Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào năm học mới 2008-2009
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng: Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học

09:09, 03/09/2008

Nhân năm học mới 2008-2009, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng đã dành cho phóng viên Báo Đồng Nai cuộc trao đổi về những nội dung mà ngành sẽ thực hiện với tinh thần đổi mới một cách tích cực, hiệu quả trên nhiều mặt.

Cô trò Trường TH Lê Hồng Phong (huyện Cẩm Mỹ) trong một tiết học đầu năm.

Nhân năm học mới 2008-2009, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng đã dành cho phóng viên Báo Đồng Nai cuộc trao đổi về những nội dung mà ngành sẽ thực hiện với tinh thần đổi mới một cách tích cực, hiệu quả trên nhiều mặt.

 

* Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

 

* Phóng viên: Trong năm học mới 2008-2009, ngành sẽ tập trung vào những vấn đề nào nhằm tạo ra sự bứt phá, thưa ông?

 

 - Ông Lê Minh Hoàng: Chúng tôi xác định trách nhiệm phải vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, ngành GD-ĐT đã cụ thể hóa thành 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học. Đó là, tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị với yêu cầu đặc thù của ngành là gắn chặt với cuộc vận động "Hai không", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ đổi mới phương pháp dạy - học. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục, đổi mới quản lý tài chính, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Phát triển và thực hiện tốt quy hoạch chi tiết mạng lưới trường lớp, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, hoàn thành chỉ tiêu chương trình kiên cố hóa phòng học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Chăm lo, đầu tư cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Triển khai thực hiện ba chương trình: phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi, hiện đại hóa trường chuyên, chuyển đổi các trường bán công theo đúng lộ trình.

 

* Thiếu chỗ học cho học sinh (HS) các cấp luôn là vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua. Vấn đề này có được giải quyết triệt để trong năm học này  không, thưa ông?

 

-Từ chủ trương của lãnh đạo tỉnh, tỉnh đã tăng nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đổi mới cơ chế phân cấp về huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa nên hàng năm đưa vào sử dụng gần 500 phòng học. Chính vì thế các trường đã đảm bảo được chỗ học cho các em học sinh trong tỉnh. Hiện ngành đang triển khai Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, trong đó tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị, nhất là đối với các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

 

* Bước vào năm học mới, liệu ngành GD-ĐT có thể đảm bảo nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy - học khi vẫn còn tình trạng thiếu hụt lực lượng giáo viên?

 

- Chuẩn bị khai giảng năm học mới, Hội đồng tuyển dụng các địa phương và các trường đã tiếp nhận gần 1.000 giáo viên mới ở các cấp học, bậc học. Số GV còn thiếu chỗ này, chỗ kia là số ít, có thể khắc phục được, vì trong ngành còn có chế độ dạy phụ trội. Nhìn chung về đội ngũ, các trường đã sẵn sàng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong năm học mới. Một nhiệm vụ quan trọng cũng đã được đề ra cho năm học mới là tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Ban cán sự Đảng bộ GD-ĐT và Nghị định 132 của Chính phủ về xây dựng, sắp xếp đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; xây dựng mô hình nhà trường mới đáp ứng yêu cầu hội nhập; đổi mới quản lý, điện tử hóa hoạt động quản lý của ngành.

 

* Nhưng thưa ông, thực tế có tình trạng ở  vùng sâu, vùng xa không thu hút GV mới ra trường và không có đủ tài chính để hợp đồng thỉnh giảng. Trong khi đó, chúng ta đang dư GV ở bậc tiểu học và ngành hiện còn một bộ phận GV chưa đủ chuẩn đào tạo. Phải chăng có những vướng mắc về chế độ chính sách nên năm nào cũng có tình trạng thiếu -thừa GV giả tạo?

 

- Không hẳn như thế! Tình trạng thiếu GV không tập trung một chỗ mà rải đều, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa và chỉ thiếu cục bộ ở một số bộ môn. Các đơn vị vẫn đảm bảo yêu cầu giảng dạy bằng cách dạy phụ trội và hợp đồng theo  cơ chế đổi mới quản lý tài chính. Chỉ thị 40-CT/TW là xây dựng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực. Trong trường hợp phải sắp xếp lại công việc cho phù hợp với người lao động thì chế độ chính sách đều đã được quy định. Vấn đề này không phải tự ngành GD-ĐT thực hiện mà có sự phối hợp các ban, ngành liên quan theo chỉ thị của cấp ủy địa phương.

 

* Chấm dứt lạm thu tiền trường, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học 

Học trò Trường THCS Lê Thánh Tông (huyện Xuân Lộc) vui mừng trong niềm vui trường mới.

 

* Xin ông cho biết năm học này các khoản thu của nhà trường sẽ như thế nào trước tình trạng giá cả sinh hoạt đang tăng cao?

 

- Các khoản thu trong năm học mới không có gì thay đổi, vẫn giữ nguyên như năm học trước. Các khoản phí phục vụ trực tiếp cho HS do Ban đại diện cha mẹ HS quyết định. Sở GD-ĐT chỉ đạo nhà trường không can thiệp và đề nghị các Ban đại diện cha mẹ HS không được bắt ép phụ huynh; nhà trường không được bắt buộc HS phải mua các loại bảo hiểm. Chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT đã có văn bản và quán triệt cho hiệu trưởng, cán bộ quản lý các trường từ bậc mầm non đến phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung học chuyên nghiệp yêu cầu nghiêm túc thực hiện kỷ cương của ngành, không được lạm thu, tránh sự kêu ca của phụ huynh.

 

* Năm học vừa qua, Sở GD-ĐT đã xác định có 6.787 HS phổ thông bỏ học, chiếm 1,52%. Giải pháp nào để ngành khắc phục tình trạng  HS bỏ học trong năm học này, thưa ông?

 

- HS bỏ học vì nhiều nguyên nhân: học yếu, chán nản, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, gia đình nhập cư, không ổn định hoặc gia đình thiếu quan tâm... Xác định được nguyên nhân, ngành đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ, huy động HS trở lại lớp, đồng thời ký cam kết phối hợp để khắc phục tình trạng này. Trước mắt, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để theo dõi giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, mở rộng các chương trình học bổng, hỗ trợ phương tiện đi học cho HS ở vùng sâu, vùng xa. 

 

Về phía ngành GD-ĐT, giải pháp quyết liệt là tăng cường phụ đạo HS yếu kém, tăng cường vai trò, trách nhiệm của GV chủ nhiệm với HS, đồng thời yêu cầu đội ngũ GV sâu sát từng em HS.

 

Năm học 2008-2009 được xác định là "Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Sở GD-ĐT đã xây dựng chương trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác điều hành và quản lý giáo dục, gồm:

- Sử dụng các phần mềm do Bộ GD-ĐT cung cấp.

- Triển khai công tác thi đua về ứng dụng CNTT, tổ chức hội thi "Trường ứng dụng CNTT giỏi", tổ chức tập huấn sử dụng các phần mềm mã nguồn mở, thực hiện trao đổi văn bản hành chính điện tử giữa Sở với các phòng GD-ĐT, các trường THPT và các đơn vị trực thuộc qua hệ thống e-mail với tên miền @dongnai.edu.vn.

- Các trường THPT tiếp tục củng cố các trang thông tin điện tử trong hệ thống tích hợp dữ liệu giáo dục.

- Xây dựng cổng thông tin giáo dục tỉnh Đồng Nai, tích hợp các chương trình quản lý cán bộ, GV và HS toàn ngành.

Bùi Trang (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều