Thời gian gần đây, Báo Đồng Nai đã nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về tình trạng cúp điện đột xuất nhiều lần trong ngày, thậm chí gần như cả ngày, nhưng không được thông báo trước, làm ảnh hưởng không ít đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, do điện chập chờn, nhiều thiết bị điện của người dân cũng bị hư hỏng.
Thời gian gần đây, Báo Đồng Nai đã nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về tình trạng cúp điện đột xuất nhiều lần trong ngày, thậm chí gần như cả ngày, nhưng không được thông báo trước, làm ảnh hưởng không ít đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, do điện chập chờn, nhiều thiết bị điện của người dân cũng bị hư hỏng. Từ những phản ánh và bức xúc của bạn đọc, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty điện lực Đồng Nai...
* PV: Thưa ông, vì sao thời gian gần đây nhiều nơi trong tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng bị cắt điện, nhưng không được ngành điện thông báo trước, làm ảnh hưởng không ít đến sản xuất, sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân?
- Ông Nguyễn Ngọc Thành (N.N.T.): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn điện lực Việt Nam và UBND tỉnh, Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai có trách nhiệm bảo đảm điện an toàn, liên tục cho khách hàng công nghiệp và tiêu dùng thiết yếu tại địa phương. Thực tế trong thời gian vừa qua, tình hình cung cấp điện ở Đồng Nai nhìn chung ổn định. Từ ngày 18-6-2008, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam có lệnh yêu cầu cắt giảm công suất, do đó hàng ngày vào lúc 7 giờ đến 21 giờ, đối với khách hàng sử dụng điện ánh sáng sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được thực hiện cắt điện luân phiên và đều có thông báo trước cho khách hàng sử dụng điện. Thế nhưng, trong ít ngày gần đây, vào một số thời gian cao điểm, tần số hệ thống điện tiếp tục giảm thấp, dẫn đến 17 tuyến đường dây 15/22 kV, với lượng công suất khoảng 80 MW cung cấp điện cho khu vực ánh sáng sinh hoạt, đã tự động sa thải theo tần số của hệ thống và việc này không thể thông báo trước cho khách hàng được. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam sẽ tiếp tục ra lệnh cắt điện các tuyến đường dây 110 kV cung cấp điện cho các huyện: Định Quán, Tân Phú và Xuân Lộc.
Công ty điện lực Đồng Nai đã có nhiều văn bản gởi cho Tập đoàn điện lực Việt Nam và các Trung tâm điều độ quốc gia và miền Nam đề nghị bảo đảm cung cấp điện cho các cơ quan đầu não của 3 huyện trên, nhưng chưa được giải quyết, do tình hình thiếu công suất quá lớn. Ngành điện đã buộc phải tự điều động các nguồn diesel đến để tạm thời cung cấp điện tại chỗ, nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan hành chính 3 huyện nêu trên.
* Nhưng khách hàng sử dụng điện hết sức bức xúc về tình trạng ngành điện cắt điện mà không báo trước gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến họ. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Người dân phường Tân Tiến (TP. Biên Hòa) phải dùng quạt tay lúc cúp điện (ảnh chụp lúc 14 giờ chiều ngày |
- Như tôi đã nói ở trên, việc cắt điện đột xuất, không được thông báo trước là do tần số hệ thống điện quốc gia giảm mạnh, dẫn đến việc cung cấp điện cho khu vực ánh sáng sinh hoạt đã tự động sa thải (tự ngắt), Công ty điện lực Đồng Nai hoàn toàn không chủ động được. Công ty rất mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của toàn thể khách hàng sử dụng điện trên toàn địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng mong muốn mỗi khách hàng sử dụng điện đều nêu cao tinh thần tiết kiệm điện, giữ cho hệ thống điện vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Làm tốt điều này cũng chính là vì lợi ích chung của quốc gia và lợi ích của mọi nhà.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình cung cấp điện năng hiện nay?
- Mới đây, theo thông báo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện đang trong tình trạng căng thẳng về công suất phát, do hàng loạt nhà máy điện của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (bán điện cho EVN) bị tách khỏi hệ thống và vận hành không đầy đủ. Trong đó, Nhà máy điện Cà Mau 1 (công suất 750 MW) ngừng vận hành từ 15-6-2008, đến nay chưa rõ ngày vận hành trở lại; Nhà máy điện Cà Mau 2 (750 MW) phát công suất không đáng kể và không vận hành liên tục; Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (450 MW) chỉ phát thử nghiệm một tổ máy, công suất 150 MW. Ngoài ra, Nhà máy điện Uông Bí mở rộng (300 MW) xảy ra sự cố nhưng đến nay vẫn chưa xác định thời điểm vận hành trở lại; một tua-bin khí có công suất 360 MW của Nhà máy điện Phú Mỹ 2 do Công ty năng lượng Mê Công làm chủ đầu tư và quản lý vận hành cũng bị sự cố từ ngày 30-6-2008, hiện chưa có thông báo ngày đưa vào vận hành.
Theo EVN, hiện mức nước tại hầu hết hồ thủy điện đang ở mức thấp, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn phía Nam như: Yaly, Hàm Thuận, Trị An đang ở mực nước chết, thậm chí có thời điểm dưới mực nước chết, nên các nhà máy chỉ huy động một vài giờ trong ngày. Một số nhà máy nhiệt điện, tua-bin khí đã vận hành liên tục bắt buộc phải tách ra để sửa chữa do đã hết hoặc vượt số giờ vận hành cho phép cũng làm cho công suất sử dụng điện của hệ thống giảm.
Mặc dù EVN đã huy động tất cả những nguồn điện có thể, nhưng tổng công suất của hệ thống vẫn thấp hơn so với công suất nhu cầu từ 1.500 cho đến 2.500 MW và thời gian thiếu hụt từ 7 giờ đến 21 giờ hàng ngày, trừ ngày thứ bảy và chủ nhật. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khi nào các nhà máy điện bị sự cố vận hành ổn định trở lại.
* Vậy, ngành điện đã có giải pháp nào nhằm bình ổn tình hình cung cấp điện, hoặc chí ít là phải được thông báo trước khi cắt điện để người sử dụng chủ động trong việc sản xuất và sinh hoạt?
- Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai đang hết sức cố gắng để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho các khách hàng công nghiệp và nhu cầu thiết yếu của địa phương. Riêng đối với khu vực phụ tải ánh sáng sinh hoạt trong tình hình khó khăn hiện nay của hệ thống điện quốc gia là rất khó bảo đảm cung cấp điện liên tục trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ, nhất là vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Li (thực hiện)