
Búp bê là một thế giới kỳ diệu, đầy hấp dẫn đối với trẻ em. Tuy nhiên, đối với trẻ em nghèo, việc có một con búp bê hay một con thú bông để làm bạn quả là một mơ ước không đơn giản. Với mong muốn giúp biến ước mơ của các em trở thành hiện thực, trong dịp 1-6 năm nay, tỉnh phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình "Nhà búp bê cho trẻ em".
Búp bê là một thế giới kỳ diệu, đầy hấp dẫn đối với trẻ em. Tuy nhiên, đối với trẻ em nghèo, việc có một con búp bê hay một con thú bông để làm bạn quả là một mơ ước không đơn giản. Với mong muốn giúp biến ước mơ của các em trở thành hiện thực, trong dịp 1-6 năm nay, tỉnh phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình "Nhà búp bê cho trẻ em". Trao đổi với phóng viên báo Đồng Nai, đồng chí Huỳnh Văn Tới, UV Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chương trình này cho biết:
- Ý tưởng xây dựng "Ngôi nhà búp bê cho trẻ em" được bắt đầu từ những câu hỏi: Trẻ em đang cần gì? Có phải trẻ em chỉ cần cơm ăn, áo mặc và sự học hành? Tại sao có trẻ em lại mơ ước búp bê nhiều hơn cơm áo? Tại sao có những người có nhiều búp bê đến mức không có chỗ cất giữ, trong khi đó lại có những trẻ em nghèo thiếu búp bê để chơi phải tự làm những con búp bê từ những miếng vải cũ, rách, bằng lá khô? Thế giới búp bê của trẻ em, người lớn có hiểu, có chia sẻ được không?... Những câu hỏi ấy luôn day dứt trong quá trình thực hiện chính sách chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cho đến khi báo Sài Gòn Giải Phóng đặt vấn đề xây dựng "Ngôi nhà búp bê cho trẻ em", thì những câu hỏi này mới tìm được trả lời. Chương trình sẽ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cho riêng mình một con búp bê để làm bạn.
* Phóng viên (PV) : Vậy, cùng với các chương trình hoạt động vì trẻ em năm nay, chương trình xây dựng Nhà búp bê đem lại những ý nghĩa thiết thực gì, thưa đồng chí?
- Đ/c Huỳnh Văn Tới (Đ/c H.V.T) : Năm nay, chào mừng Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, tỉnh triển khai nhiều chương trình vì trẻ em như: "Một ngày lương vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", "Ngày vi chất dinh dưỡng cho trẻ em", tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em... Riêng Nhà búp bê là chương trình mới với nhiều hoạt động như: sưu tập, trưng bày, chia sẻ, giao lưu... đem lại cảm xúc về búp bê cho trẻ em và cả người lớn. Ý nghĩa thiết thực của chương trình thể hiện trước hết ở việc đáp ứng nhu cầu thiết thực của trẻ em mà lâu nay ít được quan tâm. Có thể nói, thế giới búp bê là nhu cầu tinh thần đặc biệt của tuổi thơ, nó có sức sống kỳ diệu đầy nhân tính, dễ hội nhập, không lệ thuộc vào tính chất của xã hội công nghệ cao. Chương trình Nhà búp bê sẽ làm cho người lớn quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ em nhiều hơn, giúp cho thế giới tâm hồn của trẻ em phong phú hơn, cảm xúc cách biệt ngắn lại, trẻ em nghèo được chia sẻ, được dịp "tập làm người lớn" qua việc chăm sóc búp bê. Thử hình dung: hiện nay cha mẹ, ông bà bận bịu công việc, giảm dần giao tiếp với con cháu, thì việc trẻ em có trong tay búp bê mơ ước, tự mình chăm sóc, dỗ dành, trò chuyện cùng búp bê; cảm xúc ấy mang tính giáo dục nhiều hơn.
* P.V : Xuất phát từ ý nghĩa đó, chương trình không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các cá nhân, tập thể có tấm lòng yêu trẻ quyên góp búp bê, thú bông, thưa đồng chí?
- Đ/c H.V.T : Chương trình này lần đầu tiên được phối hợp tổ chức giữa báo Sài Gòn Giải Phóng với tỉnh Đồng Nai và TP. Cần Thơ. Ý tưởng chung là vậy, nhưng thực hiện như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của từng nơi, cho nên ắt có sự khác nhau. Ở Đồng Nai, ngoài việc vận động với mục tiêu 10.000 búp bê cho trẻ em nghèo và các hoạt động hội thi, giao lưu về búp bê như thi viết lời cảm tưởng về búp bê hay nhất, thi sáng tạo búp bê từ các phế liệu, thi búp bê duyên dáng nhất, Ban tổ chức còn "mơ" đến bộ sưu tập búp bê đa dạng, phong phú cho công trình "Thế giới tuổi thơ" dự kiến sẽ được xây dựng ở huyện Nhơn Trạch. Trẻ em của mọi miền đất nước và trẻ em nước ngoài đến đây sẽ có dịp hình dung thế giới búp bê giàu hương sắc của mình. Và với tất cả những ý nghĩa trên, chúng ta sẽ xây dựng chương trình này thành một chương trình truyền thống, lâu dài và tổ chức hàng năm với quy mô lớn.
* PV : Vậy để chương trình được tổ chức thành công, chúng ta đã xây dựng những kế hoạch cụ thể gì và hiện nay kế hoạch đó đã được thực hiện đến đâu?
- Đ/c H.V.T : Để những ý tưởng trở thành hiện thực cần phải có chương trình cụ thể, từng bước thực hiện, huy động toàn xã hội tham gia, kiên trì trong nhiều năm, tạo thành một phong trào rộng khắp. Trước hết là tuyên truyền, giải thích để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thành tự giác tham gia phong trào này. Cùng với việc tuyên truyền là cách tổ chức, phát động tạo hồn cho các hoạt động thiết thực. Đến giờ này, tỉnh đã chuẩn bị xong kế hoạch. Theo đó, bắt đầu từ ngày 15-5 đến ngày 30-5 năm nay các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ lần lượt tổ chức đợt tiếp nhận búp bê tại địa phương mình, sau đó chọn ra những con búp bê đặc sắc nhất về Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em tỉnh để trưng bày tại Nhà thiếu nhi tỉnh và tham dự cuộc thi Búp bê duyên dáng của tỉnh. Những búp bê duyên dáng, đặc sắc được giữ lại để xây dựng bộ sưu tập búp bê sẽ được trưng bày triển lãm tại khu vui chơi "Thế giới tuổi thơ" trong tương lai. Số búp bê còn lại sẽ được tổ chức trao tặng cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào dịp 1-6, ngay tại địa phương.
* PV : Xin cảm ơn đồng chí!
Thúy Hằng (thực hiện)