Nắng tháng 3 làm cạn kiệt mạch nước ngầm tất cả các giếng khoan, giếng đào của đồng bào dân tộc S'tiêng ở sóc Ba Buông (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc). Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của người dân, Đoàn Thanh niên xã Xuân Hòa đã tổ chức đưa nước sạch về tận sóc cho bà con.
Nắng tháng 3 làm cạn kiệt mạch nước ngầm tất cả các giếng khoan, giếng đào của đồng bào dân tộc S’tiêng ở sóc Ba Buông (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc). Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của người dân, Đoàn Thanh niên xã Xuân Hòa đã tổ chức đưa nước sạch về tận sóc cho bà con.
Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) Đặng Quốc Lộc (bìa phải) bơm nước vào các vật dụng chứa nước cho đồng bào dân tộc S’Tiêng ở sóc Ba Buông. Ảnh: Đ.Phú |
“Xe chở nước của Đoàn tới rồi. Bà con tranh thủ ra nhận nước để các cháu đoàn viên còn di chuyển cung cấp nước cho các điểm khác” - già làng Điểu Phê hối thúc dân làng.
* Giọt nước nghĩa tình
Sáng nào cũng vậy, kể từ khi giếng khoan, giếng đào trong sóc Ba Buông rỉ rả những giọt nước phèn vàng kịt, già làng Điểu Phê đều có mặt tại điểm cung cấp nước sạch tại Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng để thúc giục người dân đến nhận nước sạch từ xe bồn của HTX Vệ sinh môi trường Xuân Hòa đúng giờ. Già làng Điểu Phê còn nhắc nhở người dân sử dụng xô, can nhựa nhận nước cẩn thận không để nước sạch đổ ra bên ngoài.
Năm 1995, làng dân tộc S’tiêng ở sóc Ba Buông được thành lập và quy tụ trên 30 hộ đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống tại sóc Vàng (xã Minh Hưng, H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), sóc Bờ Nông (xã Lộc Quan, H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) và quanh khu vực núi Mây Tàu (tỉnh Bình Thuận) về định canh, định cư. Trong quá trình định cư, đồng bào được chính quyền xã Xuân Hòa xây dựng con đập chặn nguồn nước từ suối Gia Ui qua làng để lấy nước sinh hoạt, tưới tiêu.
Năm 2014, nguồn nước suối này bị ô nhiễm do các hộ chăn nuôi xả thải. Cho nên, đồng bào chuyển sang sử dụng nguồn nước từ các giếng gia đình và do chương trình nước sạch của xã Xuân Hòa đầu tư. “Nước giếng chỉ có vào mùa mưa. Mùa khô thì khô kiệt, đồng bào chỉ bơm được chút ít lên bể bê tông và lắng lọc mới dùng được vào việc tắm giặt. Còn nước để ăn, uống thì phải mua từ bên ngoài vào” - già Điểu Phê nói.
Nước sạch được bà Thị Phơ trữ trong thùng nhựa để sử dụng. Ảnh: Đ.Phú |
Mức giá nước từ bên ngoài chở vào bán cho đồng bào S’tiêng sóc Ba Buông mùa nắng khá cao, từ 100-120 ngàn đồng/m3. Thấy sóc Ba Buông còn nhiều khó khăn mà người dân còn phải tốn tiền mua nước sạch sử dụng nên vào năm 2014, Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa Đặng Quốc Lộc đề xuất với lãnh đạo xã cho phép Đoàn triển khai chương trình đưa nước sạch về cho sóc vào mùa khô.
“Chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình vào mùa khô năm 2014. Mỗi ngày chở trên 10 chuyến, mỗi chuyến được 500 lít. Thời gian đầu, nước được để trên rơ-moóc xe ba gác và chúng tôi sử dụng xe máy thay phiên nhau kéo vào sóc cung cấp cho dân” - Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa Đặng Quốc Lộc kể.
Nhận thấy việc làm của Đoàn xã tuy ý nghĩa nhưng chưa thật sự đáp ứng được tình trạng “khát nước” sạch mùa khô hạn cho đồng bào S’tiêng ở sóc Ba Buông và một số khu dân cư khác trên tuyến đường từ trung tâm xã vào sóc Ba Buông dài trên 7km, năm 2015, UBND xã Xuân Hòa đề nghị Đoàn xã triển khai chương trình cấp nước sạch với quy mô lớn hơn và số lượng dân được thụ hưởng lên tới 200 hộ. Nước được chở bằng rơ-moóc máy cày, xe tải vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 trong tuần, kinh phí do UBND xã đề xuất từ huyện và vận động các mạnh thường quân.
“Nhờ vậy, suốt từ năm 2014 đến nay, đồng bào dân tộc ở sóc Ba Buông và nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường từ trung tâm xã vào sóc vào mùa khô không phải mua nước sạch với giá cao từ bên ngoài vào sử dụng” - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 2, xã Xuân Hòa Nguyễn Thị Yến bày tỏ.
* Cần kinh phí hoàn thiện hệ thống nước máy
Trước “sức ép” nước sạch sinh hoạt vào mùa khô cho dân, UBND xã Xuân Hòa khi chưa tìm được nguồn kinh phí đầu tư hệ thống nước sạch dọc tuyến đường từ UBND xã vào sóc Ba Buông dài trên 7km nên vận động được trên 120 hộ dân từ tổ 2 đến tổ 6 (ấp 2) tự bỏ kinh phí từ 6-10 triệu đồng/hộ kéo đường ống nước sạch dài 5km vào tới cầu Sông Uôi. Còn 2km nữa từ đầu sóc Ba Buông tới cuối sóc thì bị chựng lại, không triển khai được vì đồng bào không có kinh phí đóng góp.
Bà Thị Dum mang thau, xô đến lấy nước sạch tại một điểm lấy nước dọc đường. Ảnh: Đ.Phú |
Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Huỳnh Ngọc Tùng cho hay, kinh phí khoan giếng thì có nhưng không triển khai được vì mạch nước ngầm bị đứt vào mùa nắng. Do đó, song song với việc duy trì cấp nước cho đồng bào dân tộc S’tiêng ở sóc Ba Buông, UBND xã cũng kêu gọi sự hỗ trợ đầu tư hệ thống nước sạch từ các cấp, mạnh thường quân. Một khi có nguồn kinh phí tài trợ, địa phương sẽ kết nối với đường ống sẵn có thì đồng bào S’tiêng tại sóc Ba Buông ngay lập tức có nước sạch dùng quanh năm. Đoàn Thanh niên không còn phải chở từng bồn nước vào cho dân khi mùa nắng gắt kéo dài từ 2-3 tháng nữa.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Huỳnh Ngọc Tùng, để duy trì được việc cung cấp nước sạch cho trên 66 hộ/192 nhân khẩu tại sóc Ba Buông, địa phương phải dùng nguồn kinh phí 40-50 triệu đồng/năm. Đồng thời, dùng lực lượng Đoàn xã phân phối, vận chuyển nước. Nếu có được nhà tài trợ thì mơ ước có nước sạch sử dụng mùa nắng của đồng bào S’tiêng ở sóc Ba Buông mới được thực hiện một cách bền vững.
Rừng lá Xuân Hòa đã bước vào mùa nắng hạn gần 1 tháng qua, các con suối tự nhiên khô kiệt, nguồn nước ngầm dưới lòng đất nhanh chóng biến mất nên lu, bể trong nhà đồng bào S’tiêng sóc Ba Buông lúc nào cũng cạn nước. Tạm biệt Xuân Hòa, sóc Ba Buông và những con người S’tiêng da rám nắng, chúng tôi chỉ mong một ngày nào đó, nơi đây không còn cảnh bà con bày la liệt thau, xô ven đường để chờ xe nước sạch của Đoàn Thanh niên xã Xuân Hòa, mà nguồn nước sạch sẽ được kéo về tới tận sóc và các hộ dân.
“Để triển khai chương trình cấp đủ nước sạch miễn phí cho 66 hộ đồng bào S’tiêng tại sóc Ba Buông mỗi ngày, chúng tôi huy động 1 tổ 3-5 đoàn viên phối hợp với xe chở nước của HTX Vệ sinh môi trường Xuân Hòa. Sau khi bơm nước từ xe vào các xô, chậu cho dân tập trung tại các điểm từ đầu sóc tới cuối sóc, chúng tôi còn giúp những người già yếu mang nước về tận nhà” - Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa Đặng Quốc Lộc cho biết. |
Đoàn Phú