Hiện nay, đông đảo người dân đã lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại thay thế cho xe gắn máy. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh lớn nhất của hành khách khi đi trên các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh là tình trạng quá tải vào các giờ cao điểm.
* Phóng viên: Thưa bà, vì sao tình trạng quá tải của xe buýt vào các giờ cao điểm diễn ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục?
- Bà Thái Thị Ty: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 18 tuyến xe buýt, thì hầu hết đều bị quá tải vào giờ cao điểm. Theo tôi, đây là một vấn đề nan giải chung chứ không riêng gì hoạt động xe buýt ở Đồng Nai. Nguyên nhân do hành khách đi xe buýt chủ yếu là công nhân và học sinh, nên lượng khách vào giờ cao điểm thường tăng đột biến (tăng từ 2-2,5 lần sức chứa của xe). Trong khi đó, vào các thời điểm khác trong ngày thì lượng khách không nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải không thể tiếp tục đầu tư phương tiện để tăng cường cho các giờ cao điểm.
* Vậy, Trung tâm đã có những giải pháp cụ thể nào để giảm được tình trạng trên, thưa bà?
- Trong năm 2009, đối với tuyến xe buýt có trợ giá, thì vào giờ cao điểm chúng tôi sẽ có thay đổi về thời gian giãn cách, số chuyến, chất lượng phương tiện... Cụ thể là, thời gian giãn cách giữa các chuyến xe từ 10 - 15 phút, thay vì 15 - 30 phút như trước đây. Chúng tôi cũng tăng cường phương tiện lớn ở một số tuyến trọng điểm. Chẳng hạn, ở Tuyến số 2 (Biên Hòa - Nhơn Trạch) sẽ được đầu tư 2 loại xe Transico B50 và Transico B80; Tuyến số 3, số 4 sẽ đưa xe 40 chỗ thay cho xe 12 chỗ... Mặt khác, các đơn vị vận tải phải xây dựng biểu đồ tác nghiệp tăng chuyến cho ngày lễ, tết...
Ở một số tuyến xe buýt nội ô cũng sẽ có sự điều chỉnh lộ trình. Ví dụ, đối với Tuyến số 3 sẽ được kéo dài thêm 3,5km (bắt đầu từ bến xe Biên Hòa đến Công ty Pouchen - Cầu Hang và ngược lại); Tuyến số 4 sẽ được kéo dài lộ trình từ bến xe Biên Hòa - bến xe Đồng Nai (phường Bình Đa)-xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Ngoài ra, Trung tâm QLĐHVTHKCC cũng kiến nghị mở thêm một số tuyến xe buýt nội tỉnh và đi các tỉnh lân cận liền kề như tuyến ngã ba Dầu Giây - thị trấn Gia Ray - bến xe Đức Linh (tỉnh Bình Thuận); tuyến bến xe Xuân Lộc - ngã ba Lang Minh - huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); tuyến KCN Nhơn Trạch - quốc lộ 51 - thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu - huyện Đất Đỏ. Trung tâm cũng đã đề xuất mở thêm tuyến xe buýt trong nội ô thành phố từ phường Trảng Dài - quốc lộ 1K - cầu Hang - chợ Bửu Hòa - cù lao Hiệp Hòa và ngược lại.
* Còn riêng đối với phương án thí điểm xe buýt kết hợp đưa rước công nhân có trợ giá từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP.Biên Hòa đến nay đã được thực hiện đến đâu? Theo bà, khi phương án này đi vào hoạt động có hạn chế được tình trạng xe buýt quá tải không?
Vào giờ cao điểm, hành khách phải đứng chen chúc nhau trên xe buýt.
- Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 3-12 vừa qua, Sở Giao thông - vận tải đã có báo cáo về phương án trợ giá cho xe buýt kết hợp đưa rước công nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo phương án này thì sẽ có các tuyến xe buýt sau: tuyến nối dài từ trạm xe Hố Nai - bến xe Biên Hòa - Công ty Pouchen (giá vé là 3000 đồng/lượt); từ cổng Amata - cuối đường Amata (miễn phí cho công nhân); tuyến từ Siêu thị BigC - đường 3A - cổng KCN Biên Hòa 2 (miễn phí cho công nhân). Theo tôi, nếu phương án này được UBND tỉnh phê duyệt sẽ góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của công nhân các KCN trên địa bàn thành phố, đồng thời sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng xe buýt quá tải vào các giờ cao điểm.
* Xin cảm ơn bà.
Ngọc Thư (thực hiện)