Từ 2 sào đất đá cha mẹ cho khi lập gia đình, anh Phạm Thiên Đức (40 tuổi, ngụ tổ 9, ấp Tân Hòa, xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) không ngừng mở rộng diện tích bằng việc mua nợ đất của các nông dân lân cận để có thêm đất sản xuất.
Từ 2 sào đất đá cha mẹ cho khi lập gia đình, anh Phạm Thiên Đức (40 tuổi, ngụ tổ 9, ấp Tân Hòa, xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) không ngừng mở rộng diện tích bằng việc mua nợ đất của các nông dân lân cận để có thêm đất sản xuất.
Nông dân Phạm Thiên Đức (ngụ tổ 9, ấp Tân Hòa, xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) làm đất để trồng dưa leo. Ảnh: Đ.Phú |
Từ cách nghĩ, phải có nhiều đất mới mở rộng sản xuất, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, kết hợp với sự kiên trì, sự nỗ lực học hỏi kỹ thuật trồng rau sạch, nông dân Phạm Thiên Đức đã trở thành nông dân sản xuất giỏi nơi vùng đất đá Xuân Thành.
* Vượt lên chính mình
Giữa tháng 10-2022, thời tiết bắt đầu chuyển mùa trở nên mát mẻ hơn, đám dưa leo nông dân Phạm Thiên Đức vừa gieo chưa kịp leo giàn nên ông có thời gian rảnh rỗi ôn lại chuyện năm xưa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thành ĐỖ TIẾN PHƯƠNG bày tỏ, mô hình trồng lagim của nông dân Phạm Thiên Đức tại tổ 9, ấp Tân Hòa là mô hình điểm của Hội. Hội rất quan tâm và khuyến khích các hội viên nông dân khác tới học tập, làm theo để nâng cao thu nhập. |
Ông Đức kể, năm 2003, sau khi lập gia đình, ông được cha chia cho 2 sào đất để trồng đồ lagim (dưa leo, bầu, bí, khổ qua…). Do khu đất là đồi đá, không bằng phẳng, còn nhiều cây bụi, ụ mối nên ông phải mất 2 tháng cải tạo đất mới gieo được lứa dưa leo đầu tiên.
“Lúc đó tôi vừa cưới vợ, nhưng để cải tạo khu đất, tôi chấp nhận ăn ngủ luôn ngoài rẫy suốt 2 tháng. Tôi dùng xe rùa và xà beng bẫy đá chất dọc theo hàng ranh, đổ vào chỗ trũng nước và phá các ụ mối lấy đất thịt bồi bổ cho những nơi vừa bứng đá lên mà không biết mệt” - ông Đức kể.
Lứa dưa leo đầu tiên năm đó, ông Đức đã lãi được trên 20 triệu đồng. Do đó, khi được một nông dân đề nghị bán cho 6 sào đất giáp ranh với giá 60 triệu đồng để mở rộng sản xuất thì ông gật đầu ngay. Ông Đức nhẩm tính, ông chỉ cần đặt cọc trước 30 triệu đồng, một năm sau, 6 sào đất này khi chủ đất hoàn thành thủ tục giấy tờ chuyển nhượng thì ông mới đưa đủ tiền. Tận dụng khoảng thời gian này, ông chỉ cần bỏ ra thêm một ít vốn, công sức trồng 3-4 vụ lagim là đủ tiền mua toàn bộ 6 sào đất.
Cũng bằng cách tính đơn giản nhưng hiệu quả đó, từ năm 2005-2010, ông Đức đã dành dụm tiền mua thêm của 3 hộ nông dân sản xuất liền kề với rẫy của mình được 1,4ha đất nữa để có được 2,2ha đất liền canh trồng lagim như bây giờ, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/năm. “Lúc đó nhiều người nói tôi liều lĩnh, mới cưới vợ mà nợ như “chúa chổm”. Dù vậy, tôi cũng cố mua cho được nhiều đất, cứ lấy lãi vụ lagim trước và sổ đỏ cầm ngân hàng lấy tiền trả cho số đất mua sau nên đâu cũng vào đó” - ông Đức giải thích thêm.
Tuy vậy, chẳng mấy ai biết tiền chi phí trong gia đình, tiền trả công cải tạo đất, chăm sóc cây trồng phải lấy từ đâu khi cuối vụ mới có lãi trả nợ. Theo ông Đức, thời điểm đó chính vợ ông (bà Thủy Tiên) làm thợ may đã cật lực làm việc để bù đắp vào. Năm nào ông đầu tư lớn thì coi như năm đó bà Thủy Tiên nhiều đêm thức trắng, nhận may đồ nhiều hơn để lấy tiền công cho chồng đầu tư, không để người ta tới nhà hỏi nợ, đòi nợ dây dưa. Đặc biệt, vụ cải xanh (loại muối dưa) vụ cận Tết năm 2018, vợ chồng ông lãi tới 450 triệu đồng, trong khi vốn bỏ ra đầu tư trên 2,2ha đất chỉ có 50 triệu đồng.
* Cùng nông dân trồng rau sạch
Đất tổ 9, ấp Tân Hòa cũng thuộc loại đất xấu như các khu vực khác của xã Xuân Thành. Tuy nhiên, vùng đất này hơn các nơi khác ở đặc điểm nguồn nước ngầm tuy phải khoan sâu 30-40m nhưng dễ tìm kiếm. Chính vì vậy, khi thấy nông dân Phạm Thiên Đức làm giàu từ việc trồng lagim, nhiều nông dân khác bắt đầu trồng và làm theo.
Nông dân Phạm Thiên Đức (giữa) trao đổi với các nông dân trong vùng về quy trình phòng trừ sâu bệnh trước khi xuống giống đồng loạt. Ảnh: Đ.Phú |
Nông dân Hai Quốc (ngụ tổ 9, ấp Tân Hòa) cho biết, từ ngày thấy nông dân Phạm Thiên Đức tuổi trẻ nhưng biết cách cải tạo đất xấu thành đất tốt, trồng rau sạch đến đâu bán hết đến đó, nhiều nông dân trong vùng bắt chước làm theo. Nhờ vậy, nay khu vực này có gần 15 hộ/10ha trồng lagim và ai cũng khá giả, nuôi con ăn học đại học.
“Trước kia đất xấu và đá nhiều quá nông dân chúng tôi chỉ trồng mì, bắp, điều nên thu nhập rất bấp bênh. Chính vì vậy, mọi người bỏ đất, bán đất lo kiếm việc bên ngoài như: thợ hồ, làm thuê để giải quyết cuộc sống trước mắt” - ông Hai Quốc bộc bạch.
Điều mà nông dân trong vùng thường học hỏi ông Đức là cách trồng lagim sạch. Kinh nghiệm của ông Đức trước hết là xử lý đất và môi trường xung quanh thật sạch nhằm tiêu diệt hết các mầm bệnh gây hại rồi mới xuống giống. Trước thời gian thu hoạch 15 ngày, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. “Thà rút ngắn thời gian thu hoạch lại, năng suất có giảm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng rau, trái sạch cho người tiêu dùng” - ông Đức chia sẻ.
Thấy cách làm hay của nông dân Phạm Thiên Đức trong trồng lagim sạch nên ông Hai Quốc và các nông dân khác mạnh dạn cải tạo đất và chuyển đổi các cây trồng kém năng suất sang trồng lagim. Do tất cả đồng thuận cùng chuyển đổi nên vùng đất đá ở tổ 9, ấp Tân Hòa nhanh chóng trở thành vùng chuyên trồng lagim.
Ông Bảy Ái (ngụ tổ 9, ấp Tân Hòa) bày tỏ, vì mọi người đồng lòng xuống giống cùng một loại cây/vụ nên mối lái đánh xe vào tận rẫy thu mua và mua được giá cao hơn các nơi khác nhờ số nhiều, chất lượng hàng đồng đều. Đặc biệt, do cùng một loại cây/vụ, tất cả cùng xuống giống vào một thời điểm nên việc phòng bệnh chung rất thuận tiện.
Cũng chính vì vận động nông dân cùng làm như mình nên ông Đức thường xuyên có mặt ngoài vườn để quan sát sâu bệnh nhằm tìm cách phòng trừ hợp lý, không cho lây lan. Ông Đức cho biết, chỉ một vườn bị sâu bệnh tấn công mà không phòng trừ kịp thì nó phát tán sang các vườn khác. Cho nên, vườn lagim của ông xanh tốt thì các vườn khác cũng tươi tốt. Vì vậy, thương lái rất thích tới đây nhập hàng hoặc bỏ vốn ra đầu tư cho nhà nông làm để có nguồn thu mua ổn định.
Ngoài cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, 2,2ha vườn lagim của nông dân Phạm Thiên Đức còn giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 6-10 lao động/năm. |
Đoàn Phú