Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp sức đưa ấp Suối Đục phát triển

07:09, 09/09/2022

Hàng chục năm sinh sống và gắn bó với vùng đất ấp Suối Đục (xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ), Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Nguyễn Văn Lãnh (55 tuổi) được đông đảo người dân nơi đây tin tưởng, quý mến.

Hàng chục năm sinh sống và gắn bó với vùng đất ấp Suối Đục (xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ), Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Nguyễn Văn Lãnh (55 tuổi) được đông đảo người dân nơi đây tin tưởng, quý mến.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Đục, xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Lãnh (trái) trao đổi công việc ấp với Trưởng ấp Suối Đục Tsần Cùn Giễng. Ảnh: Đoàn Phú
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Đục, xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Lãnh (trái) trao đổi công việc ấp với Trưởng ấp Suối Đục Tsần Cùn Giễng. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Lãnh bộc bạch, ấp Suối Đục có 163 hộ dân thì đồng bào người Hoa chiếm trên 90%. Đa phần người dân ở đây sống rất đoàn kết, trách nhiệm với các phong trào của địa phương.

* Tạo cơ nghiệp từ 2 bàn tay trắng

Những năm 1982, khi về vùng đất Suối Đục khai khẩn đất hoang, ông Lãnh chỉ là cậu thiếu niên 15 tuổi. Tuy vậy, với sức vóc của thiếu niên miền biển tỉnh Quảng Trị, ông Lãnh khỏe không thua kém thanh niên địa phương, nhiều năm tự thân khai khẩn đất hoang, ông đã “biến” 1,7ha đất hoang hóa thành rẫy bắp, đậu, mì xanh tốt. Cho nên, lớp thanh niên đồng bào người dân tộc Hoa thời đó rất ngưỡng mộ ý chí và sự siêng năng của ông.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sông Nhạn NGUYỄN VĂN DƯƠNG tâm sự, ấp Suối Đục có được cán bộ Mặt trận tích cực như ông Nguyễn Văn Lãnh đó là niềm tự hào của người dân. Còn với Mặt trận xã, đó là cánh tay nối dài trong việc tập hợp, quy tụ sự đoàn kết hướng về niềm tin, sự phát triển của địa phương.

Ông Chề Hồng Quyết (ngụ tổ 5, ấp Suối Đục) cho biết, trẻ em trong vùng tầm 10-12 tuổi thời đó đã biết phụ cha mẹ việc rẫy vườn, nhưng chỉ làm những chuyện lặt vặt. Còn ở tuổi 15 tự lập, bám rừng như ông Lãnh thì thiếu niên trong vùng lúc đó chưa ai làm được. Cho nên, người dân nơi đây hay lấy gương của ông Lãnh để dạy cho thanh niên mới lớn cần siêng năng, yêu lao động thì tương lai sau này mới được sung túc.

Mặc dù đời sống kinh tế của dân di cư tự do và đồng bào dân tộc Hoa ở ấp Suối Đục thời kỳ mới khai hoang, lập nghiệp còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng ông Lãnh vẫn vui vẻ, lạc quan, cùng với những người Hoa uy tín, hiểu biết cuộc sống trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế, giúp nhau ngày công lao động, nhất là những hộ đến sau còn khó khăn.

“Lúc đó, ngoài cây trồng trên rẫy chờ đến ngày thu hoạch, đa phần nông dân ấp Suối Đục chẳng có nhiều nông sản, tài sản để dành trong nhà nên việc giúp nhau vài ngày công, hạt, cây giống, sửa lại mái nhà, hay cùng nhau vui ly rượu khi gia đình có hiếu hỉ rất ý nghĩa” - ông Lãnh bày tỏ.

Vì sống gần gũi, chân tình với người dân trong ấp, năm 2013, sau thời gian tham gia công tác tổ nhân dân, Phó chi hội đoàn thể ấp Suối Đục thì ông Lãnh được MTTQ xã Sông Nhạn và người dân nơi đây tín nhiệm bầu giữ nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Đục. Ông Lãnh tâm sự, qua thời hàn vi, bà con đã quá hiểu nhau nên tín nhiệm bầu thì ông nhận. Ông từ chối nhận lời là thiếu trách nhiệm với tình yêu thương mà họ dành cho ông.

