Báo Đồng Nai điện tử
En

Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ: Cần hướng về thị trường nội địa

10:03, 13/03/2009

Suy giảm kinh tế thế giới trong thời gian qua khiến cho các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, nhất là đồ gỗ xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có gần 650 DN chế biến gỗ, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 200 DN đang hoạt động. Liệu tình hình thị trường trong thời gian tới có khả quan hơn? Các doanh nghiệp cần phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?

Suy giảm kinh tế thế giới trong thời gian qua khiến cho các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, nhất là đồ gỗ xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có gần 650 DN chế biến gỗ, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 200 DN đang hoạt động. Liệu tình hình thị trường trong thời gian tới có khả quan hơn? Các doanh nghiệp cần phải làm gì trong giai đoạn hiện nay? Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông ĐÀM NGỌC NĂM, Phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm - thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

Một góc xưởng chế biến gỗ của Công ty cổ phần gỗ Tân Mai.

* PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường đồ gỗ xuất khẩu trong năm nay?

 

- Ông Đàm Ngọc Năm: Các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ, nhất là đối với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Tình trạng này còn kéo dài đến khoảng quý 3 năm nay. Xuất khẩu đồ gỗ của chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng đây là 2 thị trường nằm trong tâm điểm của suy giảm kinh tế thế giới. Sở dĩ tôi đưa ra nhận định đến khoảng quý 3 năm nay ngành chế biến gỗ xuất khẩu sẽ phục hồi trở lại, vì lúc đó gói kích cầu của chính phủ Mỹ mới phát huy tác dụng.

 

* Vậy, theo ông các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, cần phải làm gì để vượt qua được "sóng gió" này?

 

- Ngoài việc cố gắng giữ thị trường đang có, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu và mở rộng thêm thị trường khác, như Trung Đông chẳng hạn. Trong giai đoạn xuất khẩu đang khó khăn, thiết nghĩ, các doanh nghiệp cũng cần quay về với thị trường trong nước. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay hàng gỗ của Trung Quốc chiếm lĩnh 50% thị trường Việt Nam. Tại sao ta không quan tâm giành lấy thị phần ngay trên sân nhà? Trong khi đó, về mẫu mã sản phẩm đồ gỗ của ta ngang ngửa với hàng Trung Quốc. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp phải nghiên cứu lại thị trường trong nước. Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin cho nhau thông qua hiệp hội. Về việc này thì các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, hầu hết đều mạnh ai nấy làm.

 

* Các doanh nghiệp chế biến gỗ có được hưởng lợi gì từ chính sách kích cầu của Chính phủ, thưa ông?

Ông TRẦN VĂN THÀNH, chủ doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc: Hàng mộc xuất khẩu tới cuối năm 2009 mới hết khó khăn

Trước đây, 80% sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Năm 2008 lượng hàng xuất vào thị trường này đã giảm xuống còn 40% và năm nay đơn hàng xuất chỉ còn được 2 tháng. Bây giờ chúng tôi đang tìm thị trường xuất khẩu mới và quay sang làm thêm hàng nội địa, cho dù lỗ cũng chấp nhận, miễn sao có việc làm cho công nhân.

Vừa qua, tôi liên hệ với một số người quen bên Mỹ, họ cho biết gói kích cầu của chính phủ Mỹ chưa có tác động gì đến người dân và nền kinh tế nước này chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo tôi, khó khăn còn đeo bám ngành sản xuất mộc xuất khẩu cho đến hết năm 2009.

 

- Chính Phủ đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian qua là rất tốt. Riêng về ngành chế biến gỗ do có những đặc thù nên khi tiếp cận cũng gặp một số khó khăn. Ví dụ như một số doanh nghiệp tại Đồng Nai phản ánh việc tiếp cận với nguồn vốn được hỗ trợ 4% lãi suất không dễ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp phải mua gỗ nguyên liệu theo mùa từ cuối năm 2008 nên khi có chính sách hỗ trợ thì đã vay rồi. Muốn được vay hỗ trợ 4% lãi suất thì phải đảo nợ, cũng trái với quy định. Tất cả các chứng từ mua bán nguyên liệu lại ở thời điểm trước khi có hỗ trợ của Chính phủ nên không thể chứng minh được việc đầu tư của nguồn vốn vay. Để "cứu" doanh nghiệp hiện nay, chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ nên khoanh nợ cho một số doanh nghiệp xuất khẩu để họ có cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi, suy giảm kinh tế chỉ kéo dài trong một giai đoạn nhất định.

 

* Xin cảm ơn ông!

Vân Nam (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều