Trong dịp lễ kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nhiều hoạt động, lễ hội sẽ được diễn ra từ nay đến cuối tháng 12-2008. UV Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh HUỲNH VĂN TỚI đã chia sẻ với bạn đọc Báo Đồng Nai về sự kiện này.
Trong dịp lễ kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nhiều hoạt động, lễ hội sẽ được diễn ra từ nay đến cuối tháng 12-2008. UV Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh HUỲNH VĂN TỚI đã chia sẻ với bạn đọc Báo Đồng Nai về sự kiện này.
* Phóng viên: Trước hết xin ông cho biết mục đích của việc tổ chức kỷ niệm sự kiện 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai?
- Ông Huỳnh Văn Tới: Mảnh đất mà chúng ta đang sống đây, nếu kể từ năm 1698, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn đến khai khẩn, mở mang đến nay vừa tròn 310 năm. Xứ sở Đồng Nai đã được thiên nhiên ban tặng cho nhiều ưu đãi, thuận lợi lên nguồn, ra khơi, giao lưu về văn hóa, kinh tế - xã hội. Đồng Nai là nơi đất lành chim đậu, người tứ xứ tụ về làm ăn và cùng chung tay xây đắp cho xứ sở này.
Trong 310 năm đó, thực chất là chỉ từ năm 1975 đến nay, người dân Biên Hòa mới được sống trong hòa bình, thống nhất và yên lành. Từ năm 1861 trở về trước, hầu như thập kỷ nào cũng có chiến tranh, thế lực nào cũng muốn khẳng định chủ quyền ở xứ sở này. 80 năm sống trong ách nô lệ của Pháp, 9 năm kháng chiến giành độc lập, rồi 20 năm trường kỳ chống Mỹ, tóm lại người Biên Hòa - Đồng Nai đã mất hàng trăm năm sống trong gian khó, không chỉ bảo vệ chủ quyền dân tộc mà còn phải chống chọi với thiên nhiên...
Từ đó, phải thấy rằng tuy khó khăn, gian khổ nhưng ông cha ta vẫn gom góp xây dựng, vun đắp và gìn giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa tinh thần cho chúng ta thụ hưởng kế thừa và phát huy Lễ hội 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai nhằm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu sâu hơn lịch sử hình thành và phát triển, cũng như những giá trị truyền thống của xứ sở mình.
* Như vậy, việc tổ chức lễ kỷ niệm sẽ mang ý nghĩa gì và thực hiện theo phương châm nào, thưa ông?
- Cách đây 10 năm chúng ta đã tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai và đã có những dấu ấn tốt đẹp. Nối tiếp cái nền của 300 năm, dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai này phải khẳng định thêm một bước nữa những ấn tượng mà Đảng bộ và quân dân Đồng Nai đã thực hiện được, làm nhịp cầu kết nối những gì chúng ta đã kế thừa của tổ tiên với tương lai, với mục đích kết tinh những ý nghĩa truyền thống của cha ông, từ đó khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là trong dịp kỷ niệm này, sẽ khẳng định những giá trị đã thực hiện được trong 10 năm qua, bao gồm cả những giá trị về kinh tế và văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị của thiên nhiên, con người, văn hóa, sáng tạo khoa học... Từ đó, tôn vinh những cá nhân trong nhiều năm qua đã có những nỗ lực cống hiến, lao động sáng tạo, bao gồm nhiều thành phần, trong đó đặc biệt là những nhân tố mới.
* Thưa ông, hiện nay tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc tổ chức các lễ hội ít nhiều cũng sẽ tốn kém...
