Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp không khắc phục ô nhiễm môi trường sẽ bị đình chỉ sản xuất hoặc buộc di dời...

10:03, 27/03/2009

Lần đầu tiên, Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Đồng Nai công khai các doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen" về gây ô nhiễm môi trường (tháng 3-2009) đã mở đầu cho một chiến dịch "làm sạch môi trường" trong sản xuất công nghiệp trong năm nay. Ông LÊ VIẾT HƯNG, Giám đốc Sở TN-MT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh vấn đề này.

Lần đầu tiên, Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Đồng Nai công khai các doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen" về gây ô nhiễm môi trường (tháng 3-2009) đã mở đầu cho một chiến dịch "làm sạch môi trường" trong sản xuất công nghiệp trong năm nay. Ông LÊ VIẾT HƯNG, Giám đốc Sở TN-MT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh vấn đề này.

 

* Thách thức lớn đối với ngành tài nguyên - môi trường

 

* PV: Năm 2008 đã qua đi với việc không hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh đề ra là phấn đấu 100% khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ông có thể nói gì về điều này?

 

- Ông Lê Viết Hưng: Đến cuối năm 2008, tỉnh Đồng Nai có 29 khu công nghiệp (KCN) được cấp phép thành lập, trong đó có 21 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN này hàng ngày xả ra môi trường khoảng 70.000m3 nước thải công nghiệp, phần lớn số nước thải này chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước ở nhiều nơi trong tỉnh.

 

 

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các công ty kinh doanh hạ tầng KCN phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (NTTT) trong năm 2008. Tuy nhiên, kết quả thực hiện không đạt yêu cầu. Cho đến cuối năm 2008 chỉ mới có 12/21 KCN có hệ thống xử lý NTTT, xử lý đạt khoảng 33% (23.250m3/70.000m3) lượng nước thải từ hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Trong thực tế, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý NTTT tại các KCN còn gặp một số khó khăn như có trường hợp gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, giải tỏa nên nhà đầu tư không có đất để xây dựng khu xử lý nước thải theo quy hoạch; cũng có trường hợp gặp phải trở ngại về vốn đầu tư, công nghệ và thủ tục,... do vậy kết quả chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Từ đầu năm 2009 đến nay, đã có thêm 5 KCN tiến hành khởi công đầu tư xây dựng hệ thống xử lý NTTT. Với tiến độ như vậy, trong năm 2009 này, phần lớn các khu công nghiệp sẽ có hệ thống xử lý NTTT.

 

*  Đó có phải là thách thức lớn của ngành TN-MT Đồng Nai trong năm 2009 và khó khăn lớn nhất trong vấn đề này là gì, thưa ông?

 

- Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về "Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020", với chỉ tiêu đề ra trong năm 2009 là 100% các KCN phải có hệ thống xử lý NTTT và 90% đạt tiêu chuẩn về môi trường. Điều này thể hiện quyết tâm cao của tỉnh Đồng Nai trong công tác bảo vệ môi trường. Nhưng cũng phải nói rằng đây là một chỉ tiêu rất cao, bởi vì hiện nay chỉ mới trên 50% (13/21 KCN đã có quyết định thành lập) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý NTTT. Và qua đợt kiểm tra năm 2008 cho thấy, chưa có hệ thống nào xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo đúng quy định. Vì vậy, để có thể hoàn thành được chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND tỉnh, cần có sự phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của các công ty kinh doanh hạ tầng tại các KCN.

 

Công ty Formosa đang cố gắng khắc phục ô nhiễm về bụi khói.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, năm 2009, tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, do đó đây là một thách thức rất lớn.

 

* Không còn thời hạn "lùi" cho doanh nghiệp

 

* Nếu KCN và các nhà máy vẫn vi phạm về xử lý nước thải thì sao? Liệu biện pháp đình chỉ sản xuất và đóng cửa KCN, nhà máy có được thực thi?

 

- Để đánh giá mức độ gây ô nhiễm, năm 2008, Sở TN-MT đã tổ chức kiểm tra, thu mẫu để phân loại về môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT của Bộ TN-MT. Hiện nay, chúng tôi đang trình UBND tỉnh, Bộ TN-MT để phê duyệt theo thẩm quyền. Trên cơ sở kết quả phân loại, chúng tôi sẽ đánh giá được cụ thể mức độ ô nhiễm, xác định lộ trình và phương án khắc phục đối với từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vẫn không khắc phục ô nhiễm theo lộ trình, phương án đã cam kết, thì chúng tôi sẽ đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả áp dụng các biện pháp xử lý cao hơn như: tạm thời đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu di dời hoặc cấm hoạt động,...

 

Cũng cần nói rõ rằng, mục tiêu trong việc quản lý về môi trường không phải nhằm triệt tiêu sản xuất mà cùng hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề môi trường. Vì vậy, chúng tôi không đặt nặng việc áp dụng biện pháp đóng cửa các nhà máy mà luôn mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng hợp tác chặt chẽ với cơ quan bảo vệ môi trường để khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của cộng dân cư, của nhân dân, cố tình không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường thì bắt buộc chúng tôi phải áp dụng các biện pháp mạnh như trên, kể cả biện pháp đình chỉ sản xuất, đóng cửa nhà máy.

 

* Có KCN cho rằng họ đã đầu tư hệ thống xử lý NTTT theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng về Việt Nam vẫn không đạt yêu cầu. Vậy có vướng mắc gì trong việc kiểm tra, giám định nước thải không?

 

- Các KCN tại nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng có đặc thù là thu hút các dự án với nhiều loại hình sản xuất, nhiều ngành nghề khác nhau, do vậy việc xử lý cục bộ ở từng nhà máy chưa thực hiện tốt thì gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý NTTT cho toàn KCN, cho dù có công nghệ xử lý tiên tiến... Riêng công tác thanh tra, kiểm tra thì các cơ quan chức năng phải tuân theo quy định của Nhà nước. Kết quả thanh tra, kiểm tra đều căn cứ trên kết quả lấy mẫu, phân tích và việc thu mẫu, phân tích mẫu đều do các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn thực hiện. Vì thế, để có thể xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường, trong thời gian tới, các đơn vị cần quan tâm xử lý cục bộ và khắc phục sự quá tải của hệ thống NTTT, vận hành đúng quy trình, áp dụng công nghệ phù hợp sẽ góp phần khắc phục những tồn tại hiện nay.

 

* Xin cảm ơn ông!

Xuân Phú (thực hiện)

 

Tin xem nhiều