Thời gian gần đây có khá nhiều bạn đọc gởi thư về tòa soạn báo Đồng Nai hỏi về nguyên nhân và cách điều trị bệnh vô sinh. Chúng tôi đã mời phó chủ nhiệm khoa sản bệnh viện đa khoa Đồng Nai - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan trả lời các câu hỏi này.
Thời gian gần đây có khá nhiều bạn đọc gởi thư về tòa soạn báo Đồng Nai hỏi về nguyên nhân và cách điều trị bệnh vô sinh. Chúng tôi đã mời phó chủ nhiệm khoa sản bệnh viện đa khoa Đồng Nai - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan trả lời các câu hỏi này.
* P.V: Thưa BS, như thế nào thì được gọi là vô sinh?
- Ths, BS Nguyễn Mạnh Hoan: Vô sinh là vợ chồng ở tuổi sinh sản, không ngừa thai mà không có con sau khoảng 1 năm chung sống. Tỷ lệ vô sinh ở Đồng Nai chiếm khoảng 10-15% trên tổng số các cặp vợ chồng. Vô sinh có thể là nguyên phát, tức là từ trước đến giờ cặp vợ chồng chưa bao giờ có thai, cũng có thể là thứ phát, tức là đã từng có con, nhưng sau mất khả năng đó. Ngày nay, tỷ lệ vô sinh tăng dần vì các lý do: phụ nữ lập gia đình ở tuổi muộn hơn, vợ chồng trì hoãn có con, quan hệ tình dục sớm hoặc quan hệ với nhiều bạn tình, nạo phá thai, nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục...
* Xin BS cho biết nguyên nhân nào gây ra vô sinh?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, có thể chia làm 4 nhóm:
Thứ nhất, vô sinh do nam (tỷ lệ 30-40%): dậy thì muộn, tinh hoàn ẩn, viêm tinh hoàn, u chấn thương hoặc suy tinh hoàn; giãn tĩnh mạch thừng tinh, tắc ống dẫn tinh, nhiệt độ bìu cao; rối loạn cương, xuất tinh ngược dòng, xuất tinh sớm, lỗ niệu đạo thấp; nhiễm Chlamydia, lậu, quai bị; hóa trị, xạ trị, thủy ngân; dùng thuốc an thần, cao huyết áp (diazepam, hydralazine, methyldopa..); nghiện rượu, ma túy, thuốc lá.
Thứ hai, vô sinh do nữ (tỷ lệ 30-40%): Tại não: suy hạ đồi, u hoặc suy tuyến yên, cường prolactin; tử cung: dính buồng tử cung do nạo, tử cung nhi nữ hay dị dạng; cổ tử cung: giảm hoặc không có niêm dịch, chít hẹp, khoét chóp, cắt cụt, viêm mãn, xạ trị ung thư, có kháng thể kháng tinh trùng; ống dẫn trứng: bị viêm, phẫu thuật vòi trứng hoặc vùng chậu, lạc nội mạc tử cung; buồng trứng: suy, đa nang, viêm (nhiễm); tăng hoặc giảm cân quá nhiều, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc trừ sâu, hóa - xạ ung thư, thuốc nội tiết.
- Vô sinh do cả nam và nữ (tỷ lệ 10%).
- Vô sinh không rõ nguyên nhân (10%
* Vậy làm cách nào để có thể giúp các cặp vợ chồng bị vô sinh có thể có con, thưa BS?
- Sau khi điều trị nguyên nhân dẫn đến vô sinh, nếu không thành công, thầy thuốc có thể áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, như: kích noãn+ gây phóng noãn + giao hợp tự nhiên; thụ thai nhân tạo (artificial insemination) hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (intra- uterine insemination- IUI); thụ thai trong ống nghiệm (invitro fertilization- IVF); bơm tinh trùng vào bào tương trứng (intracytoplasmic sperm injection- ICSI); bơm tinh trùng từ mào tinh vào bào tương trứng (microsugrical epidydimal sperm aspiration- MESA); bơm tinh trùng từ tinh hoàn vào bào tương trứng (TESA: testicular sperm aspiration/ TESE: testicular sperm extraction); xin tinh trùng+ IUI hoặc IVF; xin trứng+ IVF; mang thai hộ, với noãn của người mang thai hoặc người thuê.
* Xin BS cho biết, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nào có tỷ lệ thành công cao và ít tốn kém?
- Thụ thai nhân tạo (TTNT) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến và hiệu quả nhất trên thế giới, nhất là nước ta hiện nay, vì đây là phương pháp điều trị vô sinh an toàn, ít tai biến, đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém.
TTNT là kỹ thuật bơm tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung sau khi đã lọc rửa, nhằm giảm một số tác dụng có hại lên tinh trùng từ âm đạo, cổ tử cung và mang một số tinh trùng tốt nhất đến gần trứng hơn. Làm tăng tỉ lệ có thai và giảm nhiều tai biến có thể xảy ra, như khi bơm tinh dịch tươi (đau, nhiễm trùng, sốc...).
* Vậy điều kiện, kỹ thuật và kết quả của TTNT như thế nào?
- Muốn được TTNT phải có các điều kiện sau: vợ: ít nhất một trong hai ống dẫn trứng thông và buồng trứng còn hoạt động; chồng: lượng tinh trùng sau lọc rửa bằng hoặc hơn 1 triệu con di động tốt.
Kỹ thuật: kích thích buồng trứng + siêu âm theo dõi phát triển nang noãn; chuẩn bị tinh trùng: lọc rửa; bơm tinh trùng vào buồng tử cung; hỗ trợ giai đoạn hoàn thể: chống sẩy thai sớm.
Kết quả: sự thành công được tính bằng tỷ lệ có thai trên chu kì điều trị. Tỷ lệ thay đổi, tùy theo mỗi trung tâm vô sinh, từ 0% đến 30%, trung bình 10% - 20%. Tỷ lệ này ở BV Từ Dũ là 3% khi mới triển khai và hiện nay là 20%.
* Tại BV Đồng Nai có điều trị vô sinh và TTNT không? Việc TTNT được thực hiện từ thời gian nào, kết quả ra sao, thưa BS?
- Tại Đồng Nai, chúng tôi đã thực hiện thành công ca đầu tiên thụ thai nhân tạo bằng bơm một lượng nhỏ tinh dịch tươi vào buồng tử cung từ tháng 11-2004 (bé Phan thị Cẩm G., sanh mổ tại BV Đồng Nai ngày 20-8-2005, cân nặng 3200g). Sau khi thành công một số ca chúng tôi đang tạm ngưng vì kỹ thuật này kém hiệu quả và ít an toàn.
Hiện tại tỉnh Đồng Nai có khoảng 2,4 triệu dân, trong đó lứa tuổi sinh sản chiếm tỉ lệ rất cao, vì thế số cặp vợ chồng bị vô sinh cũng rất lớn. Nhận thấy đây là một nhu cầu cấp bách nên Ban Giám đốc BV đa khoa Đồng Nai đã chỉ đạo thành lập phòng vô sinh tại khoa sản từ 1-7-2008 để điều trị vô sinh và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là kỹ thuật thụ thai nhân tạo có lọc rửa tinh trùng cho bà con trong tỉnh, với mục đích giảm bớt thời gian đi lại cũng như chi phí khi phải lên TP.Hồ Chí Minh để điều trị. Hy vọng với bước đi này, Bệnh viện đa khoa ĐN sẽ tiếp sức cho những cặp vợ chồng vô sinh có được những đứa con thân yêu mà họ hằng mong đợi.
* Vậy chi phí cho một ca điều trị vô sinh khoảng bao nhiêu và người có bảo hiểm y tế có được miễn giảm không, thưa bác sĩ?
- Chi phí một ca điều trị vô sinh thay đổi rất nhiều, từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng, tùy theo nguyên nhân gây ra vô sinh và tùy vào phác đồ điều trị. Riêng đối với kỹ thuật TTNT chi phí cho một lần lọc rửa và bơm tinh trùng khoảng 300.000 đến 500.000 đồng. Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC ngày 27-7-2005 của liên Bộ Y tế, Tài chính, hướng dẫn thực hiện y tế bắt buộc, trong đó phần II của thông tư quy định đối với 10 trường hợp không được hưởng quyền lợi BHYT, trong đó có điều trị vô sinh.
* Xin cảm ơn BS!
Minh Nguyệt (thực hiện)