Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại rác tại nguồn để góp phần bảo vệ môi trường

09:08, 15/08/2008

TP. Biên Hòa đang triển khai thực hiện thí điểm việc "phân loại chất thải rắn tại nguồn". Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về tiến độ thực hiện, cũng như vai trò trách nhiệm của người dân trong công việc trên... chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông HỨA VĂN ĐẠT, Phó phòng kế hoạch Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Biên Hòa, Phó ban chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ "phân loại, thu gom và quản lý thí điểm chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn thành phố".

TP. Biên Hòa đang triển khai thực hiện thí điểm việc "phân loại chất thải rắn tại nguồn". Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về  tiến độ thực hiện, cũng như vai trò trách nhiệm của người dân trong công việc trên... chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông HỨA VĂN ĐẠT, Phó phòng kế hoạch Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Biên Hòa, Phó ban chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ "phân loại, thu gom và quản lý thí điểm chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn thành phố".

 

Ông Hứa Văn Đạt.

* PV: Xin ông cho biết việc phân loại, thu gom và quản lý thí điểm chất thải rắn tại nguồn ở TP. Biên Hòa đang được triển khai thực hiện như thế nào?

 

- Ông Hứa Văn Đạt: TP.Biên Hòa hiện đang thực hiện thí điểm việc phân loại rác tại nguồn ở 4 phường: Trung Dũng, Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Tài nguyên - môi trường và UBND TP.Biên Hòa, Công ty đã phối hợp với UBND các phường trên tổ chức các buổi tuyên truyền tập huấn cho các cán bộ, công nhân viên UBND phường, các đoàn thể trong khối mặt trận, trưởng khu phố, tổ trưởng tổ dân phố ở 4 phường. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền và hướng dẫn cho khoảng 10 ngàn hộ dân thực hiện việc "phân loại rác tại nguồn". Ngoài ra, công ty còn cho chiếu một đoạn video (hướng dẫn cách phân loại rác), lắp đặt pa-nô, phát tờ rơi, treo băng rôn, dán áp phích tại văn phòng các khu phố; tuyên truyền trên hệ thống loa công cộng, vận động các gia đình thực hiện phân loại rác theo quy định.

 

Song song với công tác tuyên truyền, công ty còn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và quản lý môi trường (Centema) ở TP.Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát, phỏng vấn người dân. Bước đầu thực hiện cho thấy người dân rất đồng tình, ủng hộ việc thực hiện "phân loại rác tại nguồn". Hiện tại, công ty đang bố trí lại lực lượng nhân viên, vạch bản đồ tuyến thu gom, vận chuyển, bố trí các trạm trung chuyển chất thải...  Sau khi triển khai công tác đấu thầu và đầu tư thùng nhựa, túi PE, xe thu gom chất thải rắn... chúng tôi sẽ phát miễn phí thùng nhựa và túi ny-lông PE thời gian 3 tháng cho các hộ dân thuộc 4 phường trên. Dự kiến, thời gian hoàn thành vào tháng 12- 2008, với tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được UBND tỉnh giao trong kế hoạch hàng năm.

 

* Việc "phân loại rác tại nguồn" sẽ mang lại những lợi ích gì cho cộng đồng, thưa ông? 

 

- Hiện nay, ước tính mỗi ngày, TP.Biên Hòa thải ra khoảng 300-350 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải này nếu đem đi chôn lấp, Nhà nước phải chi một nguồn ngân sách tương đối lớn. Còn nếu làm tốt việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm tải cho bãi rác ở TP.Biên Hòa, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp rác, giảm chi phí cho việc xử lý rác và nước rỉ rác...Việc phân loại rác tại nguồn còn mang một ý nghĩa quan trọng là kéo giảm được những tác hại về môi trường do việc chôn lấp gây ra. Qua khảo sát cho thấy, lượng rác hữu cơ trong rác sinh hoạt chiếm tỷ lệ khá cao: khoảng 60 - 70%, đây vốn là nguồn nguyên liệu quý cho việc sản xuất phân bón vi sinh (phân compost) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, sau khi thu gom loại rác này sẽ được chuyển về nhà máy xử lý rác chế biến thành phân compost. Lượng rác vô cơ còn lại sẽ được tận thu làm nguyên liệu cho quy trình tái sử dụng hoặc tái chế.

 

* Người dân sẽ thực hiện việc phân loại rác tại nguồn như thế nào, thưa ông?

 

- Tham khảo ở các nước phát triển như Nhật, Singapore..., việc phân loại rác tại nguồn được người dân phân thành 5 - 6 loại. đó là: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, bóng đèn và các chất thải nguy hại. Tận dụng triệt để rác thải hữu cơ, các loại rác có thể tái sử dụng, tái chế và tách biệt chất thải nguy hại để xử lý riêng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, nên việc thí điểm chỉ thực hiện phân thành 2 loại: rác hữu cơ (gồm thức ăn thừa, vỏ trái cây, bã trà và cà phê, rác vườn...) cho vào thùng đựng màu xanh, sẽ được tái chế thành phân bón; rác vô cơ (như quần áo cũ, giấy báo, túi nylon, chai nhựa, sành sứ...) thì cho vào thùng đựng màu xám, để có thể tận dụng tái sinh tái chế.  Rác từ các hộ gia đình sẽ được công nhân của công ty bố trí thời gian thu gom phù hợp theo từng loại và đưa về khu xử lý rác theo quy định.

 

Hy vọng trong thời gian tới đây, người dân tại TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai sẽ quen dần việc phân loại rác tại nguồn và thực hiện tốt việc này góp phần  bảo vệ tốt môi trường và mang lại nhiều lợi ích cộng đồng.

 

* Xin cám ơn ông.

 Đoàn Huy

 

Tin xem nhiều