Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội:
Tăng cường cơ chế thương lượng đối thoại để giải quyết tranh chấp lao động

10:02, 13/02/2009

Đoàn công tác của Trung ương do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát dài ngày về tình hình quan hệ lao động tại các tỉnh, thành phố công nghiệp phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà TRƯƠNG THỊ MAI.

Bà Trương Thị Mai
Đoàn công tác của Trung ương do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát dài ngày về tình hình quan hệ lao động tại các tỉnh, thành phố công nghiệp phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà TRƯƠNG THỊ MAI.

 

* Phóng viên: Thưa bà, bà có thể cho biết mục đích đợt khảo sát lần này của Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội?

 

- Bà Trương Thị Mai: Đợt công tác này, đoàn khảo sát của Ủy ban Các vấn đề về xã hội chủ yếu chú trọng đến các vùng kinh tế trọng điểm, có đông công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Mục đích của chúng tôi là đánh giá lại thực trạng quan hệ lao động, tình hình thực hiện pháp luật về lao động tại các khu vực, từ đó có những nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất lên Quốc hội để sửa đổi các luật liên quan đến lao động với mục tiêu ngăn ngừa tranh chấp lao động là chính.

 

* Qua quá trình khảo sát, bà đánh giá thế nào về tình hình quan hệ lao động, về công tác phối hợp trong giải quyết tranh chấp lao động tại Đồng Nai?

 

- Đây là lần thứ hai tôi đến Đồng Nai với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội. Và tôi thấy rằng, chỉ sau một năm, Đồng Nai đã có nhiều tiến bộ so với trước. Tất nhiên, tại địa phương vẫn còn xảy ra những vụ đình công không đúng trình tự pháp luật. Cụ thể, theo báo cáo chúng tôi nhận được, năm 2008 trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 142 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công. Nhưng đó là vấn đề chúng ta cần phải xem xét, vì không chỉ riêng Đồng Nai mà đây là thực trạng chung, xảy ra trong phạm vi cả nước.

 

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai.

Tôi biết rằng Đồng Nai hiện đang xây dựng rất tốt các thiết chế trong quan hệ lao động. Ví dụ như thành lập mạng lưới hòa giải viên Hội đồng trọng tài tại cơ sở, chú trọng nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở, đẩy mạnh công tác xây dựng thỏa ước lao động tập thể, cơ chế thương lượng đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động... Tôi nghĩ, không riêng gì Đồng Nai mà các địa phương có đông lao động nên chú trọng đến việc xây dựng các thiết chế này. Thời gian qua, có lẽ do chúng ta chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc xây dựng các thiết chế để tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, kể cả phía các doanh nghiệp. Đơn cử, thỏa ước lao động tập thể mà được xây dựng, thực hiện trong vòng 3-4 năm, thì đó là cơ sở rất là quan trọng để cả hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) lấy đó để giải quyết tranh chấp lao động cho đến khi có những phát sinh mới trong tình hình thực tế mà mọi người thấy rằng cần thiết phải thay đổi. Lúc ấy, sự thay đổi phải thực hiện trên cơ sở thương lượng đối thoại. Có như thế, quan hệ lao động sẽ dần đi vào ổn định, giảm bớt những tranh chấp không đáng có.

 

Tôi cũng đã góp ý với các địa phương, không chỉ riêng ở Đồng Nai, rằng chúng ta nên tăng cường cơ chế thương lượng đối thoại trong giải quyết tranh chấp lao động. Khi có tranh chấp, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ giải quyết, giảm dần sự can thiệp hành chính.

 

* Hiện nay, hầu như mối quan tâm của tất cả mọi người, từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến người lao động là tình trạng mất việc làm, còn tình trạng tranh chấp lao động, đình công hầu như không xảy ra. Thế nhưng đoàn khảo sát lại chỉ quan tâm đến vấn đề tranh chấp lao động?

 

- Thực ra, vấn đề lao động mất việc mới chỉ xảy ra từ cuối năm 2008, và chỉ là một giai đoạn nhứt thời trong cả một quá trình. Có thể đến năm 2010 hoặc 2011, kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới sẽ hồi phục, khi đó, lại sẽ xảy ra những tranh chấp về quan hệ lao động nếu chúng ta chưa có những biện pháp giải quyết cơ bản. Trước mắt, có thể vấn đề mất việc làm đang làm cho tình hình tranh chấp lao động giảm, nhưng không có nghĩa là không còn xảy ra. Liên quan đến quan hệ lao động, tranh chấp lao động là liên quan đến con người, nên sẽ là những vấn đề lâu dài, chúng ta phải tìm cách giải quyết cơ bản cho quan hệ lao động lành mạnh.

 

* Thời gian sắp tới có thể sẽ phát sinh những vấn đề mới trong quan hệ lao động xuất phát từ tình hình mới. Liệu đến lúc ấy, những tìm hiểu, nghiên cứu sửa đổi hôm nay có còn phù hợp hay không, thưa bà?

 

- Việc chúng ta làm hôm nay là thực hiện cho cả một quá trình lâu dài chứ không phải chỉ 1, 2 năm. Việc xây dựng luật đòi hỏi phải mang tính dự báo và lâu dài. Để hạn chế những tranh chấp lao động, thì thời điểm chúng ta thực hiện việc xây dựng luật liên quan đến lao động càng sớm càng tốt...

 

* Xin cảm ơn bà!

 * Ông Hisao Yoshikawa, Chủ tịch Chi hội Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai:

 

Tôi cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế tranh chấp lao động là làm sao cho người lao động nắm luật, hiểu luật và tuân thủ theo luật. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của địa phương đã hỗ trợ các doanh nghiệp chúng tôi rất tốt trong giảng dạy Luật Lao động, tổ chức các lớp học luật cho người lao động.

 

Nhưng tôi tự hỏi, tại sao Nhà nước cũng như chính quyền địa phương không đưa việc giảng dạy Luật Lao động vào chương trình học ở trường phổ thông? Ở Nhật Bản, các em học sinh phổ thông đều được học về Luật Lao động. Ở Indonesia, nơi tôi từng công tác nhiều năm, còn có chương trình thực tập 3 tháng tại các nhà máy, xí nghiệp dành cho học sinh phổ thông. Nhờ vậy, khi rời ghế nhà trường để đi làm công nhân hay làm bất cứ công việc gì liên quan, các em không những không bỡ ngỡ mà còn nắm được những nguyên tắc vận hành cơ bản của máy móc, nhanh chóng có tác phong công nghiệp phù hợp.

 

* Ông Cheng Wen Hung, Chủ tịch Chi hội Đài thương tại Đồng Nai:

 

12 năm làm việc ở Việt Nam, trong đó có hơn 10 năm công tác tại Đồng Nai, tôi nhận thấy Luật Lao động của Việt Nam cũng còn một số điều bất cập. Hiện nay trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm lao động, khi đó, có thể phải điều chuyển công việc của người lao động từ nơi này sang nơi khác để đảm bảo ổn định sản xuất. Thế nhưng, luật lại quy định rằng người lao động có quyền từ chối vị trí làm việc khác với vị trí đã được ghi trong hợp đồng lao động. Đó là điều bất công, không thuận lợi cho các doanh nghiệp chúng tôi, nhất là trong tình hình như hiện nay.

Nam (GHI)

Thanh Thúy (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều