Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
* Không nên sử dụng những loại thuốc diệt rầy chết ngay như vậy sẽ làm rầy dễ bùng phát thành dịch

10:07, 02/07/2008

Theo các nhà chuyên môn, năm nay diễn biến của rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) trên lúa ở các tỉnh, thành phía Nam khá phức tạp, nếu việc phòng trừ rầy nâu không tốt, rất có thể bệnh VL-LXL do rầy nâu gây ra sẽ bùng phát mạnh giống như năm 2006. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.

Theo các nhà chuyên môn, năm nay diễn biến của rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) trên lúa ở các tỉnh, thành phía Nam khá phức tạp, nếu việc phòng trừ rầy nâu không tốt, rất có thể bệnh VL-LXL do rầy nâu gây ra sẽ bùng phát mạnh giống như năm 2006. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

* PV: Ông có nhận xét gì về tình hình rầy nâu và bệnh VL-LXL năm nay?

 

- Ông Nguyễn Hữu Huân: Qua khảo sát của Bộ NN-PTNT ở các tỉnh phía Nam từ giữa tháng 6 cho thấy, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu và bệnh VL-LXL năm nay cao hơn năm ngoái rất nhiều. Năm ngoái chỉ có 20.115 hécta nhiễm rầy nâu, nhưng năm nay diện tích bị nhiễm lên đến gần 72.400 hécta, tăng gấp khoảng 3,5 lần. Cụ thể như năm 2007, lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL chỉ có 27,2 héc ta thì năm nay đã tăng lên 334,9 hécta. Trong vụ hè - thu này, gió Tây Nam hoạt động mạnh sẽ làm lượng rầy di trú từ các tỉnh miền Tây Nam bộ tràn về các tỉnh miền Đông Nam bộ rất nhiều. Vì vậy, các địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời. Nếu việc xử lý rầy không tốt ở các tỉnh miền Đông trong vụ hè - thu, thì đến vụ mùa và vụ đông - xuân khi có gió Đông Bắc, rầy di trú ngược lại sẽ đe dọa vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

 

*  Công tác dự báo về rầy nâu hiện được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Chúng tôi luôn theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình để có dự báo kịp thời về thời gian cao điểm của các lứa rầy. Cụ thể là trung tuần tháng 7 sẽ có một đợt rầy cám trên lúa hè - thu chính vụ. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 xuất hiện đợt nữa trên trà lúa hè - thu muộn. Đến đầu tháng 10, rầy xuất hiện trên trà lúa vụ mùa. Vào cuối tháng 10 thêm một đợt nữa và cuối tháng 11 rầy trưởng thành trên trà lúa mùa trổ bông. Vì vậy, các tỉnh cần hết sức chú ý theo dõi những lứa rầy này để kịp thời ngăn chặn sự bùng phát của chúng.

 

* Vậy, đâu là những tồn tại làm diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu và bệnh VL-LXL tăng  nhiều trong thời gian qua?

 

- Theo tôi, hiện ở các tỉnh vẫn còn khá phổ biến tình trạng có nhiều trà lúa trên một cánh đồng. Ruộng lúa này chưa gặt xong thì thửa ruộng khác đã được gieo sạ. Như vậy, trên cánh đồng không thể cắt hẳn được rầy. Công tác theo dõi bẫy đèn, dự báo các đợt rầy di trú còn yếu, chưa đồng bộ và kịp thời. Một số địa phương chưa làm tốt công tác giám sát, đôn đốc phòng trừ rầy nâu, vệ sinh đồng ruộng. Chất lượng giống lúa cũng đáng báo động. Có những tỉnh đến nay nông dân vẫn còn dùng giống lúa của 20 năm về trước để gieo sạ. Giống lúa đó không những không kháng rầy mà còn bị thoái hóa. Một nguyên nhân nữa đó là kỹ thuật mới thâm canh lúa chưa được phổ biến nhiều. Để chống được sự bùng phát của rầy nâu, nguồn nước là hết sức quan trọng. Trong thời gian vừa qua, hầu hết những tỉnh bị nhiễm rầy nâu và bệnh VL-LXL nặng là do trà lúa hè - thu sớm không chủ động được nước.

 

* Theo ông, các địa phương cần phải làm gì để việc chống rầy nâu và bệnh VL-LXL  có hiệu quả?

Nông dân xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc thăm đồng để kiểm tra sâu bệnh trên trà lúa 1 tháng tuổi.

 

- Thứ nhất, khung thời vụ phải được nông dân tuân thủ. Các cánh đồng phải được gieo sạ đồng loạt. Cách hữu hiệu trong việc phòng chống bệnh VL-LXL là xuống giống né rầy. Lúa trong vòng 20 ngày đầu rất dễ bị nhiễm bệnh này. Thứ hai, cần sử dụng những loại giống lúa kháng rầy nâu để gieo sạ. Thứ ba, phải nắm chắc những chu kỳ phát triển của rầy nâu để kiểm soát và khống chế tối đa sự di trú của rầy; xử lý triệt để những mầm bệnh VL-LXL xuất hiện rải rác trên cánh đồng.

 

* Riêng ở Đồng Nai, một số cánh đồng mang tính đặc thù phải né lũ nên không thể gieo sạ đồng loạt được, vậy phải xử lý ra sao?

 

- Đối với những cánh đồng như vậy cách duy nhất đó là thường xuyên thăm đồng để phát hiện rầy nâu rồi dùng thuốc trừ sâu phun xịt diệt rầy. Tuy nhiên, cũng cần khuyến cáo nông dân không nên sử dụng những loại thuốc diệt rầy chết ngay như vậy sẽ làm rầy dễ bùng phát thành dịch.  

 

* Xin cảm ơn ông.

 

Vân Nam (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều