Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Nguyễn Văn Vàng:
Đấu tranh nội bộ còn rất hạn chế

08:04, 03/04/2009

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009 là thanh, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009 là  thanh, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vàng, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh nêu rõ:

 

Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước quy định, tất cả những gì thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, đơn vị thì người thủ trưởng phải có trách nhiệm quản lý, phòng ngừa không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Ngay cả các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng như thanh tra nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án..., ngoài nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngoài xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, còn phải đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí ngay từ bên trong đơn vị mình.

 

Một số cán bộ của huyện Vĩnh Cửu phải ra tòa lãnh án vì tiêu cực trên lĩnh vực đất đai.

Qua theo dõi chúng tôi ghi nhận một thực tế, nếu người đứng đầu thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, xử lý thì sẽ ngăn chặn, hạn chế được hậu quả do hành vi tham nhũng của cấp dưới gây ra. Ngược lại, cũng có những lãnh đạo "chủ động" làm sai hoặc biết việc làm của cấp dưới có vấn đề nhưng vẫn để xảy ra, gây hậu quả tiêu cực. Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm trong chỉ đạo, xử lý.

 

* PV: Xin ông cho biết trong thời gian qua đã có bao nhiêu trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng?

 

- Ông Nguyễn Văn Vàng: Tuy chưa nhiều, nhưng tất cả những vụ tiêu cực đều được tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm. Với những vụ việc tham nhũng đã xử lý, chúng ta còn đặt vấn đề kiểm tra, xử lý cả trách nhiệm của cấp ủy, vai trò quản lý nhà nước của cấp trên... Vụ tiêu cực ở huyện Tân Phú, ban lãnh đạo UBND huyện có người bị xử lý hành chính, có người còn bị khởi tố. Vụ tiêu cực đất đai ở huyện Vĩnh Cửu, Chủ tịch UBND huyện và một số trưởng phòng chuyên môn phải ra tòa lãnh án. Hay như mới đây, Thanh tra tỉnh vừa công bố vụ việc sai phạm ở Công ty cấp nước Đồng Nai, thì rõ ràng ban lãnh đạo đơn vị này có vi phạm và chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định của Nhà nước...

 

* Ông đánh giá thế nào về vai trò của cấp ủy, đoàn thể tại các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay?

 

- Vấn đề này đòi hỏi rất cao vai trò của cấp ủy, các đoàn thể... Qua thực tế ở Đồng Nai và một số địa phương khác cho thấy, việc phát hiện để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ còn rất hạn chế. Đa số sự việc được phát hiện là từ phản ánh của cơ quan ngôn luận hoặc tố cáo của quần chúng. Điều này cho thấy sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng, đoàn thể... trong một số đơn vị đã phát hiện tham nhũng còn hạn chế, yếu kém. Cán bộ, đảng viên biết có tiêu cực, tham nhũng nhưng không dám đấu tranh trực diện. Ví dụ như vụ việc sai phạm xảy ra tại Công ty cấp nước Đồng Nai trong thời gian dài nhưng nội bộ... im lặng cho đến khi báo chí phản ánh. Vấn đề ở đây là, cán bộ, đảng viên có biết tiêu cực xảy ra ngay trong đơn vị mình không? Theo tôi là có biết, nhưng không ai mạnh dạn đấu tranh. Còn vì sao thì có thể do họ sợ, do nể nang...

Năm 2008, toàn tỉnh đã thực hiện 240 cuộc thanh tra. Và trong số 899 đơn vị được thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 353 đơn vị có sai phạm. Tổng số tiền sai phạm và kiến nghị thu hồi gần 7 tỷ đồng. Trong đó, sai phạm nhiều nhất là việc không chấp hành đúng các quy định pháp luật về thuế, hoạt động thu chi tài chính của doanh nghiệp, truy thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng không đúng, thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản không đúng thực tế... Trong số này, có 3 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan thanh tra chuyển sang công an đề nghị điều tra làm rõ; xử lý hành chính 21 cá nhân, trong đó có 2 người bị cách chức, 3 người bị buộc thôi việc.

 

Việc đấu tranh để xây dựng, làm trong sạch nội bộ còn hạn chế nên khi có tố cáo của người dân, báo chí phát hiện thì chúng tôi hết sức quan tâm vì những thông tin đó góp phần quan trọng ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng. Vì thế, có những đơn thư tố cáo nặc danh theo quy định sẽ không thụ lý, giải quyết nhưng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh xem đây là nguồn cung cấp thông tin, làm tư liệu để theo dõi, chỉ đạo xử lý, phục vụ công tác thanh tra, điều tra...

 

* Việc công khai, minh bạch trong hoạt động nhà nước nếu triển khai thực hiện tốt cũng góp phần phòng, chống tham nhũng...

 

- Thực tế "mảnh đất dung túng" cho nạn tham nhũng, lãng phí chính là do sự thiếu công khai, minh bạch. Do đó, công khai, minh bạch là giải pháp hữu hiệu cho công tác phòng ngừa, chống tham nhũng. Nếu thủ tục hành chính được công khai, chính quyền giải thích, hướng dẫn cho người dân biết thì sẽ tránh được tình trạng cán bộ gây khó dễ, nhũng nhiễu. Thậm chí ngay trong lĩnh vực thanh tra, theo Luật phòng, chống tham nhũng quy định, cơ quan thanh tra phải công khai kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra được công bố rộng rãi là nhằm định hướng dư luận xã hội. Theo tôi, việc công khai kết quả thanh tra cũng có tác dụng tốt ở 2 mặt: cơ quan tiến hành thanh tra không dám lợi dụng quyền hạn để làm sai trái, đồng thời việc này sẽ giúp đơn vị được thanh tra có thể phản hồi lại những vấn đề chưa chuẩn xác. Song, cũng cần nói rõ, hoạt động của thanh tra không chỉ nhằm vào việc xử lý mà mục đích quan trọng hơn là chấn chỉnh, kết luận đâu là nguyên nhân để giúp đơn vị được thanh tra sửa chữa, khắc phục và ngăn chặn, phòng ngừa chung.

Có 16 vụ có liên quan đến tham nhũng với 25 đối tượng được cơ quan điều tra thụ lý trong năm 2008. Số tiền mà các đối tượng này gây thiệt hại lên đến 135,4 tỷ đồng và 6.392m2 đất. Điều đáng nói là có 12 vụ đã được đưa ra tòa án xét xử và toàn bộ tài sản thất thoát thu hồi lại được.

 

* Còn việc công khai tài sản cán bộ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Thực ra việc công khai tài sản hiện nay theo quy định vẫn mang tính tự giác, cán bộ, đảng viên tự kê khai. Vấn đề này hiện được quản lý theo nguyên tắc hồ sơ cán bộ nên không phải ai cũng có quyền được biết. Nhưng khi có yêu cầu của cơ quan cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan chức năng mới kiểm tra, xác minh làm rõ.

 

* Xin cảm ơn ông.

Phạm Mai (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều