Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về tình hình phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng về dự báo tình hình sản xuất - xuất khẩu năm 2009 và những giải pháp để đối phó với những khó khăn sắp tới.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về tình hình phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng về dự báo tình hình sản xuất - xuất khẩu năm 2009 và những giải pháp để đối phó với những khó khăn sắp tới.
+ PV: Thưa Bộ trưởng, ông dự đoán như thế nào về tình hình sản xuất - xuất khẩu trong năm 2009?
* Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo tôi, năm 2009 sẽ là năm có rất nhiều khó khăn cho sản xuất, có một số điều có thể dự báo được, nhưng cũng có những yếu tố rất khó dự báo. Nhất là vấn đề giá cả thị trường, về khả năng tiêu thụ sản phẩm... có liên quan đến sản xuất, cũng như khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong đó có các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngành công thương cả nước nói chung phải chịu rất nhiều áp lực nếu muốn duy trì tăng trưởng các chỉ tiêu xuất khẩu. Nhưng nói như vậy để chúng ta chủ động suy nghĩ và có những biện pháp rất cụ thể, thay vì tỏ ra bi quan trước tình hình khó khăn. Chúng ta phải đoán trước những thách thức và chủ động có những giải pháp để đối phó. Tôi cho rằng, với tinh thần chủ động và cách tiếp cận vấn đề nhanh nhạy, chúng ta sẽ giảm thiểu được khó khăn và khai thác những khía cạnh thuận lợi để có thể thực hiện được mức cao nhất về chỉ tiêu KT - XH trong năm 2009 , trong đó có chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
* Vậy những mặt hàng nào sẽ gặp khó về xuất khẩu nhất?
- Theo nhận định của tôi, năm 2009 hầu hết các mặt hàng đều ít nhiều chịu tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, tất nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau. Những mặt hàng chịu tác động nhiều nhất là khoáng sản, như: dầu thô, than đá... vì giá cả bây giờ đã rất thấp. Nhóm hàng thứ 2 chịu nhiều ảnh hưởng sẽ là nông sản, như: lúa gạo, cà phê, chè, tiêu, hạt điều... Nhóm thứ 3 cũng có chịu ảnh hưởng nhưng ít hơn một chút là hàng dệt may, giày dép... Và nhóm hàng thứ 4 ít chịu tác động nhất là cơ khí chế tạo, điện tử. Tôi nghĩ chúng ta nên đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng ít chịu tác động, đồng thời phải lưu ý tới những mặt hàng chịu tác động nhiều. Một mặt phải nâng cao chất lượng, mặt khác phải tìm tòi, mở rộng những thị trường xuất khẩu mới mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm để đưa những mặt hàng này vào đuợc những thị trường đó. Đây mới chỉ là một vài dự tính, còn tùy vào tình hình thực tế chúng ta sẽ có những điều chỉnh thích hợp.
* Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá ra sao về phát triển công nghiệp - thương mại của Đồng Nai trong thời gian qua?
- Về công nghiệp, Đồng Nai đã đi đúng hướng. Tuy có những quan điểm về phát triển công nghiệp cách đây 10 năm, 15 năm có nhiều tranh cãi nhưng đến nay, có thể nói Đồng Nai đã đi đúng hướng. Hiện tại công nghiệp ở Đồng Nai đang phải đối diện với ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lao động... và nếu nhìn lại để phê phán những sơ suất đó thì rất dễ. Song, phải nói rằng vào thời điểm đó, những địa phương đi tiên phong về phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế là rất dũng cảm, lãnh đạo phải dám chịu trách nhiệm, và nhờ có họ mới có sự nghiệp phát triển công nghiệp như ngày hôm nay. Tuy nhiên, những sơ suất, hạn chế đã mắc phải trong thời kỳ đầu phát triển công nghiệp cũng phải được nhìn nhận, rút kinh nghiệm để sau này có hướng đi tốt hơn.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai chiếm hơn 10% cả nước và phát triển tương đối vững chắc, vì có nhiều mặt hàng xuất khẩu không nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhiều. Hy vọng Đồng Nai sẽ giữ vững ổn định tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Bộ Công thương sẵn sàng hỗ trợ Đồng Nai để thực hiện điều này.
* Trước những khó khăn sắp tới, theo Bộ trưởng thì Đồng Nai phải ưu tiên thực hiện những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu?
- Trước những thách thức sắp tới, thì tôi nghĩ những vấn đề Đồng Nai phải ưu tiên đầu tiên là phải có những cách thức và biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài những biện pháp, giải pháp do trung ương đề ra thì Đồng Nai cũng cần có những giải pháp riêng của mình trong phạm vi thẩm quyền, khả năng của tỉnh như vấn đề về thủ tục hành chính, mặt bằng, tháo gỡ những khó khăn trong kinh doanh, tìm kiếm thị trường, phát triển nguồn nhân lực... Tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan trung ương, nhất là có những tìm hiểu kỹ về tình hình cụ thể của các DN để tìm cách cùng DN tháo gỡ khó khăn.
* Với tư cách người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng gửi đến các doanh nghiệp thông điệp gì trong thời điểm khó khăn hiện nay?
- DN trong bối cảnh hiện nay là những người gặp nhiều khó khăn, và cũng là những người cống hiến rất nhiều cho đất nước. Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong công nghiệp và thương mại, chúng tôi cảm ơn sự nỗ lực của các DN trong thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với DN. Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện hết sức mình để DN vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và chuẩn bị tư thế để có những bước tiến khác cao hơn. Những gì có thể làm được về cơ chế, chính sách, cải cách đầu tư, xúc tiến thương mại và đầu tư... chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ DN.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng
Kim Ngân (thực hiện)