Trước tình trạng gia tăng dân số một cách đáng báo động ở nhiều địa phương trong cả nước, ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ yêu cầu tổ chức, bổ nhiệm và bố trí cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình các cấp xong trước ngày 31-5-2008. Tại Đồng Nai, việc sắp xếp lại bộ máy này ra sao và liệu sự sắp xếp này có ảnh hưởng gì đến mức tăng dân số?
Trước tình trạng gia tăng dân số một cách đáng báo động ở nhiều địa phương trong cả nước, ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ yêu cầu tổ chức, bổ nhiệm và bố trí cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình các cấp xong trước ngày 31-5-2008. Tại Đồng Nai, việc sắp xếp lại bộ máy này ra sao và liệu sự sắp xếp này có ảnh hưởng gì đến mức tăng dân số? Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bàn giao, sáp nhập một số sở, ngành trực thuộc sự quản lý của UBND tỉnh, Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em tỉnh đã được sắp xếp lại bộ máy. Theo đó, bộ phận dân số được nhập về Sở Y tế; bộ phận gia đình về Sở Văn hóa - thể thao và du lịch; bộ phận trẻ em về Sở Lao động - thương binh và xã hội. Đến nay, công tác sáp nhập ở cấp tỉnh đã cơ bản hoàn tất. Riêng tuyến huyện, từ ngày 1-5, việc sắp xếp được bắt đầu triển khai và đến nay cũng chỉ còn huyện Tân Phú là chưa hoàn thành việc sắp xếp lại.
* Trong quá trình tổ chức, bố trí lại cán bộ dân số, gia đình và trẻ em từ tỉnh đến cơ sở có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Theo chủ trương, sau khi chia tách, sáp nhập, tuyến tỉnh sẽ thành lập Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Sở Y tế; thành lập Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện; chuyển cán bộ chuyên trách công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cấp xã về trạm y tế và áp dụng chế độ, chính sách hiện hành đối với cán bộ chuyên trách công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cấp xã như các viên chức khác của trạm y tế. Đồng thời sẽ tiếp tục duy trì đội ngũ cộng tác viên dân số để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và áp dụng các chế độ, chính sách hiện hành đối với đội ngũ cộng tác viên dân số. Nếu thực hiện đúng chủ trương này, hoạt động dân số chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do đã có sự bàn giao, sáp nhập, chia tách từ trước khi Chính phủ ra công điện này nên bộ phận dân số vốn đang rất ổn định trước kia đã bị xé lẻ, nhất là ở tuyến huyện: Ngoài một số cán bộ được chuyển qua ngành y tế, số còn lại người thì về ngành văn hóa, người về ngành lao động - thương binh và xã hội... Việc bố trí cán bộ dân số quay trở lại để thành lập Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình là khá khó khăn. Chúng ta sẽ mất một khoảng thời gian nữa để sắp xếp lại.
* Thưa ông, với những khó khăn như vậy, việc tổ chức, bố trí cán bộ làm công tác dân số có thể hoàn thành trước ngày 31-5 như công điện mà Thủ tướng đã yêu cầu?
- Tuyến tỉnh thì chúng ta đã có thể hoàn toàn yên tâm, nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là tuyến huyện. Vì vậy, mốc 31-5 là một thách thức lớn mà nếu không có quyết tâm thì không thể thực hiện được.
* Việc sắp xếp lại bộ máy có ảnh hưởng gì đến mức tăng dân số của Đồng Nai trong những tháng qua không, thưa ông?
- 4 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn Đồng Nai không có sự biến động lớn về dân số. Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong tổng số 9.982 trẻ sinh ra, số bé trai nhiều hơn số bé gái là 562 cháu (5.272 bé trai). Dù tỷ lệ chênh lệch nằm trong mức cho phép nhưng điều này vẫn rất đáng lo ngại. Rõ ràng là quan niệm phải sinh con trai vẫn tồn tại khá sâu trong người dân.
Trong 4 tháng qua, toàn tỉnh cũng đã có 651/9.982 bé chào đời là con thứ ba. Tỷ lệ này chiếm gần 7%, thấp hơn so với mức sinh con thứ ba của cùng kỳ năm 2007. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ công tác truyền thông của chúng ta đã có tác dụng và những tác động của việc thay đổi tổ chức, bộ máy không làm ảnh hưởng đến công tác dân số của tỉnh.
* Có một thực tế là hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang đứng trước tình trạng tăng dân số một cách khó kiểm soát và để ổn định được cũng phải mất vài năm nữa. Liệu ở Đồng Nai có xảy ra điều này?
- Như tôi đã nói, mức tăng dân số ở Đồng Nai vẫn ở mức cho phép. Số phụ nữ hiện đang mang thai cũng không nhiều đến mức lo ngại sẽ xảy ra tình trạng bùng nổ số sinh. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan. Chúng tôi đang tích cực sắp xếp lại bộ máy để góp phần giữ vững sự ổn định về dân số.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Phượng (thực hiện)