Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai:
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên của ngành...

10:12, 26/12/2008

Trong thời gian gần đây, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và đây cũng là một vấn đề người tiêu dùng đang đặc biệt quan tâm. Trước thực trạng này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ HUỲNH THỊ THUẬN, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai...

Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận

Trong thời gian gần đây, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và đây cũng là một vấn đề người tiêu dùng đang đặc biệt quan tâm. Trước thực trạng này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ  HUỲNH THỊ THUẬN, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai...

 

* PV: Xin bà cho biết, công tác kiểm tra ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ được triển khai như thế nào?

 

- Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận: Công tác thanh - kiểm ATVSTP là một trong những nhiệm vụ thực hiện thường xuyên của ngành y tế, nhằm phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Hiện nay, ngành y tế đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATVSTP trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán trên toàn tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về ATVSTP tại cộng đồng, nhằm giúp người dân hiểu được các mối nguy cơ của thực phẩm hiện nay; cách chọn mua thực phẩm an toàn, vệ sinh trong ăn uống... Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cơ sở chế biến sản xuất kinh doanh, vận chuyển, cung cấp thực phẩm; phát huy vai trò ban ban chỉ đạo ATVSTP tuyến phường, xã, thị trấn, kiểm tra giám sát các điểm bán thức ăn đường phố và sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn.

 

* Nhưng thực phẩm vào dịp tết thường rất phong phú và đa dạng, vậy ngành sẽ tập trung kiểm tra các loại thực phẩm nào thưa bà?

 

- Trọng điểm công tác thanh kiểm tra trong dịp tết là giò chả, bánh mứt, ruợu, trứng, sữa... và đặc biệt chú trọng phát hiện các sản phẩm thực phẩm có sử dụng các loại phụ gia không được phép như: Borac (hàn the), Formaldehid (formol), Melamine, Ethanol...

 

* Thời gian qua, các phương tiện truyền thông báo động về tình trạng nhiều thực phẩm có chứa hóa chất gây độc hại cho người sử dụng được bày bán tràn lan trên thị trường, về phía ngành đã có những biện pháp gì để hạn chế, xử lý tình trạng trên?

 

- Để đảm bảo ATVSTP một cách ổn định, lâu dài thì không riêng ngành y tế mà phải có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan. Về phía ngành y tế, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục như đã nói ở phần trên, chúng tôi còn tăng cường công tác thanh - kiểm tra liên ngành, nâng cao năng lực quản lý, giám sát cho cán bộ làm công tác ATVSTP các cấp... Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cán bộ phụ trách ATVSTP phải hướng dẫn cho cơ sở hiểu rõ quy định của pháp luật về ATVSTP, biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, thủ tục hồ sơ cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế để giảm và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.

 

* Nhiều người tỏ ra lo ngại khi cho rằng, thực phẩm kém chất lượng vẫn tồn tại trên thị trường là do công tác kiểm tra của ngành chưa thực hiện thường xuyên và các hình thức xử lý vi phạm về ATVSTP chưa đủ tính răn đe, bà nghĩ sao về ý kiến này?

 

- Thực phẩm trong dịp tết rất phong phú, đa dạng, vì đây là thời điểm người dân mua sắm nhiều nhất trong năm. Không riêng ở tỉnh Đồng Nai, mà các nơi khác cũng vậy, các thực phẩm kém chất lượng vẫn còn lén lút xuất hiện trên thị trường, cho dù công tác kiểm tra được ngành thực hiện thường xuyên và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tính đến tháng 9-2008, đoàn kiểm tra ATVSTP của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 75 cơ sở, trong đó có 26 cơ sở vi phạm bị xử phạt và 5 cơ sở bị đóng cửa. Ngoài việc phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, ngành y tế còn tổ chức rộng khắp trên toàn địa bàn các đợt ra quân về công tác ATVSTP như: Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngày lễ lớn, Tết Trung thu... góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ATVSTP và giảm mạnh các vụ ngộ độc.

 

Những hành vi vi phạm về ATVSTP đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử phạt hiện cũng còn nhiều bất cập, do Nghị định số 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định xử phạt theo hành vi, mà không đề cập đến quy mô hoạt động của từng loại hình. Do đó, khi áp dụng chung cho các đối tượng thì bất hợp lý. Cụ thể, nếu áp dụng phạt đối với cơ sở có quy mô lớn thì quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe; còn đối với các cơ sở nhỏ thì lại là quá sức.

 

* Về phía ngành, bà có lời khuyên nào dành cho người tiêu dùng trong việc chọn mua và sử dụng những thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

 

- Khi chọn mua thực phẩm thuộc 10 nhóm có nguy cơ cao (theo QĐ 11/2006/QĐ-BYT) như: thịt và các sản phẩm từ thịt; sữa và các sản phẩm từ sữa; trứng và các sản phẩm chế biến từ trứng; thủy sản tươi sống và đã qua chế biến; các loại kem, nước đá, nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm; thức ăn, đồ uống chế biến để ăn ngay; thực phẩm đông lạnh; sữa đậu nành và sản phẩm chế biến từ đậu nành; các loại rau, củ, quả tươi sống ăn ngay... người tiêu dùng cần lưu ý chọn mua những loại có đăng ký chất lượng, có tên nhà sản xuất, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, bao gói còn nguyên vẹn, không bị rách, méo; sản phẩm phải tươi sạch và được bảo quản nơi thoáng mát, trên kệ...

 

* Xin cám ơn bà.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích