Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 13/04/2025, 18:38 En

Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực

10:05, 03/05/2006

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2006 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề "Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm". Dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ ĐẶNG VĂN DẦN, Trưởng khoa vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai.

Bác sĩ Đặng Văn Dần

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2006 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề "Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm". Dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Đặng Văn Dần, Trưởng khoa vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai.

 

* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình VSATTP trong những năm qua trên địa bàn Đồng Nai?

 

- Bác sĩ Đặng Văn Dần: Tình hình VSATTP trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực nhờ được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền các cấp; nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi được nhận thức của mọi người về VSATTP và nhờ các trang thiết bị được đầu tư thỏa đáng, năng lực kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm tại Trung tâm y tế dự phòng được đảm bảo... Từ những yếu tố này mà tình hình ngộ độc thực phẩm và những bệnh truyền qua đường thực phẩm trong những năm qua mỗi năm một giảm.

 

* Bác sĩ cho biết rõ hơn về chủ đề của tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay là "Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm"?

 

- Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm tức là thực phẩm đó vừa đảm bảo được chất lượng vừa an toàn, hợp vệ sinh. Chỉ có ô nhiễm mới làm cho thực phẩm mất an toàn. Ô nhiễm ở đây có thể là ô nhiễm từ nơi nuôi trồng, sản xuất, trong quá trình vận chuyển, ô nhiễm trong quá trình bảo quản - chế biến, thậm chí trong quá trình phân phối thực phẩm. Khi thực phẩm mất an toàn thì rất dễ gây ngộ độc và các bệnh truyền qua đường thực phẩm.

Những tác nhân gây ô nhiễm thực phẩm là: ô nhiễm do vi sinh và virus. Do đó, nguy cơ đầu tiên phải quan tâm là phòng ngừa thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật. Những thực phẩm phải đặc biệt quan tâm phòng ngừa bị ô nhiễm vi sinh vật là: thực phẩm tươi sống ăn ngay, thực phẩm chín ăn ngay, thực phẩm đã qua chế biến phục vụ cho con người và tiêu thụ tại chỗ. Hai là các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt. Còn phải phòng ngừa ô nhiễm các hóa chất mà con người chủ định cho vào thực phẩm như chất phụ gia, chất bảo quản các loại... Ba là phải phòng ngừa nấm và độc tố vi nấm. Không những nó làm hư hỏng thực phẩm mà còn làm cho con người bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí có những trường hợp ngộ độc cấp gây chết người. Cuối cùng là phòng ngừa ô nhiễm có yếu tố vật lý, chẳng hạn như trong thực phẩm có những vật lạ (kim loại, cát, sỏi...)

 

* Hiện vẫn còn những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không có nhãn mác, hạn sử dụng... mà đa phần là những cơ sở nhỏ lẻ, có khi sản xuất theo mùa vụ. Làm cách nào để quản lý những cơ sở này?

 

- Thực ra, rất khó quản lý những hộ sản xuất các mặt hàng thực phẩm có tính chất thời vụ (như sản xuất phục vụ Tết, lễ hội hoặc một ngày truyền thống nào đó). Những mặt hàng sản xuất theo thời vụ và có tính chất thủ công, hộ gia đình hay những mặt hàng truyền thống hầu như không có nhãn mác, việc quản lý nó về mặt chất lượng là hết sức khó khăn, ngành y tế không quản lý nổi, quản lý thị trường cũng không quản lý nổi. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải hướng cho người sản xuất biết được những loại thực phẩm nào, nguyên liệu nào đảm bảo VSATTP để phục vụ cho việc chế biến. Còn những loại sản phẩm tiêu thụ trên thị trường dài ngày mà không công bố chất lượng hàng hóa, không nhãn mác... thì đã vi phạm Pháp lệnh VSATTP, vi phạm Nghị định 163 của Chính phủ và quy định của Bộ Y tế. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý những vi phạm này.

 

* Về vấn đề bếp ăn tập thể, phải làm gì để không xảy ra ngộ độc tập thể, thưa bác sĩ?

 

- Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn Đồng Nai có gần 400 bếp ăn tập thể (BATT) có số người ăn trên 50 người và có khoảng 160 bếp ăn của các trường học, mẫu giáo, nhà trẻ. Riêng về bếp ăn công nghiệp ở các khu công nghiệp hiện nay cũng có nhiều nhà máy tự tổ chức hoặc thuê những công ty, cơ sở dịch vụ suất ăn công nghiệp cung cấp. Tất cả những trường hợp này đều có hợp đồng với những người cung ứng nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Tất nhiên họ phải chọn những nhà cung ứng nào có giá phải chăng và ổn định, đồng thời có chất lượng tin cậy. Khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì nhà thầu và chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiện nay chúng ta chưa có một nguồn thực phẩm sạch dồi dào và đầy đủ về chủng loại, số lượng... để cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Có một số nhà vườn, hợp tác xã... sản xuất rau sạch nhưng họ không thể tiếp cận được BATT vì số lượng, chủng loại không đủ ổn định cho các BATT. Các ngành như thú y, nông nghiệp cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường, nên tình hình ngộ thực phẩm ở các BATT đã giảm đáng kể.

 

* Thực trạng thức ăn đường phố hiện rất phức tạp, ngành y tế có những giải pháp gì để không xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm?

 

- Điều đáng lo nhất đối với ngành y tế chủ yếu là thức ăn đường phố. Toàn tỉnh có khoảng 13.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thì riêng thức ăn đường phố đã chiếm hơn 12.000. Xét về mặt xã hội,  thức ăn đường phố đã giải quyết được rất nhiều việc làm cho người lao động mà đa số là người nghèo, trình độ học vấn thấp hay những người đã có tuổi mà các công ty, xí nghiệp không nhận. Thức ăn đường phố có ưu điểm nữa là giá cả phù hợp và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Nhưng thức ăn đường phố cũng có các nhược điểm lớn: vị trí kinh doanh không ổn định, ảnh hưởng đến văn minh đô thị, an toàn giao thông; khó kiểm soát do tính đa dạng, thời vụ, tạm thời, không đăng ký kinh doanh; điều kiện trang bị để đảm bảo VSATTP không có; đa số người kinh doanh còn hạn chế nên kiến thức VSATTP.

Ngành y tế phải quản lý được thức ăn đường phố, quản lý từ phường, xã cho đến từng khu phố, từng khóm, ấp. Hiện ngành y tế đang tiến hành điều tra, lập sổ quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, sau đó tổ chức tập huấn để các cơ sở nắm vững các điều kiện đảm bảo VSATTP thức ăn đường phố...

 

* Xin cám ơn bác sĩ.

 Xuân Khánh (thực hiện)

Tin xem nhiều