Báo Đồng Nai điện tử
En

Đắk Lắk mơ về một vùng cà phê phát triển bền vững

09:12, 10/12/2008

Trong tất bật lo toan cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2008 diễn ra từ ngày 10 đến 14-12-2008, các vị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk hầu như không có giờ trống để giới báo chí có thể gặp gỡ trước ngày chính thức khai mạc lễ hội. Nhưng phóng viên Báo Đồng Nai cũng đã được Phó chủ tịch UBND tỉnh Y DHăm Ê Nuôl dành cho hơn 30 phút về câu chuyện xoay quanh cây cà phê Đắk Lắk...

Ông Y DHăm Ê Nuôl

Trong tất bật lo toan cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2008 diễn ra từ ngày 10 đến 14-12-2008, các vị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk hầu như không có giờ trống để giới báo chí có thể gặp gỡ trước ngày chính thức khai mạc lễ hội.  Nhưng phóng viên Báo Đồng Nai cũng đã được Phó chủ tịch UBND tỉnh Y DHăm Ê Nuôl dành cho hơn 30 phút về câu chuyện xoay quanh cây cà phê Đắk Lắk...

 

* Thưa ông, từ festival cà phê đầu tiên tổ chức năm 2005 đến Tuần lễ văn hóa cà phê ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh năm 2007, nay là  festival cà phê Buôn Ma Thuột năm 2008, Đắk Lắk kỳ vọng vào điều gì?

 

- Năm 2005 lần đầu tiên Đắk Lắk phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức festival cà phê như một sự khởi đầu còn mang tính thử nghiệm. Nhưng với 110 doanh nghiệp (DN) tham gia với 350 gian hàng giới thiệu các sản phẩm cà phê, từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến ra sản phẩm để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, cùng với Tuần lễ văn hóa cà phê ở hai thành phố lớn của cả nước năm 2007 cũng đã cho Đắk Lắk nhiều kinh nghiệm về tổ chức và những kỳ vọng mới. Đắk Lắk hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cây cà phê tại vùng đất này theo xu hướng phải nâng cao được giá trị cà phê Tây nguyên.

 

* Festival năm 2008 có gì mới so với 2005, thưa ông?

 

- Điểm nhấn quan trọng là lần đầu tiên, cả nước sẽ có sàn giao dịch cà phê tại Đắk Lắk. Một sàn giao dịch cà phê được khai trương với những nông dân tập tành tham gia vào việc buôn bán cà phê với thế giới. Chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị về nhân lực, cả việc hướng dẫn một số nông dân tập làm quen với công nghệ để giao dịch. Có lẽ cũng sẽ có những khó khăn bước đầu, nhưng tôi tin sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ là sự khởi đầu cho nông dân trên con đường hội nhập.

 

* Lễ hội làm gì để thu hút những người quan tâm đến cà phê cũng như cư dân của Buôn Ma Thuột?

 

- Ngoài số DN tham gia là hơn 150 đơn vị với hơn 400 gian hàng thì phần hội cũng khá đậm đà bản sắc Tây nguyên. Đó là lễ hội đường phố với 20 xe hoa quảng bá về cà phê cùng 12 con voi tham gia diễu hành; múa rối cao, múa rối thấp; múa lân hòa nhịp với biểu diễn cồng chiêng Tây nguyên; thi ảnh thời sự nghệ thuật về cà phê; thi thả diều với chủ đề bay lên thương hiệu cà phê; liên hoan nông dân sản xuất cà phê giỏi. Ngoài ra còn có phố ẩm thực với nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng, bán đặc sản, hàng lưu niệm đặc trưng của vùng Tây nguyên...

 

* Và liệu rằng tầm ảnh hưởng của Festival cà phê Buôn Ma Thuột sẽ lan tỏa?

 

- Phần nội dung còn có các vị khách nước ngoài đến từ Hội nghị tầm nhìn cà phê châu Á tại TP.Hồ Chí Minh lên tham dự, một số nhà lãnh đạo, đại diện nhiều hãng rang xay và nhập khẩu cà phê lớn của thế giới. Tuy nhiên, ngoài việc quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam từ thủ phủ cà phê là Buôn Ma Thuột, chúng tôi nhấn mạnh đến yêu cầu làm cho mọi người, từ người trồng đến người chế biến cà phê đều chung mục đích phải phát triển cây cà phê theo hướng bền vững. Hiện nay, cà phê Đắk Lắk có khoảng 180.000 hécta và 60% thu nhập của tỉnh là từ cây cà phê. Trong tương lai, chúng tôi xác định sẽ duy trì khoảng 140.000 - 150.000 hécta. Để số diện tích ấy phát triển bền vững thì phải có cuộc sàng lọc giống, đầu tư thủy lợi, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và chế biến. Ví dụ, chúng tôi đang vận động nông dân phải để cà phê chín 95% mới thu hoạch nhằm giữ được chất lượng thơm ngon của cà phê; hay như việc tổ chức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn sạch, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới... thì phải có tổ chức HTX để liên kết nông dân lại.

 

* Đắk Lắk sẽ tự đi trên đôi chân của mình?

 

- Tôi nghĩ, không thể làm được nếu như không có sự hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành bằng những chính sách cụ thể. Cà phê Việt Nam hiện nay đạt được khoảng 2 tỷ USD về xuất khẩu nhưng chủ yếu là xuất thô. Nếu như xem đây là một trong những cây chủ lực thì chiến lược đầu tư phát triển cây cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung phải phù hợp, tạo ra sự chuyển biến tích cực, đồng bộ thì mới mong nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

* Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Kim Loan (thực hiện từ Đắk Lắk)

 

 

Tin xem nhiều