Báo Đồng Nai điện tử
En

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Đó là trách nhiệm và đạo lý

09:08, 04/08/2008

"Người được hưởng lợi từ rừng sẽ phải chi trả cho người trực tiếp bảo vệ rừng", đó là tinh thần Quyết định 380/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10-4-2008. Việc chi trả sẽ được thực hiện thí điểm từ ngày 1-1-2009 tại 7 tỉnh thành: Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Hòa Bình và Sơn La. Để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM XUÂN PHƯƠNG, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn).

"Người được hưởng lợi từ rừng sẽ phải chi trả cho người trực tiếp bảo vệ rừng", đó là tinh thần Quyết định 380/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10-4-2008. Việc chi trả sẽ được thực hiện thí điểm từ ngày 1-1-2009 tại 7 tỉnh thành: Đồng Nai, Lâm  Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Hòa Bình và Sơn La. Để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM XUÂN PHƯƠNG, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn).

 

* PV: Chi  trả dịch vụ môi trường rừng là một vấn đề mới đối với người dân, ông có thể nói rõ hơn vì sao lại phải chi trả dịch vụ môi trường rừng?

 

- Ông Phạm Xuân Phương: Đối với Việt Nam, đây là một cách tiếp cận mới. Trước đây, người ta chỉ quan tâm đến những giá trị sử dụng trực tiếp từ rừng như khai thác gỗ, củi, du lịch như một loại hàng hóa trên thị trường, mà chưa thấy hết được những giá trị sử dụng gián tiếp của rừng như: điều tiết nước, hạn chế sói mòn, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên... là những hàng hóa không thể trao đổi trên thị trường. Người lao động sản xuất trong ngành lâm nghiệp trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng chỉ được hưởng một phần giá trị sử dụng trực tiếp hoặc được hưởng một phần tiền công bảo vệ rừng do Nhà nước trả, còn giá trị sử dụng gián tiếp từ rừng, chủ rừng hầu như không được hưởng. Xã hội, cộng đồng, các tổ chức và cá nhân nằm ngoài khu vực có rừng không tham gia bảo vệ và tái tạo rừng lại được hưởng lợi  từ các dịch vụ do rừng tạo ra. Các nguồn lợi này có thể mất đi nếu như người tạo ra rừng không được trả công xứng đáng để tiếp tục bảo vệ rừng và cung ứng các dịch vụ đó. Vì thế, những người được hưởng lợi từ rừng - cụ thể là hưởng lợi từ nguồn nước - sẽ phải trả tiền cho người bảo vệ nguồn nước. Đó là trách nhiệm và đạo lý.

 

* Vậy những ai phải chi trả dịch vụ môi trường rừng?

 

- Là những cơ sở sản xuất thủy điện, các nhà máy cấp nước, các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch. Phí này sẽ được các đơn vị tính vào sản phẩm đầu ra. Trước mắt việc chi trả sẽ thực hiện thí điểm tại 7 tỉnh thành: Đồng Nai, Lâm  Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Hòa Bình và Sơn La - là những địa phương sử dụng nhiều nước và có các công trình thủy điện làm ảnh hưởng lớn đến việc điều tiết nguồn nước. Trong đó tập trung thực hiện trước tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La trong 2 năm, từ tháng 4-2008 - 4-2010).

 

* Phí đó được tính như thế nào, thưa ông?

 

- Trong 2 năm thí điểm, mức phí được tính không thay đổi là 40 đồng/m3 nước thô và 20 đồng/Kwh điện theo công suất. Riêng đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, sẽ phải trả % theo doanh thu. % này là bao nhiêu, sẽ do mỗi địa phương tự quyết định sau khi có những thống kê về số lượng và tính chất hoạt động của các đơn vị kinh doanh này.

 

* Hiện nay người sử dụng nước đang phải trả thuế tài nguyên, rồi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, nay lại thêm phí bảo vệ rừng, điều này có làm tăng thêm gánh nặng cho người dân?

 

-  3 quy định này của Nhà nước đều khác nhau. Thuế tài nguyên là khoản đóng góp bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là để xử lý nước. Còn phí môi trường rừng là để bảo vệ và phát triển rừng nhằm giữ và cung cấp nguồn nước. Với mức thu như trên, tất nhiên chi phí tiêu thụ nước của người sử dụng nước sẽ phải tăng lên. Nhưng theo tính toán, mức tăng sẽ không đáng kể, chỉ khoảng 1% so với giá điện, nước bán ra hiện nay.

 

* Xin cảm ơn ông.

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều