Báo Đồng Nai điện tử
En

Những hậu quả khôn lường từ nghiện rượu!
Bài 2: Thành lập cơ sở chuyên cai nghiện rượu, tại sao không?

09:01, 07/01/2009

Làm việc với Sở Y tế và một số bệnh viện trong tỉnh, chúng tôi được biết, hiện nay ở Đồng Nai chưa có cơ sở riêng dành cho cai nghiện rượu nên người có nhu cầu cai nghiện phải vào Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TW2). Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Lợi, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện tâm thần TW2...

Làm việc với Sở Y tế và một số bệnh viện trong tỉnh, chúng tôi được biết, hiện nay ở Đồng Nai chưa có cơ sở riêng dành cho cai nghiện rượu nên người có nhu cầu cai nghiện phải vào Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TW2). Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Lợi, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện tâm thần TW2...

 

Bác sĩ Nguyễn Lợi đang khám cho bệnh nhân nghiện rượu.

* Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết những biểu hiện của người nghiện rượu?

 

- Bác sĩ Nguyễn Lợi: Không phải tự dưng con người ta nghiện rượu mà bắt nguồn từ tập quán uống rượu trong các buổi tiệc tùng. Từ thói quen vui cũng uống, buồn cũng uống... nên đến một giai đoạn nào đó sẽ thành nghiện. Biểu hiện cơ bản nhất của người nghiện rượu là luôn có cảm giác thèm rượu; uống rượu lai rai trong ngày, nhất là vào buổi sáng; chểnh mảng công việc... Trong đó, đáng sợ nhất là biến đổi nhân cách: trở nên ích kỷ, thô bạo, thiếu trách nhiệm với gia đình, giảm sút lòng tự trọng, lòng tự tin, hay nói dối, sống buông thả...  Địa vị xã hội của họ vì thế dần dần bị hạ thấp; mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, họ mất dần bạn bè tốt và  thường vi phạm pháp luật...

 

* Vậy, phương pháp cai nghiện rượu tại Bệnh viện tâm thần TW2 được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

 

- Theo đúng quy trình điều trị cai nghiện rượu, thì có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 điều trị bằng thuốc và theo dõi tại bệnh viện. Thực tế rất hiếm khi bệnh nhân nghiện rượu tự nguyện nhập viện để cai nghiện, mà thường họ nhập viện là do bị các bệnh cơ thể nghiêm trọng (viêm gan, viêm phổi, thiếu máu, nhồi máu cơ tim...) hoặc rơi vào hội chứng cai rượu (là triệu chứng những người nghiện rượu gặp phải khi đột nhiên ngừng uống rượu và có một số biểu hiện tâm thần như bị rung cơ, ra nhiều mồ hôi hay bị ảo giác thấy ma quỷ...) Thời gian điều trị cho bệnh nhân cắt cơn khoảng 7-10 ngày. Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng một số thuốc đặc trị. Thuốc này cũng có một số tác dụng phụ nguy hiểm nên cần phải được theo dõi và điều trị trực tiếp của các y, bác sĩ. Vì vậy, chúng tôi hiếm khi kê toa cho bệnh nhân tự điều trị thuốc tại nhà. Giai đoạn thứ 2 được tính từ khi bệnh nhân xuất viện trở về với gia đình và cộng đồng. Nhưng hiện nay vai trò của cộng đồng chưa được phát huy và chưa có đơn vị hay đoàn thể nào quản lý, hỗ trợ, kiểm soát bệnh nhân nghiện rượu sau khi xuất viện. Trong khi đó, rượu được sản xuất, bày bán và quảng cáo rộng rãi ở nhiều nơi nhưng  Nhà nước chưa có một biện pháp chế tài nào kiểm soát. Do đó, đa số các bệnh nhân sau khi cai rượu trở về lại tái nghiện.

 

* Được biết, bác sĩ đã trực tiếp điều trị cai nghiện rượu tại bệnh viện nhiều năm qua. Vậy, theo bác sĩ, khó khăn trong quá trình điều trị cai nghiện rượu là gì?

 

- Khó khăn trước tiên là bệnh nhân nhập viện không hợp tác hoặc trong trạng thái mê sảng; hay mắc các bệnh cơ thể nghiêm trọng kèm theo như: xơ gan, rối loạn đông máu, viêm màng não, chấn thương sọ não... Khi gặp các bệnh nhân nghiện rượu, các bệnh viện đa khoa thường chuyển đến Bệnh viện tâm thần TW2, trong khi các bệnh nhân này đang bị các bệnh nội khoa nặng, như: viêm gan, viêm tụy, thiếu máu... bệnh viện không có chuyên khoa điều trị các bệnh nội khoa này. Vì vậy, đối với trường hợp bệnh nặng, bệnh viện phải cho chuyển đến các bệnh viện đa khoa để tiếp tục được điều trị, đến khi bệnh nội khoa ổn mới chuyển trở lại để điều trị cai nghiện rượu. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao khi điều trị về bệnh nhân không tái nghiện trở lại. Vì bệnh viện chỉ điều trị để giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn có từ bỏ được rượu hay không, phải tùy thuộc vào ý chí, nghị lực của bệnh nhân, cũng như sự quan tâm, động viên của gia đình và cộng đồng.

 

 Mặt khác, các gia đình có thân nhân bị nghiện rượu thường bất mãn, xa rời người nghiện. Lời khuyên của tôi là đừng bỏ rơi người nghiện rượu. Nếu gia đình không kiểm soát, vô tình sẽ đẩy người bệnh xa rời gia đình, tìm đến thú vui rượu chè, thì tình trạng nghiện ngày càng nặng hơn. Theo tôi, vai trò của người vợ và những người con, đặc biệt là con cái trong gia đình rất quan trọng, cần phải thường xuyên gần gũi, động viên người nghiện bỏ rượu khi họ tỉnh táo, sau đó, động viên họ đi cai nghiện.

 

* Như vậy, tác hại từ nghiện rượu là rất lớn. Theo bác sĩ có cần thiết thành lập trung tâm hay cơ sở chuyên cai nghiện rượu hay không?

 

- Thành lập cơ sở hay trung tâm chuyên cai nghiện rượu là cần thiết và bản thân tôi cũng đã có kiến nghị với Ban giám đốc bệnh viện thành lập trung tâm này. Hiện nay, việc điều trị cai nghiện rượu tại Bệnh viện tâm thần TW2 còn nằm rải rác ở các khoa, phòng chứ chưa có một trung tâm chuyên điều trị cai nghiện rượu. Riêng tại Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện, trung bình mỗi năm tiếp nhận và điều trị cai nghiện rượu cho 30-50 bệnh nhân. Trên thực tế, nhu cầu cai nghiện rượu trong cộng đồng là rất lớn. Tuy nhiên, người dân ít có thông tin về các phương pháp cai nghiện hữu hiệu, nên thường buông xuôi nhìn người thân của mình ngày càng sa sút về thể chất và tinh thần do nghiện rượu. Theo tôi, khi trung tâm chuyên điều trị cai nghiện rượu được thành lập, thì các bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị chuyên sâu. Đây cũng là nơi nghiên cứu, thống kê, dự báo... để đưa ra phương pháp chữa trị hiệu quả, đồng thời trung tâm cũng sẽ có kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cho các đoàn thể, gia đình về các phương pháp tâm lý để hỗ trợ các bệnh nhân nghiện rượu sau khi xuất viện về với cộng đồng.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Ngọc Thư (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Bảng giá whisky chính hãngMua vang chén thánh nhập khẩu cao cấp Vang hồng Vang trắng giá bao nhiêu?