- Theo truyền thống, ở cấp độ gia đình thì trong mỗi ngôi nhà người Việt thường có bàn thờ tổ tiên, dù nghèo khó, thất bát đến đâu mọi người cũng cố kiếm cái gì đó dưới hình thức giỗ chạp dâng lên để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ tổ tiên. Chúng ta, ở cấp độ là một tỉnh phát triển, cũng phải nghĩ đến việc thủy chung với những giá trị về lao động sản xuất, truyền thống, kinh nghiệm... của các bậc tiền nhân. Theo phong tục của người Á Đông, không phải người ra đi là mất hết mà những giá trị để lại sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đời sau. Vậy nên, dù hiện nay đang là thời điểm nền kinh tế có nhiều khó khăn, biến động nhưng chúng ta không thể vì thế mà không thực hiện nghĩa cử "uống nước nhớ nguồn". Việc tổ chức lễ kỷ niệm nhân dịp 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển là một nghĩa cử đúng đắn, hoàn toàn nên làm.
Các hoạt động chính trong dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai - 31-8: Khởi công Trung tâm sinh thái văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ - 15 đến 19-9: Tập huấn nghiệp vụ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian - 20 đến 22-9: Hội thảo Vai trò của văn hóa dân gian trong quá trình phát triển miền Đông - 11 đến 13-11: Lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc miền Đông - 20-12: Khai mạc Tuần lễ văn hóa thể thao, khai mạc hội chợ triển lãm; Lễ tôn vinh Sao vàng xứ Đồng Nai (tại khu nhà đa môn Khu liên hợp văn hóa - thể thao tỉnh) - 21-12: Đêm hội Công nhân Biên Hòa - Đồng Nai: Tấm lòng vàng - Bàn tay vàng (tại Khu liên hợp văn hóa - thể thao tỉnh) - 22-12: Khai mạc ẩm thực Hương vị quê nhà (tại chợ đêm Biên Hùng) - 26-12: Giải đua thuyền toàn quốc Lướt sóng Đồng Nai (trên sông Đồng Nai) - 27-12: Ẩm thực Trăm món dân gian; nghi lễ Nguyên khí Trấn Biên và hội diễn Ấn tượng Đồng Nai (tại Văn miếu Trấn Biên).
Tuy nhiên, để thực hiện tinh thần tiết kiệm, lễ hội sẽ huy động lòng dân, sức dân, khẳng định sức mạnh của nhân dân. Một số hoạt động sẽ được tổ chức theo phương thức xã hội hóa như lễ hội ẩm thực "Trăm món dân gian" với những món ăn đã gắn bó với cha ông ta 310 năm về trước; trang trí đường phố; các em học sinh sẽ xếp những con hạc giấy trang trí cho lễ hội... Như vậy, người dân sẽ thấy mình là một phần của lễ hội.
* Ông có thể cho biết những hoạt động của lễ hội kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai sẽ diễn ra như thế nào?
- Tất cả các hoạt động kỷ niệm được tổ chức bắt đầu từ quý III-2008 và kết thúc bằng các hoạt động trong tuần lễ cao điểm kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Ngoài nội dung của phần lễ chính thức được tổ chức tại Văn miếu Trấn Biên, còn có các hoạt động khác như: lễ hội văn hóa các dân tộc, lễ hội trên sông Đồng Nai, ngày hội tôn vinh người lao động có thành tích xuất sắc, tôn vinh doanh nhân Đồng Nai...
Lễ hội kỷ niệm 310 năm sẽ có những nét mới so với các lễ hội khác, không chỉ là những hoạt động sân khấu văn nghệ tập trung ở đô thị mà sẽ sâu lắng trong nhân dân, lan tỏa về các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, với những hình thức phù hợp. Lễ hội còn là dịp giao lưu, hội nhập các đại gia đình dân tộc trên địa bàn để cùng nhau chia sẻ các giá trị.
Toàn bộ vệt hoạt động diễn ra có diện rộng, có chiều sâu, có điểm nhấn từ tháng 8 với lễ khởi công xây dựng Trung tâm sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ và kéo dài cho đến ngày 27-12 với lễ hội Nguyên khí Trấn Biên, Ấn tượng Đồng Nai. Lễ hội kết thúc sẽ khép lại niềm vui hoàn thành nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ của Đảng, cũng là dịp các giáo dân vui đón Noel an lành, chuẩn bị bước vào năm mới nhiều may mắn...
* Xin cảm ơn ông!
Thanh Thúy (thực hiện)