Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp :
Điều cần làm ngay của công đoàn cơ sở

10:03, 20/03/2006

Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Đặng Ngọc Tùng đã đưa ra ý kiến trên trong buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh và Công ty Pouchen mới đây. Theo ông Tùng, đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thấp nhất việc xảy ra tranh chấp lao động tại doanh nghiệp... Phóng viên báo Đồng Nai cũng đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Tùng xung quanh vấn đề này...

Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam ông Đặng Ngọc Tùng.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Đặng Ngọc Tùng đã đưa ra ý kiến trên trong buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh và Công ty Pouchen mới đây. Theo ông Tùng, đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thấp nhất việc  xảy ra tranh chấp lao động tại doanh nghiệp... Phóng viên báo Đồng Nai cũng đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Tùng xung quanh vấn đề này...

 

* PV : Xung quanh những vụ đình công tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của Công đoàn cơ sở còn mờ nhạt. Theo ông, việc làm cấp bách của Công đoàn cơ sở hiện nay là gì để hạn chế thấp nhất những tranh chấp lao động?

 

- Ông Đặng Ngọc Tùng: Hoạt động của tổ chức Công đoàn phải làm sao đảm bảo được quyền lợi của người lao động, để từ đó họ tin tưởng vào Công đoàn, tự nguyện vào Công đoàn. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là Công đoàn phải có những hoạt động thiết thực để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Xung quanh những vụ đình công vừa qua, người lao động cũng nên hiểu mọi phát biểu, ý kiến của Công đoàn đều phải dựa trên cơ sở luật pháp và lợi ích chính đáng của người lao động. Một số người lại không hiểu được việc này nên cho rằng, Công đoàn không bảo vệ được lợi ích của người lao động, không nói lên được tiếng nói của họ. Chẳng hạn như về điều chỉnh lương tối thiểu, Công đoàn đã có ý kiến và đề xuất từ lâu nhưng cách giải quyết của Chính phủ trong thời gian vừa qua còn chậm, chưa kịp với sự phát triển của xã hội. Thực tế, trong những năm qua, không phải là tất cả Chủ tịch công đoàn trong các DN FDI hoạt động không hiệu quả mà đa số là hoạt động có hiệu quả. Sở dĩ được như vậy chính là do các Chủ tịch Công đoàn được đào tạo huấn luyện về nghiệp vụ tổ chức công đoàn và có tâm đối với tổ chức Công đoàn. Họ luôn đặt trách nhiệm, quyền lợi của tập thể lên trên, vì vậy nhiều người đã bị chủ DN chuyển đổi sang công tác khác nên không phát huy được vai trò của mình nữa. Họ chính là người chịu nhiều thiệt thòi trước tiên. Điều cần làm ngay của tổ chức Công đoàn hiện nay là làm sao đào tạo được đội ngũ cán bộ Công đoàn ở cơ sở có năng lực đủ để thương lượng với người sử dụng lao động, tiến tới ký được thỏa ước lao động tập thể. Vì, thỏa ước lao động tập thể chính là cơ sở pháp lý dưới luật để bảo vệ quyền lợi của người lao động và hạn chế những tranh chấp xảy ra.

 

* Với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực của Tổng LĐLĐ, ông có ý kiến gì khi hầu hết các vụ đình công hiện nay đều diễn ra không đúng trình tự của pháp luật?

 

- Từ khi Bộ Luật lao động có hiệu lực, đến nay đã hơn 10 năm. Nhưng bảo các cuộc đình công đã theo đúng trình tự của luật pháp qui định chưa thì rõ ràng là chưa. Vì sao? Pháp luật qui định chặt chẽ là một phần, phần còn lại khiến xảy ra đình công là do đâu? Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không thực hiện đúng những gì mà luật pháp đã qui định. Nếu tất cả những người sử dụng lao động thực hiện tốt những điều, những khoản mà Bộ Luật lao động qui định thì tôi chắc chắn rằng các vụ đình công sẽ không xảy ra như vừa qua.

 

* Hầu hết các vụ đình công tại DN FDI lẫn DN ngoài quốc doanh trong thời gian qua đều xoay quanh vấn đề tiền lương. Tổ chức Công đoàn có kiến nghị gì về vấn đề này để không xảy ra đình công?

Khen thưởng cho các nữ CNVC có đóng góp xuất sắc trong lao động tại Công ty Taekwang - Vina nhân dịp 8-3

 

- Lương tối thiểu của khu vực FDI hiện nay là cao hơn gấp hai lần so khối nhà nước và ngoài quốc doanh. Nhưng thu nhập thực tế của người lao động ở ba khu vực này thì không hẳn như thế. Vì một công nhân làm ở ngành da giày cho một DN nhà nước hay doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì thu nhập của họ cũng tương đương với một công nhân da giày ở DN FDI, thậm chí có nơi còn cao hơn. Điều cần phải thấy ở đây là việc xây dựng thang bảng lương tại các doanh nghiệp FDI chưa được tốt. Thang bảng lương của các DN FDI cần phải hoàn chỉnh lại để làm sao thu nhập của những người có tay nghề và đã làm việc cho DN 9-10 năm phải cao hơn hẳn với những người vào làm việc năm đầu tiên, năm thứ hai. Rõ ràng hiện nay việc xây dựng các thang bảng lương tại các DN FDI hiện nay chưa đáp ứng được điều này. Chênh lệch trong thang lương của những người mới vào làm việc so với những người làm năm thứ 10 còn quá nhỏ, đó là điểm cần phải sửa. Trong các khu vực nhà nước, tuy mức lương tối thiểu là 350 ngàn đồng nhưng còn có những "phần mềm" khác để thu nhập của người lao động có thể đạt mức từ 1 triệu đồng trở lên. Còn ở DN FDI, tuy lương tối thiểu theo quy định của nhà nước là trên 700 ngàn nhưng thực tế các DN chỉ trả cao hơn mức lương tối thiểu nhà nước quy định một ít.

 

* Xin cảm ơn ông.

Minh Chánh (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều
Tin đăng việc làm gò vấp tại Vieclam24h