Sự kiện Vedan trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải đã thu hút dư luận cả nước trong 2 tuần qua. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT).
Sự kiện Vedan trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải đã thu hút dư luận cả nước trong 2 tuần qua. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT).
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà (bên phải) trong chuyến khảo sát ô nhiễm trên sông Thị Vải vào ngày 23-9-2008 |
* PV: Vì sao một dự án gây ô nhiễm môi trường như Vedan lại được phép đầu tư vào Đồng Nai, thưa ông?
- Ông Lê Viết Hưng: Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Công ty Vedan) được phép đầu tư vào Việt Nam từ năm 1991 theo giấy phép đầu tư do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp (nay là Bộ KH-ĐT) và chính thức hoạt động từ năm 1993. Dự án (DA) này có quy mô rất lớn, với tổng vốn đầu tư đến nay gần 500 triệu USD, thu hút hơn 2.000 lao động, gồm nhiều cơ sở sản xuất nằm trên diện tích 120 hécta - như một khu công nghiệp khép kín.
Đây là một trong những DA đầu tư nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Đồng Nai từ trước khi có Luật Bảo vệ môi trường và trước khi cơ quan có chức năng quản lý môi trường ở địa phương được thành lập. Do đó ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty Vedan chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cho tới năm 1995, Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường mới tiến hành thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.
Trong giai đoạn này, có thể nói chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý và cũng một phần là các cơ quan chức năng thường chú trọng đến việc thu hút những DA sử dụng nhiều lao động, có khả năng thu mua, chế biến được nông sản cho nông dân tại địa phương mà chưa thật sự quan tâm đến yếu tố môi trường. Vì thế đã cho phép một DA có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước như Vedan đầu tư vào lưu vực sông Thị Vải - một vịnh biển hẹp, chịu chế độ bán nhật triều nhưng khả năng tự làm sạch rất kém - nên ngay từ khi bắt đầu hoạt động Vedan đã gây ô nhiễm đối với nguồn nước của sông Thị Vải.
* Đây là DA gây ô nhiễm môi trường ngay từ đầu, vậy trong thời gian qua, Sở TN-MT đã làm gì để kiểm soát ô nhiễm tại Vedan?
Từ năm 1994 đến năm 2003, Sở Khoa học - công nghệ và môi trường chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh. Cho tới giữa năm 2003 đến nay, nhiệm vụ này được chuyển giao cho Sở TN-MT tiếp tục thực hiện. Với trách nhiệm được giao, trong thời gian qua Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một số dự án đầu tư của Vedan mà thẩm quyền phê duyệt thuộc cấp tỉnh (như nhà máy phân bón Vedagro, hệ thống xử lý nước thải...); đồng thời đã phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, Thanh tra Bộ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý một số vi phạm về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp này... Qua thanh tra, kiểm tra, Sở đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời cùng các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Vedan phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm.
Thế nhưng vừa qua, theo phát hiện của cơ quan chức năng thì những nỗ lực của Vedan trong việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường chỉ là sự ngụy trang bên ngoài để có thể che đậy sự gian dối của hành vi hủy hoại môi trường từ bên trong. Điều này đã và đang được Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TN-MT và Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an làm sáng tỏ khi phát hiện Công ty Vedan có một hệ thống máy bơm và đường ống kỹ thuật để có thể lén lút thải ra môi trường chất dịch thải sau lên men và nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước của sông Thị Vải. Quả là không có thể ngờ khi Vedan là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới lại có thể đánh đổi tên tuổi của mình bằng hành vi làm ăn gian dối.
* Vậy trách nhiệm của Sở TN-MT ra sao khi để xảy ra sự kiện này?
Hệ thống máy bơm và đường ống kỹ thuật của Công ty Vedan mà các cơ quan chức năng đã phát hiện nói trên có thể đã được xây dựng từ lâu. Đây là hành vi bất chấp pháp luật, có tính toán để lừa dối các cơ quan quản lý. Trong thời gian qua, dư luận xã hội đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của địa phương, của các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan quản lý môi trường ở Đồng Nai. Sau khi có kết luận chính thức của Bộ trưởng Bộ TN-MT về việc này, chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm về trách nhiệm có liên quan, sẽ xử lý nghiêm khắc những vi phạm và rút ra những kinh nghiệm từ bài học đắt giá này.
Chúng tôi không đổ lỗi cho những khó khăn khách quan, không trốn tránh trách nhiệm của mình nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, với thủ đoạn hết sức tinh vi, Vedan đã lừa dối được cơ quan bảo vệ môi trường. Họ tinh vi đến mức mà kể cả Bộ TN-MT đã cử 2 đoàn vào kiểm tra tại công ty này trong 2 năm 2005-2006 vẫn không phát hiện được. Đúng như lời của Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an đã nói với báo chí: "Các đoàn thanh tra, kiểm tra nếu chỉ bằng mắt thường thì rất khó có thể phát hiện. Bằng nghiệp vụ của công an, mà phải mất 6 tháng chúng tôi mới làm rõ được mọi thủ đoạn tinh vi của Vedan".
* Theo ông, vướng mắc chủ yếu trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường trong thời gian qua tại Đồng Nai là gì?
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp và có sự phối hợp thực hiện của nhiều cấp, nhiều ngành. Trước mắt, Sở Tài nguyên - môi trường thực hiện ngay 3 biện pháp: Một là, chấn chỉnh ngay công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường thêm nhân lực, cải tiến phương pháp làm việc để có thể phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hai là, trong năm 2008 tiến hành phân loại về môi trường cho khoảng 300 cơ sở sản xuất để công bố thông tin và xây dựng lộ trình nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong toàn tỉnh. Ba là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm từng bước nâng cao năng lực quan trắc môi trường, kịp thời phát hiện, dự báo những tác động xấu đối với môi trường, nhất là tại cơ sở có nguồn thải lớn. |
Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường ở một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp vào loại hàng đầu của nước ta, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tăng lên. Toàn tỉnh có cả ngàn dự án sản xuất công nghiệp, hàng ngày thải ra môi trường trên 150.000 m³ nước, phần lớn là xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường. Trong khi đó, cán bộ thanh tra về môi trường của Sở chỉ có 7 người nhưng phải thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường với khối lượng rất lớn (trong năm 2007 đã kiểm tra 343 doanh nghiệp, xử phạt 189 trường hợp với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng) là vượt quá khả năng thực tế của bộ máy.
* Xin cám ơn ông!
Kim Loan (thực hiện)