3 giờ sáng, bà Trần Thị Dịu (59 tuổi, quê TP.Cần Thơ) đã có mặt ở bãi rác tạm nằm trong lô cao su thuộc TT.Long Thành (H.Long Thành). Một số người khác có mặt sớm hơn do họ làm lán sống ở ngay bãi rác để đỡ mất tiền nhà trọ, không phải mất công đi lại. Đối với họ, mùi hôi nồng nặc của rác, tiếng vo ve của ruồi nhặng hay mảnh sành làm đứt chân tay là chuyện bình thường.
3 giờ sáng, bà Trần Thị Dịu (59 tuổi, quê TP.Cần Thơ) đã có mặt ở bãi rác tạm nằm trong lô cao su thuộc TT.Long Thành (H.Long Thành). Một số người khác có mặt sớm hơn do họ làm lán sống ở ngay bãi rác để đỡ mất tiền nhà trọ, không phải mất công đi lại. Đối với họ, mùi hôi nồng nặc của rác, tiếng vo ve của ruồi nhặng hay mảnh sành làm đứt chân tay là chuyện bình thường.
Nhiều người nhặt phế liệu tại bãi rác tạm trên địa bàn H.Long Thành. Ảnh: Lê An |
Bới rác tìm phế liệu là công việc cực nhọc, độc hại nhưng là sinh kế của nhiều người, nguồn sống của nhiều gia đình.
* Sống nhờ rác thải
Trò chuyện với chúng tôi, bà Dịu cho biết, bà được xây nhà tình thương ở dưới quê nhưng chẳng mấy khi ở. Nhanh thì 1 năm, lâu thì vài năm mới trở về quê.
Bà Dịu kể, đầu những năm 2000, bà rời quê theo người quen đi nhặt phế liệu ở các bãi rác tại nhiều tỉnh, thành khác nhau, khi thì ở TP.Đà Lạt, TP.Đà Nẵng, lúc về TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khoảng năm 2012, bà Dịu cùng chồng đến Đồng Nai. Lúc đầu, họ quây bạt tá túc ở ngay bãi rác tạm trong lô cao su ở H.Long Thành. Sau này, bãi rác chuyển đi nơi khác, bà được một ngôi chùa cho dựng lều ở nhờ. Con, rồi cháu bà Dịu cũng theo nhau lên đây. Hiện gia đình bà Dịu có 11 người thuộc ba thế hệ cùng nhặt rác kiếm sống.
Mỗi ngày, bà Dịu đều thức dậy từ rất sớm, nấu cơm xong thì gọi chồng dậy cùng ra bãi trung chuyển rác cũng trong lô cao su ở H.Long Thành. Công việc của vợ chồng bà thường bắt đầu từ 3 giờ sáng. Có khi đến nơi đã có xe ba gác chở rác đến, cũng có khi phải chờ 1-2 giờ sau mới có rác để nhặt. Những lúc như vậy, hai ông bà thường tranh thủ ăn cơm hoặc chợp mắt thêm một lúc trên chiếc võng dù mang theo.
Nghe tiếng xe chở rác từ xa, vợ chồng bà Dịu nhanh chóng mang đồ bảo hộ, đội đèn pin lên đầu, một tay cầm cây bằng sắt, một tay kéo theo bao tải lớn bới tìm những chai lọ, giấy vụn, túi ny-lông và cơm thừa. Khi trời sáng, các xe chở rác thưa dần, vợ chồng bà đổ tất cả những thứ nhặt nhạnh được để phân loại, đóng bao hoặc mang phơi. “Nếu khỏe mạnh, chăm chỉ cũng kiếm được 50-70 ngàn đồng/ngày. Dù sao cũng hơn ở dưới quê không có việc làm, không có thu nhập” - bà Dịu nói.
Những đứa trẻ tại khu vực một bãi rác tạm trên địa bàn H.Long Thành. Ảnh: Lê An |
Chị Nguyễn Thị Thắm, con dâu của bà Dịu mới 23 tuổi đã sinh 3 con, người con nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi đã phải theo mẹ ra bãi rác vì cuộc mưu sinh. Chỉ lúc rảnh hoặc khi con khóc, chị Thắm mới ở với đứa bé vài phút rồi phải đi ngay. Đến cả việc ru con ngủ cũng không có thời gian.
Chị Thắm tâm sự, gia đình chị đã nghèo, nhà chồng còn nghèo hơn. Bản thân chồng của chị không được nhanh nhẹn nên việc lớn việc nhỏ đều một tay chị lo liệu. Lúc trước, chị đi cắt lúa, trông đùng thủy sản thuê ở Cà Mau. Khi có con, cả nhà theo ông bà nội lên Đồng Nai nhặt phế liệu. “Tôi cũng muốn đi làm gì đó để có thu nhập khá hơn nhưng con đông, không ai trông giữ nên cứ bám lấy bãi rác này” - chị Thắm tâm sự.
Tại các bãi rác tạm, không khó để bắt gặp những hoàn cảnh như bà Dịu, chị Thắm. Họ chủ yếu là người tha hương, không nghề nghiệp, không có đất sản xuất, lớn tuổi hoặc không có đủ hồ sơ để xin việc trong công ty. Họ chấp nhận công việc vừa nhọc nhằn, vừa độc hại vì có thu nhập mỗi ngày, không bị ràng buộc thời gian, sức khỏe, tuổi tác.
* Vất vả mưu sinh
Bên trong căn lều vừa là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt vừa là nơi chứa phế liệu, chị Thắm kể, nhiều hôm, vừa giở áo cho con bú thì xe chở rác vào bãi, chị buộc phải để con nằm một mình. Đến khi quay lại con đã ngủ say. Lại có khi, cả nhà vừa bày cơm ra ăn thì xe chở rác đến, hai vợ chồng phải bỏ bữa chạy đi ngay, vì chậm chân người khác nhặt hết phế liệu hoặc xe tải đến hốt rác chở đến bãi rác sẽ không còn gì để nhặt. Hai người con lớn của chị Thắm mới học lớp 2 và học hết lớp mầm đều đã nghỉ học.
Bữa cơm trưa ngoài lán của những người làm nghề nhặt phế liệu. Ảnh: Lê An |
Chị Lê Thị Hậu (quê tỉnh Kiên Giang) làm nghề nhặt rác nhiều năm ở bãi rác tạm này trải lòng, xe ba gác không chỉ chở rác mà còn chở theo “hy vọng” cho nhiều người, trong đó có bà. Mỗi khi có xe chở rác đến, bà đều cố gắng nhặt không sót vỏ lon, chai mủ, giấy vụn, mảnh sành vỡ, thậm chí cả đồ ăn thừa miễn sao bán được tiền. Thường ngày bà Hậu kiếm được 60-70 ngàn đồng, dạo Tết có khi được vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có ngày bà chỉ nhặt phế liệu bán được khoảng 30 ngàn đồng.
Vài năm trở lại đây, nghề bới rác tìm phế liệu không kiếm được nhiều tiền như trước, phần vì nhà nào cũng có thói quen gom phế liệu để bán, phần vì một số người đi theo chở rác đã lượm trước khi rác được đưa ra bãi.
Những người bới rác nhặt phế liệu cho biết, công việc của họ rất vất vả, gần như không có thời gian ngơi tay. Khi thì nhặt rác, phân loại, phơi rác, lúc thì may bao tải để chứa phế liệu. Nữ giới vừa nhặt rác vừa làm nội trợ, chăm con, cánh đàn ông thì đào bới, nhặt rác, đi kiếm củi và chở nước từ nhà dân về để sinh hoạt. Ngày nắng cũng như ngày mưa, thời gian họ ở bãi rác nhiều hơn ở trong lều, trong lán. Khi mệt mỏi, họ cũng chỉ uống vài viên thuốc mua ở tiệm chứ không dám đi khám bệnh hay nằm nghỉ vì sợ không có tiền lo cho gia đình.
Bà Trần Thị Dịu (quê TP.Cần Thơ) tranh thủ may bao tải chứa phế liệu trong lúc chờ xe rác tới. Ảnh: Lê An |
Mặc dù vất vả, nhọc nhằn là thế, nhưng không phải ai muốn vào bãi nhặt rác cũng được. Thông thường, mỗi nhóm có một “địa bàn” cố định. Họ được sự cho phép của đơn vị thầu và phải đảm bảo không nhặt rác khi có phương tiện, máy móc đang làm việc, không làm vương vãi rác ra xung quanh. Người mới, người không quen biết cũng khó vào làm ở bãi rác.
Mặt trời đã đứng bóng trên ngọn cây cao su đang mùa rụng lá, bà Dịu lấy kim chỉ ra may thêm vài bao tải rồi chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán 2021, lại một năm nữa vợ chồng bà không về quê. Khu vực chứa phế liệu của vợ chồng bà đã trải dài đến vài chục mét nhưng vẫn chưa có người đến thu mua. Bà đã gọi điện cho mối nhưng vì các cơ sở tái chế chưa xuất được hàng nên họ chưa đến cân. Cuộc sống của đôi vợ chồng già vốn tạm bợ nay càng phải “chi li” hơn.
Bãi rác tạm chỗ bà Dịu làm có hơn 10 hộ gia đình thuộc 2 nhóm, gần 40 người cả lớn lẫn nhỏ. Mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng ở họ đều có điểm chung là nghèo. Họ không có nghề nghiệp, không có đất. Họ nhặt rác không chỉ để nuôi bản thân mà còn nuôi cả gia đình.
Lê An