Một công ty chuyên thiết kế môi trường sống cho sinh vật ở nơi có lực hấp dẫn yếu đang hy vọng sẽ đưa được những cây hoa đầu tiên lên mặt trăng.
Bề mặt của Mặt trăng. Ảnh: nasa.gov. |
Một công ty chuyên thiết kế môi trường sống cho sinh vật ở nơi có lực hấp dẫn yếu đang hy vọng sẽ đưa được những cây hoa đầu tiên lên mặt trăng.
Paragon Space Development – công ty có trụ sở tại Mỹ - sẽ xây dựng một nhà kính để đưa lên Mặt trăng bằng thiết bị thăm dò tự hành do Odyssey Moon chế tạo. Odyssey Moon là một trong những công ty tham gia cuộc thi đưa robot lên mặt trăng mang tên Lunar X Prize do Google tổ chức.
Nhà kính sẽ được sử dụng để nuôi dưỡng những hạt mù tạc trên mặt trăng. Paragon Space Development hy vọng những hạt này sẽ nảy mầm và nở hoa. Họ cho rằng những bông hoa trên mặt trăng sẽ trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng trong lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận định nhà kính để trồng cây sẽ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực khai thác mặt trăng. “Ban đầu chỉ là hạt mù tạc, nhưng biết đâu một ngày nào đó sẽ có người sống trên mặt trăng”, Bob Richards, người sáng lập công ty Odyssey Moon, nói.
Tuy nhiên, thiết kế một nhà kính có khả năng nuôi dưỡng cây cối trên mặt trăng không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là khi nó phải đủ trong suốt để người ta có thể chụp ảnh. Sản phẩm thử nghiệm mà Paragon Space Development công bố vào ngày 27/3 là một cấu trúc hình vòm bằng kính có khung thép. Nó có đường kính 9 cm, chiều cao 30 cm – đủ không gian cho 6 cây mù tạc.
Nhưng nhóm thiết kế sẽ phải chỉnh sửa nhà kính này để nó có thể bảo vệ cây khỏi những bức xạ vũ trụ và sự chênh lệch nhiệt độ khủng khiếp trên mặt trăng (nhiệt độ lên tới hơn 100 °C vào ban ngày, nhưng có thể giảm xuống -170 °C vào ban đêm).
Để giúp cây chống lại cái lạnh vào ban đêm trên mặt trăng (tương đương 14 ngày trên địa cầu), nhóm thiết kế quyết định sử dụng giống mù tạc có tốc độ sinh trưởng nhanh nhất. Những hạt này có thể lớn lên và nở hoa trong đúng một ngày mặt trăng (tương đương hai tuần ở trái đất).
Tuy nhiên, do các hạt mù tạc có tốc độ sinh trưởng cực nhanh nên chúng có thể mọc thành cây và nở hoa khi robot đáp xuống mặt trăng. Vì thế nhóm thiết kế sẽ phải nghĩ ra một cách nào đó để giữ cho hoa lâu tàn.
Thời gian đưa nhà kính lên Mặt trăng chưa được ấn định. Để giành giải Lunar X Prize, Odyssey Moon phải là công ty đầu tiên đưa một thiết bị thăm dò tự hành lên mặt trăng. Thiết bị phải đi được tối thiểu 500 mét và gửi ảnh về trái đất. Thời hạn chót là năm 2014. Trong khi đó, Odyssey Moon muốn đưa thiết bị thăm dò vào cuối năm 2011 để giành phần thưởng 20 triệu USD của cuộc thi này.
Lunar X Prize là cuộc thi đưa thiết bị thăm dò tự hành lên mặt trăng do Google tổ chức. 90% chi phí thiết kế robot phải do tư nhân tài trợ. Tổng trị giá giải thưởng của cuộc thi là 30 triệu USD. Phần thưởng trị giá 20 triệu USD sẽ được trao cho công ty (hoặc cá nhân) đầu tiên đưa thiết bị lên thăm mặt trăng trước năm 2012. Sau năm 2012, trị giá phần thưởng chỉ còn 15 triệu USD.
(theo Newscientist)