Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh đã đạt những kết quả gì? Làm thế nào để phong trào Đoàn đi vào thực chất?... Đó là những vấn đề mà phóng viên Báo Đồng Nai đã đặt ra trong cuộc trao đổi với anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai.
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh đã đạt những kết quả gì? Làm thế nào để phong trào Đoàn đi vào thực chất?... Đó là những vấn đề mà phóng viên Báo Đồng Nai đã đặt ra trong cuộc trao đổi với anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai. Anh cho biết:
- Hơn 1 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ VII, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, rõ nét, thể hiện qua một số mặt như: công tác giáo dục chính trị tư tưởng được đẩy mạnh bằng các hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng hơn; nhiều hoạt động phong trào mang dấu ấn, có tính tập trung cao được tổ chức sâu rộng trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN); có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc chăm lo cho ĐVTN; có sự đổi mới trong việc hướng dẫn các đơn vị ký kết giao ước thi đua v.v...
* Có ý kiến còn cho rằng, Đoàn chỉ làm phong trào mà chưa đi vào thực chất. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?
- Nói tới Đoàn là phải nói tới các phong trào. Thông qua các phong trào để Đoàn thể hiện được vị trí của mình trong xã hội; thu hút, tập hợp được đông đảo ĐVTN; giúp thanh niên có cơ hội được cống hiến sức trẻ của mình phục vụ quê hương, đất nước và trưởng thành.
Đến nay, nhiều phong trào của tuổi trẻ Đồng Nai được Trung ương Đoàn đánh giá cao và đã để lại những dấu ấn tốt đẹp. Trong đó, ĐVTN khối hành chính sự nghiệp, kinh tế luôn đẩy mạnh cải tiến quy trình xử lý công việc, nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, xây dựng phong cách làm việc, áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ĐVTN khu vực địa bàn dân cư đã duy trì và phát triển các mô hình kinh tế... ĐVTN trong tỉnh cũng đã đóng góp và vận động từ các tổ chức xã hội giúp đỡ nhân dân nghèo trong và ngoài tỉnh; tham gia các chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh đến với nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã phối hợp với công an, các ban, ngành, địa phương cảm hóa thanh niên hư hỏng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội...
* Vậy đâu là dấu ấn của "4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp" trong thời gian qua ở Đồng Nai, thưa anh?
- Để đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, các cấp bộ Đoàn đã thành lập được nhiều quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ học bổng, tuyên dương ĐVTN có thành tích xuất sắc trong học tập. Các Đoàn trường học khối THPT, cao đẳng, đại học đã phối hợp với các cơ quan của tỉnh, tổ chức thành công nhiều buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em có những kiến thức cần thiết trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai.
Đồng hành với thanh niên trong mưu sinh lập nghiệp, đến nay nguồn vốn vay dư nợ trong thanh niên của tỉnh đã đạt hơn 8 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành trong hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các đơn vị Đoàn còn chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao nâng cao sức khỏe, tinh thần cho ĐVTN; giúp ĐVTN rèn luyện nhân cách, sống lành mạnh và có ích cho cộng đồng.
* Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác Đoàn hiện cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Xin anh cho biết những hạn chế, yếu kém của Đoàn là gì? Và Đoàn làm gì để khắc phục?
- Đó là hầu hết trình độ chuyên môn và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở hiện nay rất hạn chế, trong khi chỉ có cán bộ Đoàn giỏi thì chất lượng cơ sở Đoàn mới thực sự được nâng cao. Đến nay tỉnh vẫn chưa có chính sách thu hút cán bộ giỏi cho Đoàn; chưa có phụ cấp cho Bí thư chi đoàn ấp, khu phố. Kinh phí và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác Đoàn, Hội ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quan tâm đến công tác Đoàn, chưa có chế độ làm việc định kỳ với Đoàn, chưa quan tâm tạo điều kiện để cán bộ Đoàn đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn gặp nhiều khó khăn do từ phía chủ doanh nghiệp không hợp tác; trong khi đó các huyện hiện nay chưa có cán bộ Đoàn chuyên trách cho khối thanh niên khu vực công nhân, nhà trọ.
Tỉnh đoàn đang xây dựng quy chế về đội ngũ cán bộ Đoàn để trình tỉnh xem xét, trên cơ sở đó sẽ có sự lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho Đoàn một cách có hệ thống và hiệu quả nhất. Bản thân mỗi tổ chức Đoàn phải hiểu thanh niên cần gì ở mình để từ đó đề ra được các nhiệm vụ chăm lo cho thanh niên một cách thiết thực nhất. Mỗi cán bộ Đoàn phải thực sự gần gũi với thanh niên, chủ động trong công việc, xây dựng các kế hoạch hoạt động thực sự có hiệu quả ở cơ sở.
P. Hằng (thực hiện)