Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

08:08, 04/08/2008

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã có hơn 20.000 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 20 trường hợp tử vong. Tại Đồng Nai, bệnh SXH diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc bệnh SXH vẫn dao động ở mức cao. Để phòng ngừa bệnh SXH, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ NGUYỄN THỊ NGỌC THẤM, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai về vấn đề nêu trên.

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã có hơn 20.000 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 20 trường hợp tử vong. Tại Đồng Nai, bệnh SXH diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc bệnh SXH vẫn dao động ở mức cao. Để phòng ngừa bệnh SXH, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ NGUYỄN THỊ NGỌC THẤM, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai về vấn đề nêu trên.

 

* PV: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH?

 

Bác sĩ Thấm đang thăm hỏi bệnh nhân SXH.

- BS Nguyễn Thị Ngọc Thấm: Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virus Dengue gây nên. Các con virus này do muỗi truyền vào người. Tuy nhiên, chỉ có một loại muỗi có khả năng mang loại virusnày truyền vào người, là muỗi Aedes Aegypti (bà con ta thường gọi là "muỗi vằn"). Muỗi vằn mình nhỏ, có màu nâu đen, ở thân và chân có những đốm trắng. Các đốm này kết hợp lại với nhau tạo thành các vằn trắng. Muỗi vằn sinh sản quanh năm, cao nhất vào những tháng mùa mưa. Muỗi vằn thường đậu ở nơi tối tăm, ẩm thấp như: nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp...  Trong nhà, muỗi vằn thích đậu ở mặt dưới đồ gỗ, quần áo treo và rèm cửa. Muỗi vằn đẻ trứng, sau đó sinh ra lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, như: chum, vại, bể đựng nước, lọ hoa, chậu cảnh, xô thùng, lốp xe, túi ni-lông, chai lọ... và thường hay đốt người vào ban ngày. Đa số người bệnh SXH là trẻ em, nhất là trẻ từ 3-8 tuổi, các trẻ dưới và trên tuổi đó, kể cả người lớn cũng có thể mắc bệnh.

 

* BS có thể cho biết triệu chứng của bệnh SXH?

 

-  Khi trẻ bị SXH sẽ có một số triệu chứng không chỉ thầy thuốc mà người trong gia đình cũng có thể phát hiện được đó là 2 triệu chứng cơ bản sốt và xuất huyết. Chính 2 triệu chứng này đã tạo thành tên gọi của bệnh là SXH. Trong đó, sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh SXH, chứng sốt có 3 đặc điểm sau: sốt đột ngột, sốt cao và sốt liên tục. Trẻ bị SXH có các biểu hiện thường gặp là sốt cao đột ngột, có thể từ 39 - 41oC. Sốt cao liên tục kéo dài từ 2 - 7 ngày. Xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng: với xuất huyết dưới da, sẽ làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm, nhiều nhất ở hai chân. Phân biệt với vết muỗi đốt bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu nó biến mất là vết muỗi đốt; chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng; ói hoặc đi tiêu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi). Đôi khi trẻ đau bụng và gan to.

 

* Bệnh SXH có nguy hiểm không và tại Đồng Nai bệnh SXH diễn biến ra sao, thưa bác sĩ?

 

- Bệnh SXH khá nguy hiểm vì bệnh xảy ra quanh năm. Đặc biệt vào mùa mưa, bệnh có thể bộc phát thành dịch, đe dọa tính mạng trẻ em và là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ và tỷ lệ tử vong cao, nếu không được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Tại Đồng Nai, bệnh SXH diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc bệnh SXH vẫn dao động ở mức cao, tập trung chủ yếu tại TP. Biên Hòa, chiếm khoảng 50% số ca trong toàn tỉnh. Hiện đã có 2 trường hợp bị tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh. Trước đây, SXH chủ yếu tập trung ở trẻ em nhưng mấy năm gần đây, số người lớn mắc bệnh SXH ngày càng tăng. Tỷ lệ người trên 15 tuổi mắc SXH tại các tỉnh phía Nam đã tăng từ 14% năm 1991 lên đến 30% năm 2004 và đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Điều đáng lưu ý là SXH xảy ra ở tuổi càng lớn thì càng nguy hiểm. Khi nhiễm bệnh, người lớn dễ bị xuất huyết ào ạt, bởi độ thấm thành bụng kém hơn trẻ em. Do đó, nguy cơ tử vong ở người lớn cũng cao hơn trẻ em. SXH ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc mạch huyết áp bị kẹp (bị tụt), từ đó bắt đầu sinh ra các biến chứng nguy hiểm, như: xuất huyết tiêu hóa, suy gan, đông máu. Trong đó, tỷ lệ SXH biến chứng ở người lớn là khoáng 5% và thực tế điều trị bệnh cho thấy, nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở bệnh SXH người lớn là tràn dịch màng phổi.

 

 * Bác sĩ có thể hướng dẫn cách phòng bệnh SXH và theo bác sĩ hiện đã có thuốc tiêm ngừa bệnh SXH chưa?

 

- Muốn phòng bệnh tốt nhất cần phải loại trừ lăng quăng, giảm thiểu số lượng muỗi vằn mang virus gây bệnh. Do đó, khẩu hiệu của ngành y tế dự phòng là "không có lăng quăng, không có bệnh SXH". Nghĩa là cần phòng chống bệnh SXH ngay ở giai đoạn lăng quăng mà không chờ đến giai đoạn muỗi trưởng thành có khả năng lây truyền bệnh thành dịch. Bệnh SXH đã trở thành một bệnh dịch, không chỉ xuất hiện ở thành phố, đô thị, mà ở cả vùng nông thôn, nơi có muỗi vằn truyền bệnh. Muỗi vằn hút máu vào ban ngày và thường hút máu nhiều nhất vào sáng sớm và lúc chạng vạng tối. Phòng tránh muỗi đốt bằng cách không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp và các dụng cụ như mùng, rèm cửa phải tẩm chất diệt côn trùng để xua muỗi và diệt muỗi. Dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày. Hiện nay chưa có vacine để phòng nhiễm virus SXH và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng tránh bệnh SXH chủ yếu dựa vào phòng chống muỗi đốt và diệt lăng quăng. Những biện pháp này rất quan trọng nhằm để loại trừ muỗi và những nơi muỗi sinh sản.

 

* Xin bác sĩ cho biết cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh SXH?

 

- Khi trẻ nhỏ bị SXH cần cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy. Cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, như: cháo, súp, sữa...  Cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước chín để nguội, nước Oresol (nước biển khô), nước cam vắt, nước chanh đường...  Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao để tránh biến chứng, gây co giật... Không cho trẻ uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cắt lể hay cạo gió có thể chảy máu và gây nhiễm trùng cho trẻ. Không quấn kín hoặc mặc nhiều áo khi trẻ đang sốt, không cữ ăn, không nhịn uống. Phải theo dõi sát trẻ, khi phát hiện dấu hiện trở nặng như: trẻ mệt nhiều hơn, bứt rứt, quấy khóc, li bì hoặc vật vã, bỏ bú, tay chân lạnh, da đổi màu bầm, môi tím lại, vã mồ hôi, ói ra máu, đi tiêu ra máu... thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Hương Li  (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều