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ chỉ cần mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong sinh hoạt đã dẫn đến thanh toán, đâm chém nhau gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tội phạm trộm cắp cũng gia tăng khá cao, khó kiểm soát. Nổi lên là các thủ đoạn đua nóng xe gắn máy, cạy cửa đột nhật vào nhà dân, các cơ quan, doanh nghiệp để trộm cắp tài sản.
Ngoài ra, các loại tội phạm như: cờ bạc, mại dâm, ma túy v.v... mặc dù được tập trung đấu tranh nhưng vẫn còn xảy ra nhưng âm thầm và kín đáo hơn. Do đó, số vụ việc được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực tế xảy ra trên địa bàn.
* Nguyên nhân của tình hình trên do đâu, thưa đại tá?
- Nhưng trước hết phải thừa nhận rằng công tác phòng ngừa của chúng ta ở mặt nào đó còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đồng bộ và tập trung, chưa xác định được địa bàn và đối tượng trọng điểm để tuyên truyền. Một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là thanh thiếu niên nhận thức pháp luật còn hạn chế và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác phối hợp tổ chức cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư như đối tượng tù tha về, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng về địa phương chưa đạt hiệu quả.
Công tác quản lý các dịch vụ văn hóa còn nhiều sơ hở như quản lý dịch vụ internet, xuất bản truyện tranh thiếu nhi có nội dung thiếu lành mạnh không tốt đã tác động đến tâm lý, hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên.
Có thể nói các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra đều bắt nguồn từ cơ sở xóm, ấp, khu phố và ở các cơ quan doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn lại chưa chú trọng nắm chắc tình hình và chưa có giải pháp đồng bộ trong việc giải quyết tình hình an ninh trật tự. Một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả tác hại do tội phạm gây ra, từ đó buông lỏng quản lý con em trong gia đình hoặc mất cảnh giác trong quản lý tài sản.
* Làm sao để phòng chống?
* Như vậy, ngành công an có biện pháp gì để đấu tranh, ngăn chặn?
- Các ngành chức năng đã lồng ghép công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phổ biến phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm để nâng cao ý thức của người dân về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình trong công tác gìn giữ an ninh trật tự. Bên cạnh phong trào quần chúng, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các lực lượng nghiệp vụ và công an các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra cơ bản, chọn tuyến, địa bàn trọng điểm để đấu tranh. Đồng thời, công an cũng đã mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm; triệt xóa các băng nhóm tội phạm có tổ chức; tội phạm gây án nguy hiểm; tội phạm lưu manh, côn đồ hung hãn; các băng nhóm trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có v.v... Từ đó đã từng bước kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm.
* Gần đây, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2009, tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh đột ngột gia tăng, đại tá có nhận định gì về vấn đề này?
Trong 5 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 329 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 87 vụ (329/416), làm thiệt hại số tài sản ước tính khoảng 6,3 tỷ đồng. Đáng chú ý là các loại tội phạm như trộm cắp tài sản, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ giảm mạnh. Song, đáng báo động là án xâm phạm sở hữu như: cướp, cướp giật tài sản, giết người do mâu thuẫn trong sinh hoạt diễn ra nhiều và tăng hơn so với cùng kỳ. Cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ 220/329 vụ, đạt tỷ lệ 66,87%, bắt xử lý 306 đối tượng, đang truy bắt 27 đối tượng, thu hồi số tài sản trị giá 3,5 tỷ đồng trả lại cho người bị hại. |
- Đây là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc phát sinh các vụ án giết người trong thời gian gần đây mà nguyên nhân là do mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày là hết sức nghiêm trọng.
Để phòng ngừa hiệu quả hành vi này không thể chỉ có riêng ngành công an mà đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện của các cấp, ngành, gia đình, học đường và toàn xã hội. Trước hết là phải xây dựng môi trường sống thật trong sáng, lành mạnh. Mỗi người phải tự kiểm soát được hành vi của mình, biết kiềm chế trong việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra trong cuộc sống thường ngày thì mới hạn chế được những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
* Để phòng ngừa tội phạm và các tiêu cực xã hội phát sinh, theo đại tá thì vấn đề gì cần quan tâm?
- Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công dân, giúp cho người dân nắm vững kiến thức pháp luật để tự điều chỉnh hành vi của mình trong sinh hoạt. Đồng thời cần phải điều chỉnh cơ bản môi trường sống để làm sao không phát sinh tội phạm và tạo khí thế tấn công tội phạm mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
Đức Việt