1,7ha đất mà cậu thiếu niên Lãnh khai hoang được ngày nào, nay được ông chia ra làm 3 khu vực sản xuất để mọi người có thể nhìn thấy mà học tập, làm theo. Ông Lãnh cho biết, 8 sào đất đồi cao, thiếu nước thì ông trồng tràm lấy gỗ, 5 sào đất bán ngập thì ông trồng tre lấy măng, 4 sào đất bằng phẳng, đẹp, đủ nước tưới, thuận tiện giao thông thì ông làm nơi ở và kết hợp với chăn nuôi bò, heo, dê, gà. Nguồn thu từ 3 mô hình này đảm bảo cho ông nuôi được 6 người con, trong đó 2 con học đại học.

* Vận động dân giữ đất, phát triển kinh tế

Những cái tên nông dân người Hoa ở ấp Suối Đục lớn hơn hoặc nhỏ hơn và xem xém độ tuổi với ông mà ông Lãnh đưa chúng tôi đi thăm như: Trưởng ấp Tsần Cún Giễng, Tìn Nhịt Tắc, Chu A Xám (tổ 3), Lương Cẩm Pẩu, Chề Hồng Quyết, Tìn Cống Rồng (tổ 5)… nay ai cũng khá giả và là nông dân sản xuất giỏi của xã, huyện. Chính vì vậy, dù vài ngày được gặp nhau nhưng khi nhắc lại chuyện xưa cũ, thuở hàn vi, tất cả mọi người đều đề nghị phải ngồi lại thật lâu mới kể được chi tiết.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Đục Nguyễn Văn Lãnh cùng người dân dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh trên địa bàn ấp. Ảnh: Đoàn Phú
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Đục Nguyễn Văn Lãnh cùng người dân dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh trên địa bàn ấp. Ảnh: Đoàn Phú

Trưởng ấp Suối Đục Tsần Cún Giễng cho biết, xã Sông Nhạn có 8 ấp, ấp Suối Đục là ấp có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn các ấp khác trong xã. Trước năm 2018, khi xã Sông Nhạn chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì khó khăn nhất của ấp là giao thông nông thôn. Đường chưa được bê tông xi măng thì chuyện đi học của con em, vận chuyển nông sản ra bên ngoài của bà con luôn bị trở ngại.

Chính vì vậy, năm 2013, khi ông Lãnh được bầu giữ nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, việc các ông cần phối hợp làm trước tiên là đường giao thông. Từ năm 2013-2022, các ông đã vận động người dân trong ấp làm được 5km đường xi măng theo hình thức dân góp 20%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 80%; cứng hóa được trên 8km đường dân sinh khác. Đặc biệt, vận động được hàng chục hộ dân hiến trên 2ha đất khi mở rộng, nâng cấp các tuyến đường cũ.

Lo đường thôi chưa đủ, Trưởng ấp Giễng cùng ông Lãnh và chi bộ, Đoàn thanh niên trong ấp còn nhiều đêm bên nhau họp bàn tìm các giải pháp để đưa ấp Suối Đục theo kịp các ấp khác trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các ông đã vận động người dân trong ấp sửa và xây dựng nhà cho dân được 40 căn, trị giá 40 triệu đồng/căn; trồng cây và kéo điện thắp sáng được trên 2km tuyến đường trong ấp; mở được 1 tổ đan lưới với 20 thành viên, trên 10 lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi; xóa được trên 20 hộ nghèo…

Rồi luồng “gió độc” lướt qua ấp Suối Đục khi nhiều người vào Suối Đục đầu cơ đất đai để “lướt sóng”, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp gây xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương, cũng như kế hoạch, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của xã. Trước vấn nạn này, ông Lãnh cùng cán bộ ấp, tổ nhân dân tất bật xuống dân tuyên truyền, phân tích thiệt hơn nếu bán đất đi nơi khác sinh sống hoặc chỉ chừa lại phần nhỏ sản xuất thì tiền tỷ trong túi chỉ là giàu trước mắt, nhưng nghèo khó trong tương lai khi không biết cách làm đồng tiền sinh lãi. Vậy là dân nghe, làm theo, vấn đề bán đất không còn là điểm “nóng” tại ấp Suối Đục.

Năm 2020, Trưởng ban Công tác Mặt trận NGUYỄN VĂN LÃNH được Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận tại ấp Suối Đục. Đặc biệt, trong các năm 2019-2021, ông được Mặt trận các cấp và địa phương khen về thành tích vận động nhân dân ấp Suối Đục trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trợ giúp xã hội.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều