Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chúng tôi chọn Đồng Nai làm đối tác vì sự cởi mở và nhiệt tình"!

05:03, 20/03/2009

Mới đây, Chủ tịch vùng Bretagne (Pháp) Joan Yves Le Drain và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một ký kết bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kinh tế giữa vùng Bretagne với Đồng Nai. Chương trình đang được cụ thể hóa bằng dự án Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao Agro park tại Xuân Lộc. Tại buổi gặp gỡ báo chí của 2 bên diễn ra vào ngày 18-3, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch vùng Bretagne và ông Alain Glon, Chủ tịch tập đoàn Glon.

Ông Joan Yves Le Drain

Mới đây, Chủ tịch vùng Bretagne (Pháp) Joan Yves Le Drain và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một ký kết bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kinh tế giữa vùng Bretagne với Đồng Nai. Chương trình đang được cụ thể hóa bằng dự án Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao Agro park tại Xuân Lộc. Tại buổi gặp gỡ báo chí của 2 bên diễn ra vào ngày 18-3, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch vùng Bretagne và ông Alain Glon, Chủ tịch tập đoàn Glon.

 

* PV: Thưa ông Joan Yves Le Drain, tại sao vùng Bretagne lại chọn Đồng Nai để hợp tác phát triển kinh tế?

 

- Ông Joan Yves Le Drain: Hiện nay, hầu như tất cả các vùng khác ở châu Âu đều chọn Trung Quốc để đầu tư vì bản thân thị trường nội địa của họ cũng đầy sức hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao định hướng phát triển của Việt Nam, khá bền vững, tôn trọng môi trường hơn và khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và đô thị không quá lớn. Mặt khác, chúng tôi cũng tìm thấy ở Đồng Nai sự cởi mở và nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh cũng như đối tác Donataba.

 

* Trước khi đến Đồng Nai, các ông đã có buổi làm việc với quan chức Chính phủ Việt Nam. Vậy ông có nhận xét gì?

 

- Chúng tôi đã gặp gỡ và làm việc với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và các quan chức của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn trước khi đến Đồng Nai. Chúng tôi rất vui vì nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ NN-PTNT về chương trình hợp tác giữa vùng Bretagne với Đồng Nai.

 

Dây chuyền sản xuất thịt heo sạch của Nhà máy D&F. (Donataba).

* Ông có hài lòng với bản ghi nhớ đã ký kết? Và, ông có cam kết gì với các doanh nghiệp ở Bretagne khi vận động họ đến Đồng Nai đầu tư?

 

- Tôi hoàn toàn hài lòng, nhất là những thỏa thuận về phát triển chăn nuôi heo khép kín. Tôi là người ký bản ghi nhớ hợp tác, do đó tôi sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Bretagne đến đầu tư ở Đồng Nai.

Nội dung chính bản ghi nhớ giữa vùng Bretagne và Đồng Nai

- Tập hợp và tổ chức nông dân thành những tổ chức hợp tác nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển sản xuất, gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường.

- Tập trung những công ty trong cùng một chuỗi giá trị của một ngành hàng vào một khu vực chung được quy hoạch chuyên biệt, gọi là Khu liên kết sản xuất ngành hàng. Các công ty tham gia có thể sẽ có những chi phí cho dịch vụ chung (ví dụ như quản lý chất thải, vận tải...) và tạo ra một thương hiệu chung được thị trường công nhận.

- Xây dựng các quy định nhằm tổ chức, kiểm tra, đào tạo và huấn luyện để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ các dịch bệnh của động vật và bảo vệ môi trường.

- Tham gia hợp tác giữa chính quyền tỉnh Đồng Nai và vùng Bretagne; Donataba và tất cả các công ty thành viên, tập đoàn Glon và các công ty thành viên, các doanh nghiệp khác và các cơ sở đào tạo của 2 bên...

Những công tác này phải đặt trong kế hoạch 5 năm, lãnh đạo 2 bên phải họp định kỳ hàng năm để kịp bổ sung và sửa chữa cho kịp tình hình và đưa ra kế hoạch làm việc cụ thể năm tiếp theo.

                                            P.V

 

* P.V: Thưa ông Glon, ông có dự liệu sẽ gặp những khó khăn nào khi thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân Đồng Nai?

 

- Ông Alain Glon: Cách đây khoảng 50 năm, hiện trạng chăn nuôi ở vùng Bretagne không khác gì Đồng Nai hiện nay. Chúng tôi nhận ra những điểm yếu của nó và chúng tôi đã thay đổi. Chúng tôi giúp nông dân tự tập hợp lại theo mô hình liên kết và sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn. Nhờ vậy, thu nhập của nông dân tăng theo do giá trị thương phẩm cao hơn. Tất nhiên, chúng tôi cũng phạm sai lầm, chẳng hạn như tác động xấu đến môi trường. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi muốn chia sẻ với Đồng Nai để làm sao vừa sản xuất theo tiêu chuẩn cao vừa bảo vệ được môi trường.

Ông Alain Glon

 

Tất nhiên, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là rất khó. Không thể "lôi" họ đến trường để học cách nâng cao chất lượng thịt heo. Chúng tôi sẽ tác động qua con cái họ, bằng cách đào tạo những thế hệ trẻ hơn để từ từ thay đổi tập quán, vì dự án không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Khó khăn trước mắt là phải thành lập một đội ngũ có kỹ thuật cao để đi những bước đầu tiên.

 

* Vậy bao giờ người nông dân sẽ được tham gia vào dự án và hưởng lợi từ đó như các ông nói?

 

-  Chúng tôi không đem tiền bạc tới để chi phối cuộc sống người nông dân. Chúng tôi đem tới kinh nghiệm và những tiêu chuẩn để thay đổi phương thức sản xuất. Trong thời gian ngắn sắp tới, một ban kiểm tra tiến độ dự án sẽ được thành lập và trong vòng 3 tháng, lộ trình của dự án sẽ được xác định cụ thể. Có thể chia thành 3 bước: đào tạo và tổ chức cho nông dân sản xuất; tạo các quy chế để đưa sản xuất vào quy củ theo tiêu chuẩn; nâng cao chất lượng thương phẩm và giúp thương phẩm ra ngoài biên giới Việt Nam.

 

* Xin cám ơn!

 

 

* Phó chủ tịch UBND tỉnh ĐINH QUỐC THÁI:

Các hộ nông dân sẽ được sắp xếp để ở và sản xuất một cách hợp lý trong vùng dự án. Họ sẽ được hướng dẫn để sản xuất theo phương pháp kỹ thuật mới để cho ra những loại thực phẩm an toàn và chất lượng cao. Trong dự án Agro park, dự kiến sẽ có khoảng 25 hecta dành riêng cho việc bố trí chỗ ở của các hộ nông dân, các điểm dân cư khác cũng sẽ được sắp xếp phù hợp với quy trình và cách thức sản xuất.

* Chủ tịch HĐQT Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Donataba) NGUYỄN THỊ LÊ HỒNG:

Trước đây 3 tháng, Donataba và tập đoàn Glon đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác, đến nay chuyển thành quan hệ hợp tác giữa 2 địa phương và được Chính phủ đồng thuận. Đó là điều đáng mừng. Còn về Agro park, chúng tôi đang thực hiện từng bước theo đúng quy trình. Hiện dự án đang được tạm giao đất để tiến hành quy hoạch tổng thể. Về vốn, chưa có con số cụ thể nhưng chúng tôi dự đoán sẽ cần đến 200 triệu USD cho giai đoạn 1. Ngoài tập đoàn Glon, chúng tôi còn có những đối tác khác rất quan trọng về tài chính, đầu ra sản phẩm...

Rất nhiều khó khăn còn chờ Donataba phía trước. Nhưng cái khó nhất, theo tôi là làm sao thay đổi được không chỉ tập quán chăn nuôi mà còn tập quán tiêu dùng của người Việt. Rất khó để thành công trong một cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm một nhà máy hùng hậu với sản phẩm của những lò mổ chỉ cần đến con dao. Và, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để giải quyết những khó khăn sắp tới của dự án.

Vi Lâm (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều