Đối với những người mê sưu tầm đồng hồ cổ, những chiếc đồng hồ có tuổi thọ từ vài chục năm đến cả trăm năm với nhiều kiểu dáng độc đáo luôn có một sức hút riêng. Giá trị của đồng hồ cổ không chỉ bởi số tiền bỏ ra lớn để mua mà điều đặc biệt là mỗi chiếc đồng hồ lại có một câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Đối với những người mê sưu tầm đồng hồ cổ, những chiếc đồng hồ có tuổi thọ từ vài chục năm đến cả trăm năm với nhiều kiểu dáng độc đáo luôn có một sức hút riêng. Giá trị của đồng hồ cổ không chỉ bởi số tiền bỏ ra lớn để mua mà điều đặc biệt là mỗi chiếc đồng hồ lại có một câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bên chiếc đồng hồ cổ được sản xuất từ những năm 1930-1940. Ảnh: Thanh Hải |
Trong giới sưu tầm đồng hồ cổ, những chiếc đồng hồ cây, để bàn, treo tường cổ sở dĩ được nhiều người ưa chuộng bởi có thể phát ra những âm thanh riêng biệt, làm say đắm lòng người.
* Đam mê hoài cổ
Trên thị trường, đồng hồ có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau như: Đức, Pháp, Italy, Thụy Sĩ, Hà Lan… Trong số đó, có những chiếc tuổi đời trên dưới trăm năm như bộ đồng hồ cổ của Đức, đồng hồ hiệu ODO của Pháp. Mỗi dòng đồng hồ ở mỗi quốc gia và từng niên đại có những nét độc đáo riêng với hoa văn, họa tiết trang trí được chế tác cầu kỳ, tinh xảo, hoạt động rất chính xác.
Một số người đam mê sưu tập và kinh doanh đồng hồ cổ ở TP.Biên Hòa cho rằng, dù có nhiều chủng loại và nguồn gốc nhưng giá trị và được ưa chuộng nhất phải kể đến đồng hồ sản xuất từ Pháp. Đa số đồng hồ từ đất nước này làm bằng phương pháp thủ công nên máy tốt, kỹ thuật tinh xảo và độ bền bỉ vượt thời gian. Chất liệu quả lắc rất đa dạng từ hợp kim, đồng, mạ vàng hay vàng, bạc. Trong khi đó lớp vỏ bên ngoài được làm từ gỗ, hợp kim, có khảm trang trí bằng kim loại quý nên rất có giá trị.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra việc săn tìm, nhập nguồn hàng khá thuận lợi nhưng khoảng 2 năm nay thì công việc này “đóng băng”. Hiện tại, tôi có hàng chục dòng đồng hồ khác nhau trị giá từ vài chục triệu đến 100-200 triệu đồng, cá biệt có một số chiếc trên 200 triệu đồng. Khách hàng không chỉ giới hạn ở Đồng Nai, TP.HCM mà còn cả ở các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh…”. |
Ông Trần Ngọc Thân (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện đồng hồ cổ còn lưu hành chủ yếu được sản xuất từ thế kỷ XIX, XX mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của châu Âu thể hiện sự hài hòa giữa nghệ thuật và khoa học. Hoa văn, đường nét, bố cục trên mỗi chiếc đồng hồ theo phong cách phục hưng từ những bức tượng của các vị thần Hy Lạp, các nhà tư tưởng, nhà khoa học vĩ đại, các thiên thần…
Theo ông Thân, thú chơi đồng hồ cổ đem lại cho người chơi rất nhiều điều thú vị. Những chiếc đồng hồ cổ châu Âu đã ngưng sản xuất nên ngày càng trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu của người chơi ngày càng nhiều. Điều này khiến cho giá trị của đồng hồ luôn giữ được và tăng dần theo thời gian.
“Thú chơi này cũng lắm công phu, để theo đuổi niềm đam mê sưu tập đồng hồ cổ, tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc bởi loại đồng hồ này hiếm và đắt tiền. Nghe tin ở đâu có đồng hồ cổ là tôi tìm đến để mua, có những chiếc phải thuyết phục mãi thì người ta mới bán. Có chiếc tôi phải nhờ người thân ở nước ngoài mua hộ” - ông Thân bộc bạch.
Chiếc đồng hồ hiệu Original Kieninger do Đức sản xuất vào năm 1940 là một trong những dòng đồng hồ để bàn hiếm có trên thị trường hiện nay. Ảnh: Thanh Hải |
Ông Thân cho biết thêm, mỗi chiếc đồng hồ đều mang trong mình câu chuyện riêng của người tạo ra nó cũng như của lịch sử mà nó đã trải qua rất hấp dẫn. Tại Việt Nam, những chiếc ODO 24, ODO 30, ODO 36, ODO 40… (tương ứng với năm sản xuất 1924, 1930, 1936, 1940) gắn với những dấu mốc lịch sử người Pháp và liên quan tới Việt Nam. Đây là những chiếc đồng hồ theo chân người Pháp vào nước ta qua các thương nhân, tàu buôn và những người có địa vị trong xã hội.
Trong quá trình sưu tập, người chơi có thể gặp những chiếc đồng hồ mà không có hoặc không thể tìm được chiếc thứ 2 như vậy. Việc sở hữu đồng hồ độc nhất khẳng định độ chịu chơi và đẳng cấp của người sưu tập nó. Có người đam mê sự hoài cổ của các dòng đồng hồ này mà mất ăn mất ngủ. Một khi đã sở hữu được chiếc đồng hồ quý hiếm thì dù có ai trả giá cao cũng không bán mà quyết giữ lại cho riêng mình.
* Âm thanh - “linh hồn” của đồng hồ cổ
Anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), một người sưu tầm và kinh doanh đồng hồ cổ có tiếng ở TP.Biên Hòa chia sẻ, từ những năm còn học THCS anh đã biết đến đồng hồ cổ nhờ sự chỉ dạy của ba mình. Từ đó, anh đam mê và gắn bó với công việc này.
Đồng hồ cổ được nâng niu, bảo vệ cẩn thận để đảm bảo chất lượng và độ bền theo thời gian. Ảnh: Thanh Hải |
Theo anh Đoàn, sưu tập đồng hồ cổ đòi hỏi người chơi phải có sự hiểu biết về nguồn gốc xuất xứ, am tường kỹ thuật sản xuất, chất liệu, âm thanh của từng dòng đồng hồ. Đồng hồ không đơn thuần là món đồ để cho ta biết thời gian, mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật lưu lại những nét đẹp từ quá khứ, có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.
Không những nổi tiếng trong giới sưu tầm, kinh doanh đồng hồ cổ, anh Đoàn còn là người thợ sửa chữa đồng hồ có tiếng. Bởi anh luôn gắn bó với những chiếc đồng hồ cổ, hiểu rõ và nắm bắt nguyên lý hoạt động của từng loại, cộng với bàn tay khéo léo của một người thợ, anh đã làm hồi sinh nhiều chiếc đồng hồ hỏng, vỏ bên ngoài đã xuống cấp, thay đổi hình dạng.
Ngoài chất liệu, công nghệ hay tuổi của đồng hồ thì âm thanh của mỗi chiếc đồng hồ cổ có sức mê hoặc khó cưỡng. Nói cách khác, tiếng nhạc chính là linh hồn của đồng hồ. Đồng hồ Đức thì lảnh lót như những bài thánh ca, đồng hồ ODO của Pháp lại ngân nga những bản nhạc cổ điển. Nếu so về chất âm thanh của 2 dòng đồng hồ trên thì đồng hồ của Pháp có phần nhỉnh hơn.
Trong khi đó, quyết định âm thanh của đồng hồ không chỉ từ chất liệu làm nên các chi tiết máy mà còn phụ thuộc rất lớn vào từng loại vỏ. Gỗ làm vỏ phải là cây lâu năm, không được ẩm để âm thanh khi phát ra có độ nén nhất định. Khi đó tiếng kêu từ chuông đồng hồ sẽ vang, tạo ra âm thanh lúc trầm lúc bổng.
“Nhiều người mê đồng hồ chỉ vì tiếng kêu của nó. Có những chiếc đồng hồ có mặt trên thị trường cả trăm năm nhưng tiếng chuông không ấn tượng thì giá vẫn thấp hơn loại tuổi thọ 50-70 năm. Do đó, ngoài độ hiếm, cổ thì âm thanh của đồng hồ rất quan trọng. Nhiều người nghe mãi thành ghiền, cứ đến giờ điểm chuông là phải ngồi nghe mới thực sự đã tai” - anh Đoàn tâm sự.
Trên thị trường buôn bán đồng hồ cổ, tùy theo chất lượng của vỏ đồng hồ có còn sử dụng được không mà đồng hồ cổ nhập từ nước ngoài về theo 2 dạng: chỉ lấy bộ máy, quả lắc hoặc nhập nguyên chiếc. Vỏ đồng hồ có thể được thiết kế, “độ” lại kiểu dáng, hoa văn, chất liệu theo sở thích của người chơi từ hơi hướng hoài cổ đến tối giản. |
Thanh Hải