Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư miền Đông Nam bộ tại Đồng Nai: Đủ điều kiện để triển khai

09:07, 07/07/2008

PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người đang chấp bút cho đề án "Quy hoạch mạng lưới y học hạt nhân và xạ trị" do Chính phủ đặt hàng Bộ Y tế đã khẳng định như trên tại cuộc hội thảo có chủ đề "Xây dựng Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư khu vực Đông Nam bộ" do Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.

PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người đang chấp bút cho đề án "Quy hoạch mạng lưới y học hạt nhân và xạ trị" do Chính phủ đặt hàng Bộ Y tế đã khẳng định như trên tại cuộc hội thảo có chủ đề "Xây dựng Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư khu vực Đông Nam bộ" do Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. PGS.TS MAI TRỌNG KHOA cho biết:

 

Một ca phẫu thuật ung thư vú tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.(Ảnh: BẢO MINH)

- Đề án "Quy hoạch mạng lưới y học hạt nhân và xạ trị" do Bộ Y tế thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ sẽ tiến hành rà soát lại hệ thống các cơ sở điều trị ung thư trong cả nước, từ đó đề ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Qua thực tế chúng tôi thấy rằng, tất cả các trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư lớn của cả nước đã trở  nên quá tải và yêu cầu xây dựng các trung tâm mới ở những khu vực khác nhau trên toàn quốc là rất bức thiết. Khu vực miền Đồng Nam bộ cũng nằm trong tình trạng chung này.

 

* Vậy Đồng Nai sẽ là địa phương được chọn để xây dựng Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư khu vực Đông Nam bộ,  thưa PGS. TS?

 

- Đông Nam bộ hiện là khu vực có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều khu công nghiệp và môi trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Đây cũng là khu vục mà trong chiến tranh chịu sự tàn phá nặng nề, trong đó Đồng Nai là địa phương bị nhiễm độc dioxin nhiều nhất. Qua theo dõi, chúng tôi cũng thấy rằng lượng bệnh nhân bị ung thư của Đồng Nai khá lớn và hầu hết đều phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị. Vậy thì tại sao không xây dựng một Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư khu vực Đông Nam bộ ngay tại địa phương này để không những giúp các trung tâm, các bệnh viện tuyến trên giảm bớt áp lực quá tải mà còn kéo được lượng bệnh nhân trong khu vực đến đây để điều trị.

 

* Cơ sở nào để ông cho rằng Đồng Nai hoàn toàn có khả năng xây dựng Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư?

 

- Như tôi đã nói ở trên, cơ sở đầu tiên mà chúng tôi dự kiến chọn Đồng Nai để xây dựng trung tâm này chính là từ nhu cầu thực tế của người bệnh trong khu vực. Tiếp đó, phải nói rằng, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã có sự "đón đầu" khá tốt trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Bệnh viện này đã thành lập được khoa ung bướu và bước đầu phẫu thuật thành công một số ca ung thư tuyến giáp, ung thư tử cung, ung thư vú. Nguồn nhân lực của bệnh viện cũng đã được chuẩn bị với các bác sĩ có trình độ thạc sĩ. Chỉ cần đào tạo nâng cao tay nghề cho bác sĩ và kỹ thuật viên từ 6 - 12 tháng, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của các chuyên gia thì chắc chắn rằng trung tâm này sẽ hoạt động tốt.

 

* Nhưng chẩn đoán và điều trị ung thư là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có sự đồng bộ ở nhiều khâu, nhiều yếu tố?

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: "Tự  thân ngành y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh không thể xây dựng được Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư. Do đó, chúng tôi đã tiến hành liên kết với Bệnh viện Bạch Mai - đơn vị đi đầu cả nước trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp Đồng Nai thực hiện các cơ sở pháp lý về việc thành lập trung tâm cũng như về đào tạo. Máy móc, trang thiết bị sẽ có các chuyên gia đến từ các hãng  hướng dẫn sử dụng. Điều quan trọng là chúng tôi đã có khoa ung bướu với các bác sĩ có trình độ và đã tiến hành phẫu thuật thành công nhiều ca ung thư khó. Tuy nhiên, tại Đồng Nai mới chỉ tiến hành thăm khám, chẩn đoán đến hóa trị và phẫu thuật mà chưa thực hiện được việc xạ trị. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ cử một số bác sĩ và kỹ thuật viên đi đào tạo tại Bệnh viện Bạch Mai về chuyên ngành ung thư để có thể điều trị từ A-Z căn bệnh này. Với sự chuẩn bị trên, chúng tôi nghĩ rằng chỉ trong vòng từ 6 - 8 tháng, Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư miền Đông Nam bộ sẽ có thể đi vào hoạt động ngay tại Bệnh viện đa khoa  Đồng Nai hiện hữu".

 

- Đúng vậy! Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện nay chỉ có khoảng 5 - 10% bệnh nhân bị ung thư được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Số còn lại dường như không được thăm khám và chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở trong thời kỳ bệnh trở nặng, khó có khả năng cứu chữa. Trong khi đó, việc điều trị ung thư phụ thuộc rất lớn vào việc bệnh nhân có chẩn đoán, phát hiện sớm được bệnh hay không. Tuy nhiên, không phải bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng thành lập được khoa ung bướu. Đây là điều kiện quan trọng nhất để chúng tôi tin rằng Đồng Nai có khả năng thành lập một trung tâm chuyên về chẩn đoán và điều trị ung thư. Bên cạnh đó, phải nói rằng lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai nói chung và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai nói riêng rất quyết tâm thực hiện mô hình này.

 

* Vậy theo ông, đến thời điểm nào trung tâm này có thể xây dựng?

 

- Hiện đề án "Quy hoạch mạng lưới quốc gia về y học hạt nhân và xạ trị" sắp hoàn thành để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng Nai cũng đã xây dựng được đề án mua sắm trang thiết bị máy móc và nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của trung tâm để xin phép Bộ Y tế. Ngay sau khi các thủ tục này hoàn thành, tôi nghĩ Đồng Nai có thể triển khai ngay việc xây dựng Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư miền Đông Nam bộ.

 

* Xin cảm ơn PGS.TS!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều