Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ sách mới về cuộc đời và sự nghiệp văn chương Huỳnh Văn Nghệ:
Vẽ chân dung Thi tướng Chiến khu Xanh

09:12, 09/12/2008

Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm là bộ sách khắc họa đầy đủ nhất về danh tướng huyền thoại Chiến khu Đ, do nhà nghiên cứu BÙI QUANG HUY, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Đồng Nai dày công nghiên cứu và biên soạn hơn 10 năm qua. Trao đổi với chúng tôi khi bộ sách đang trong những ngày được in cho kịp ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, anh cho biết

Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm là bộ sách khắc họa đầy đủ nhất về danh tướng huyền thoại Chiến khu Đ, do nhà nghiên cứu BÙI QUANG HUY, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Đồng Nai dày công nghiên cứu và biên soạn hơn 10 năm qua. Trao đổi với chúng tôi khi bộ sách đang trong những ngày được in cho kịp ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, anh cho biết:

 

- Cuộc đời, sự nghiệp và những gì liên quan đến Huỳnh Văn Nghệ - thi tướng Chiến khu Xanh sẽ có mặt trong bộ sách này. Bộ sách gồm 2 tập, là công trình tập hợp và công bố đầy đủ nhất, có thể xem là đồ sộ nhất về một tướng Nghệ văn võ song toàn vốn được nhân dân tôn thờ.

 

* Hẳn anh muốn vẽ chân dung thi tướng Chiến khu Xanh đậm nét hơn những quyển sách trước đó?

 

- Khi Huỳnh Văn Nghệ mất, tập Bên bờ sông Xanh là cuốn sách đầu tiên do NXB tổng hợp Sông Bé xuất bản, khoảng 100 trang, gồm 51 bài thơ và 5 truyện kể. 10 năm sau, nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, NXB tổng hợp Đồng Nai có xuất bản cuốn Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ dày 450 trang với 43 bài thơ, 6 truyện kể và 2 hồi ký. Dường như đó là toàn bộ những gì người ta biết về văn thơ của Huỳnh Văn Nghệ.

 

Với bộ sách này, chúng tôi hy vọng sẽ khắc họa chân dung thi tướng Huỳnh Văn Nghệ như những gì ông đã sống và đã có. Đó là con người kết tinh những tính cách đặc biệt giữa một nhà trí thức, một nhà quân sự và một nhà thơ. Tập 1 (gần 500 trang, có tên Huyền thoại một con người, viết về cuộc đời - sự nghiệp Huỳnh Văn Nghệ) với phần 1 dựng lại chân dung bác Tám Nghệ từ thuở ấu thơ, đi học đến chuyện vào lập nên Chiến khu Xanh (Đ) lừng lẫy. Phần 2 của tập sách này công bố rất nhiều tư liệu như: lời bình bộ phim Thi tướng rừng Xanh của Hãng phim TFS sản xuất, do tôi viết lời bình. Còn lại phần lớn nội dung của tập 1 là công bố các bài viết, tư liệu của bạn đọc, nhà nghiên cứu, nhà văn viết về ông và toàn bộ nội dung hội thảo khoa học Huỳnh Văn Nghệ - cuộc đời và sự nghiệp được tổ chức năm 2007. Ở tập sách này, chúng tôi công bố niên biểu về cuộc đời và sự nghiệp của Huỳnh Văn Nghệ.

 

Tập 2 (hơn 700 trang) với tên gọi Tuyển tập thơ văn, sưu tầm và công bố tất cả những tác phẩm của ông tính đến thời điểm này bao gồm thơ, truyện, ký. Lâu nay, với những tư liệu ít ỏi về ông, người ta biết Huỳnh Văn Nghệ chỉ có làm thơ mà ít viết văn, lại càng ít biết đến những truyện thơ, ký, bài báo tiếng Pháp của ông. Chính những công bố này sẽ cho người đọc cái nhìn rõ nét nhất khi giữa những năm tháng tay gươm tay bút ở chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng, thời gian tập kết ra Bắc, trở lại chiến khu... ông đã để lại cho văn chương miền Đông nói riêng và Nam bộ nói chung một số lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú về thể loại.

 

* Vốn là người cẩn trọng và nghiêm túc về mặt tư liệu và khảo cứu, hẳn anh rất vất vả trong quá trình thực hiện bộ sách?

 

- Nhiều người biết đến thi tướng Huỳnh Văn Nghệ qua những vần thơ quen thuộc: "Ai về Bắc ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long..." trong bài Nhớ Bắc ông viết những ngày đầu năm 1946. Nhưng đây không phải là tác phẩm đầu tay của ông bởi trước đó 11 năm ông đã giác ngộ cách mạng và đến với thơ ca. Có một điều đặc biệt là hiếm có nhà thơ nào cầm quân mà được nhân dân tôn thờ là tướng như tướng Nghệ.

Những tư liệu mà chúng tôi có được trong quá trình tìm kiếm, nghiên cứu được nhặt nhạnh, gạn lọc từ nhiều nguồn, tư liệu cá nhân, từ nhân dân vùng chiến khu và sưu tầm trên các phương tiện. Quan trọng nhất là nguồn tư liệu đóng góp của gia đình nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. Có những tư liệu mà trong quá trình biên soạn, chúng tôi như chạm tay vào "dấu xưa vó ngựa". Như có người biết hồi kháng chiến, thi tướng có in một tập thơ nhưng chẳng ai thấy. Đó là tập Thơ Đồng Nai do NXB Tiếng Rừng in năm 1949, in 1.000 bản trên giấy vàng nghệ và 120 bản trên giấy La Ngà. Bản mà tôi có trong tay được anh Huỳnh Văn Nam, con trai ông cung cấp, do một người bạn chuyển về từ Mỹ. Đó lại là bản có chữ ký của nhà thơ kính tặng Trung tướng Nguyễn Bình, khi ấy là Tư lệnh Nam bộ, và trước đó là Tư lệnh Khu bộ 7, còn Huỳnh Văn Nghệ là Phó tư lệnh, với dòng chữ ngày 22-6-1949: "Kính tặng Trung tướng Nguyễn Bình, kỷ niệm những ngày chung sống ở Tân Uyên khói lửa". Đây được xem là tập thơ cá nhân đầu tiên của một nhà thơ kháng chiến Nam bộ lúc bấy giờ. Có những tác phẩm chúng tôi tìm được khi lục tìm các báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội, Thống Nhất...

 

* Và anh có hài lòng với công trình của mình không?  

 

- Với bao điều thú vị được thấy, được nghe, được biết về ông, từ nhiều nguồn tài liệu, chúng tôi cố gắng biên soạn và giới thiệu bộ sách này, không chỉ là làm thỏa mãn khát khao sưu tầm tìm hiểu của người nghiên cứu về một danh tướng tài hoa mà còn cống hiến cho độc giả những thông tin bổ ích. Tư liệu này giúp bạn đọc hiểu thêm về chân dung Huỳnh Văn Nghệ như những gì ông sống và đã có, về quê hương Biên Hòa - Đồng Nai, lịch sử kháng chiến miền Đông, thời điểm ra đời Chiến khu Đ mà nhiều người còn tranh cãi. Đây vừa là một kho tư liệu quý cho các ngành nghiên cứu khai thác và sử dụng.

 

Điều hài lòng là trong tập sách tôi đã công bố niên biểu về Huỳnh Văn Nghệ với những căn cứ khoa học để đính chính những sai sót về ông, ví dụ Huỳnh Văn Nghệ đã từng học ở đâu, trường gì, được hưởng học bổng của Trường Petrús Ký năm 1931 mà ít người tin. Hay như ông được lệnh ra Bắc từ năm 1953 và trở về chiến đấu năm 1965 chứ không phải như người ta vẫn nói ông tập kết ra Bắc năm 1954 và về lại khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và một điều nữa tôi hài lòng là đã trả lại nguyên vẹn nhiều câu thơ, bài thơ mà ông đã viết nhưng không hiểu vì sao thơ văn ông lâu nay bị chỉnh sửa, cắt bỏ khá nhiều. Đặc biệt, chúng tôi sẽ công bố lần đầu 5 truyện thơ của Huỳnh Văn Nghệ, có truyện tác giả viết lúc ở Chiến khu Đ, có truyện viết ngay trên đường ra Bắc.

 

* Cảm nghĩ của anh khi thực hiện công trình này?  

 

- Tôi thấy, với tư cách một nhà thơ, nhà văn, tầm vóc Huỳnh Văn Nghệ thực sự lớn. Tôi nghĩ đến câu Kiều: Bắt phong trần phải phong trần... Cuộc đời bác Tám Nghệ thật hào hoa, oai hùng, nhưng cũng lắm gian truân. Đến thơ của ông cũng bị sửa chữa, bị cắt xén cho vừa giày và tất cả truyện thơ đều không được in khi ông còn sống. Nhưng có lẽ, lịch sử sẽ rất công bằng và trong văn chương, giá trị đích thực sẽ tồn tại, cho dù có ai đó từng không muốn và cố tình lãng quên...

 

*  Xin cảm ơn anh!

Bùi Trang (thực hiện)

Tin xem nhiều