Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện pháp lý về sở hữu tài sản mới để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu!

10:04, 10/04/2009

Sở hữu tài sản (SHTS) mới gồm: trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước và khoáng sản, đang được Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát, tìm hiểu tại một số địa phương, nhằm xây dựng đề án trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn tiến sĩ LÊ THANH VÂN, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học thuộc Viện NCLP.

TS Lê Thanh Vân
Sở hữu tài sản (SHTS) mới gồm: trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước và khoáng sản, đang được Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát, tìm hiểu tại một số địa phương, nhằm  xây dựng đề án trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn tiến sĩ LÊ THANH VÂN, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học thuộc Viện NCLP.

 

* PV: Thưa ông, chỉ riêng góc độ sở hữu trí tuệ, lâu nay đã có nhiều bất cập. Chẳng hạn chuyện sao chép bản quyền để kinh doanh như băng đĩa phim, ca nhạc... đã trở nên phổ biến, ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

- TS Lê Thanh Vân: Đúng là có tình trạng này. Ngay trên địa bàn Đồng Nai, theo báo cáo của cơ quan chức năng, việc người dân đem đĩa phim, ca nhạc, phần mềm... lậu bày bán công khai tại các chợ, cửa hàng chẳng khác gì háng hóa. Đây là tình trạng chung trên cả nước, khó kiểm soát. Thực ra, luật pháp của chúng ta quy định rõ về các hình thức vi phạm, cũng như xử lý đối với các trường hợp vi phạm quyền sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc. Ví dụ như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Dân sự đều có những điều khoản cụ thể. Song, bên cạnh đó một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất. Điều này phải sớm điều chỉnh để xác định cụ thể về quyền tác giả; tránh những tranh chấp mà không thể giải quyết được như lâu nay đã từng xảy ra.

 

 * Trong đề án của Viện NCLP có đề cập đến tài nguyên nước - một lĩnh vực được xem là nguồn lực quan trọng của quốc gia, nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ, ông có thể giải thích rõ hơn?

 

Nhiều kiểu dáng công nghiệp bị làm nhái, làm giả.

- Cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta chưa có một văn bản nào nói rõ về tầm quan trọng của tài nguyên nước. Tôi cho rằng, tài nguyên nước là một tài sản mang tính đặc thù, giống như đất đai, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề tài nguyên nước đang gây nhiều bức xúc, nổi cộm không chỉ đối với quốc gia, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng của từng khu vực, trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang sở hữu tài nguyên nước nhưng lại không có đầy đủ văn bản, cơ sở pháp lý để có thể giải quyết, xử lý đúng mức những vấn đề liên quan đến nước. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với tài nguyên nước là rất quan trọng, mang tính cấp bách.

 

* Nhận thức về "sở hữu toàn dân" dường như rất chung chung, thậm chí khó hiểu. Ví dụ, khái niệm đất đai là "sở hữu toàn dân" nhưng do "Nhà nước thống nhất quản lý", ông nghĩ sao về điều này?

TS Lê Thanh Vân cho biết: Trước tiên, xác định chủ thể SHTS phải trên cơ sở quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, SHTS nói chung và SHTS mới nói riêng phải được hiểu là quyền, vai trò chủ sở hữu của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan.

 

- Phải nói rằng, hai khái niệm "sở hữu toàn dân" và "sở hữu Nhà nước" hiện chưa rõ ràng, thiếu mạch lạc. Đây là vấn đề cần được khảo sát, nghiên cứu sâu hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng, bản chất của "sở hữu toàn dân" đối với những tài sản của quốc gia như đất đai thì không phù hợp, cần nên thay bằng "sở hữu Nhà nước". Nhưng rõ ràng, để thay đổi một quan niệm, một nhận thức lâu nay đã trở thành thói quen thì phải có diễn đàn phân tích rạch ròi đâu là "sở hữu toàn dân" và đâu là "sở hữu Nhà nước" thì mới có thể tìm ra một đáp án đầy đủ được.

 

* Vì sao chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với những lĩnh vực thuộc SHTS mới như cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước và khoáng sản, thưa ông?

 

 - Đối với các nước phát triển trên thế giới thì SHTS đã được đánh giá từ rất lâu. Còn tại Việt Nam, bốn lĩnh vực của SHTS được xem là mới, vì nó... mới, kể cả trong quan điểm nhận thức và cách hiểu. Bởi trong giai đoạn sau này, chúng ta mới tiếp cận khoa học công nghệ, mới hòa nhập với kinh tế thị trường thế giới. Quá trình giao thoa này đòi hỏi chúng ta phải đặt thành vấn đề thực hiện, để từng bước ứng dụng cho phù hợp với sự phát triển chung trong khu vực, trên thế giới mà Chính phủ ta đã cam kết. Chính vì nó quá "mới" nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Ban chỉ đạo đề án và giao cho Viện NCLP tiến hành khảo sát, lấy ý kiến các địa phương về bốn lĩnh vực SHTS mới này. Mục đích cuối cùng là nhằm sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật, để các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc thực thi trong thời gian tới. Từ đó mới có cơ sở để bảo vệ quyền lợi và vai trò của chủ sở hữu đối với từng lĩnh vực.

 

Vẫn còn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Lãnh đạo Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai cho biết, trong 3 năm (2006 - 2008), Sở KHCN đã hỗ trợ 88 doanh nghiệp trong việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 5 nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài. Ngoài ra còn xây dựng 13 website, 76 nhãn hiệu hàng hóa trong nước, 7 kiểu dáng công nghiệp và sáng chế. Lĩnh vực được doanh nghiệp đăng ký bảo hồ gồm: chế biến, dịch vụ, vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc và trồng trọt.

Nhìn chung trong thời gian gần đây, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Do ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ tài sản thuộc SHTT nên nhiều doanh nghiệp chủ động đăng ký với cơ quan chức năng để được thực thi quyền SHTT. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp, cá nhân tiếp tay hoặc trực tiếp xâm phạm quyền SHTT của các đơn vị, tác giả khác.

                                                                                                                 Đ.D

T.Nguyên (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều