Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu: "Muốn phát triển cây ăn trái xuất khẩu cần chọn những loại cây có thế mạnh"

09:06, 06/06/2008

Trong nhiều năm qua tình hình sản xuất và xuất khẩu trái cây của nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Riêng đến năm 2007, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của nước ta đạt 300 triệu USD, tăng 40 triệu USD so với năm 2006. Dự kiến năm 2008, kim ngạch xuất khẩu rau, quả sẽ đạt 350 triệu USD. Tiềm năng về sản xuất và xuất khẩu trái cây ở nước ta còn rất lớn, nhưng hàng năm đầu ra của trái cây từ những nhà vườn vẫn gặp khó khăn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.

Trong nhiều năm qua tình hình sản xuất và xuất khẩu trái cây của nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Riêng đến năm 2007, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của nước ta đạt 300 triệu USD, tăng 40 triệu USD so với năm 2006. Dự kiến năm 2008, kim ngạch xuất khẩu rau, quả sẽ đạt 350 triệu USD. Tiềm năng về sản xuất và xuất khẩu trái cây ở nước ta còn rất lớn, nhưng hàng năm đầu ra của trái cây từ những nhà vườn vẫn gặp khó khăn. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ  Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, xung quanh vấn đề này. 

 

* PV: Ông có nhận xét gì về xuất khẩu rau, quả của nước ta?

 

- TS Nguyễn Minh Châu: Tôi nghĩ, với dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau, quả theo đường chính ngạch của cả nước trong năm nay đạt 350  triệu USD, tăng 50 triệu USD so với năm 2007, thì không phải là khó. Chúng ta có thể xuất khẩu được hơn thế nữa. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) cần phải đẩy nhanh một số việc như sớm ký hiệp định kiểm dịch thực vật với Mỹ, Nhật, Úc, Newzealand... để có thể xuất khẩu vào thị trường này. Đây là rào cản rất lớn trong xuất khẩu rau quả, mà nước ta đang phải đối mặt. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến việc xây dựng nhà máy xử lý ruồi đục quả. Vì nhiều loại trái cây bị loại ruồi này tấn công, nhìn vỏ bên ngoài vẫn đẹp bình thường nhưng khi bổ ra bên trong hư hết.

 

* Theo ông, làm thế nào để tăng sản lượng xuất khẩu cây ăn trái?

 

- Muốn tăng được sản lượng trái cây xuất khẩu thì phải xây dựng vùng chuyên canh. Bất kể một nước sản xuất chuyên nghiệp nào họ cũng phải xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu. Ở đây có liên quan đến vấn đề quy hoạch. Bộ NN-PTNT phải có một quy hoạch chi tiết như tỉnh nào trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, trong đó cây nào cho xuất khẩu, cây nào để tiêu thụ trong nước. Từ đó, các tỉnh mới có những chính sách hỗ trợ các nhà vườn đầu tư phát triển, tạo khả năng cạnh tranh cao và giảm đi việc đụng hàng dội chợ như. Ví dụ, hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể nên tỉnh nào cũng trồng bưởi, xoài, sầu riêng... Trong khi cũng cùng giống cây đó nhưng trồng ở miền Đông Nam bộ thì chất lượng trái sẽ khác so với trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

* Vậy phát triển cây ăn trái trong tương lai sẽ như thế nào?

 

- Chúng ta nên chia làm 2 loại, trồng để xuất khẩu và trồng để tiêu thụ trong nước. Đối với cây ăn trái trồng để xuất khẩu, chúng ta nên tập trung chọn những loại cây có lợi thế và tiềm năng thì mới có thể cạnh tranh nổi. Tôi lấy ví dụ, tại sao Malaysia lại tập trung vào cây khế, mít và đu đủ để làm mặt hàng xuất khẩu chính? Bởi vì với những loại cây như: sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, vải, thơm... họ xác định không thể nào cạnh tranh nổi với những nước như: Thái Lan, Philippines. Với Việt Nam, theo tôi, nên phát triển một số cây đặc trưng và ít nước trồng được như thanh long ruột trắng và đỏ (đây là loại cây nước ta đang xuất khẩu đứng số 1); tiếp đó là vú sữa, bơ, dứa Queen, bưởi, nhãn tiêu da bò, chuối già, chôm chôm nhãn, xoài thanh ca và vải.

Bưởi Tân Triều, một đặc sản ở Đồng Nai có lợi thế cạnh tranh.

Đối với cây trồng để tiêu thụ trong nước phải chú ý đến cây đặc sản như: sầu riêng Chín Hóa, RI6, măng cụt, bưởi da xanh, bưởi Tân Triều Đồng Nai, nhãn xuồng Vũng Tàu, xoài cát Hòa Lộc, xoài ăn xanh, cam sành và quýt đường.

 

* Về bảo quản sau thu hoạch có phải cũng là một yếu kém hiện nay ở nước ta?

 

+ Khâu bảo quản sau thu hoạch của chúng ta còn yếu. Bây giờ có mấy địa phương có được nhà lạnh để bảo quản trái cây khi thu hoạch về? Những nước xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp họ rất kỹ lưỡng về khâu bảo quản. Bao bì đóng gói để xuất khẩu cũng được quan tâm,  vì ngoài việc kéo dài thời  gian bảo quản, còn phải an toàn  và bắt mắt.

 

 * Với Đồng Nai, theo ông nên chọn những loại cây ăn trái nào để phát triển?

 

- Cây bưởi Tân Triều rất ngon. Đây là cây đặc sản, vì vậy Đồng Nai nên tập trung phát triển loại bưởi này với diện tích lớn. Ngoài ra, còn một số cây khác như: sầu riêng, chôm chôm và măng cụt nếu đầu tư phát triển sẽ rất tốt. Đây là những cây trồng chính tỉnh Đồng Nai nên có quy hoạch và có chiến lược phát triển.

 

* Xin cảm ơn ông.

Vân Nam (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều
Dịch vụ viết thuê luận văn uy tín