Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, thời điểm này thị trường hoa tết bắt đầu trở nên sôi động với những chuyến xe ngược xuôi đưa hoa từ các nơi vào Đồng Nai tiêu thụ. Tại nhiều cửa hàng, tuyến đường trên địa bàn tỉnh, các loại hoa, cây kiểng tết với đủ chủng loại, hình dáng phong phú được bày bán bắt mắt.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, thời điểm này thị trường hoa tết bắt đầu trở nên sôi động với những chuyến xe ngược xuôi đưa hoa từ các nơi vào Đồng Nai tiêu thụ. Tại nhiều cửa hàng, tuyến đường trên địa bàn tỉnh, các loại hoa, cây kiểng tết với đủ chủng loại, hình dáng phong phú được bày bán bắt mắt.
Khách chọn mua hoa, cây kiểng chưng tết tại chợ Hoa xuân ở Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải |
So với mọi năm, tại các chợ hoa xuân, số gian hàng bán hoa có ít hơn, lượng khách tham quan đông nhưng sức mua còn khá chậm...
* Sức mua còn chậm
TP.Biên Hòa vào dịp Tết thường có 2 chợ hoa lớn thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua bán là khu vực Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai và công viên B5 (bên cạnh khu di tích Nhà lao Tân Hiệp). Với diện tích rộng và gần trung tâm nên rất nhiều thương lái, chủ vựa hoa đã đánh hàng về đây tham gia chợ hoa tết.
Tại các chợ này có rất nhiều giống hoa, hoa đào từ miền Bắc chuyển vào, lan từ Tây nguyên đưa xuống, đến hoa và cây kiểng ở miền Tây mang lên. Ngoài ra, còn có thêm các cây kiểng như: quất, bưởi, quýt và các loài hoa khác cũng được bày bán phong phú. Tất cả tạo thành những chợ hoa muôn màu muôn sắc.
Ông Đinh Văn Hào (quê tỉnh Đồng Tháp) cho hay, năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là không chỉ các nhà vườn bận rộn, vất vả chăm lo cho hoa kiểng mà thương lái làm nghề buôn bán hoa tết cũng nhộn nhịp không kém. Nhiều người trước đó mấy tháng đã lùng sục khắp nơi để tuyển hàng đẹp và chất lượng rồi ngã giá, đặt cọc tiền. Riêng ông chỉ chuyên bán mai và cúc là 2 giống hoa mang đặc trưng ngày Tết của miền Nam.
Tết năm nay, ông tung ra thị trường khoảng 150 chậu hoa mai bon sai và mai thế. Giá hoa cũng dao động từ bình dân đến cao cấp để người mua có nhiều lựa chọn. Trong đó, những chậu mai có thế đẹp, nhiều năm tuổi có giá khá cao từ 5-20 triệu đồng/chậu.
Hai bên các tuyến đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Ái Quốc, Trần Quốc Toản, quốc lộ 1 (đoạn qua TP.Biên Hòa)... những ngày này, hoa và cây kiểng được kê ra tận mép đường để chờ bán tết. Chủng loại hoa vô cùng phong phú, có mức giá bán tăng khoảng 30% so với ngày thường và bằng so với cùng thời điểm Tết năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua những ngày gần đây còn chậm, khách hàng chủ yếu còn... dò giá.
Bà Nguyễn Thúy Hồng (chủ vựa hoa trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn gần cầu Săn Máu) cho biết, các loại hoa treo có giá từ 50-100 ngàn đồng/chậu; quất loại nhỏ và vừa có giá từ 700-800 ngàn đồng/chậu, quất loại cây lớn có giá từ 1-2 triệu đồng/chậu. Phong phú nhất là các loại hoa lan với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng/chậu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, bán được nhất vẫn là loại lan có giá từ 1-2 triệu đồng/chậu.
Năm nay, bà Hồng nhập về các giống lan từ giống ngoại đến trong nước. Theo chia sẻ của bà, những năm gần đây nhiều người chuyển từ chơi cúc, ly, mai, đào sang hoa lan nên loại cây này khá hút khách. Lan chơi lâu, màu sắc đa dạng và dễ kết vào chậu lớn, nhỏ tùy theo sở thích của người chơi. Quan trọng hơn, sau Tết hoa lan còn được nhiều người đem dưỡng hoặc bán lại cho các nhà vườn để chăm sóc cho những mùa hoa sau.
“Tết này, hoa về các chợ khá đa dạng với đủ chủng loại được bày bán. Ngoài những loại hoa quen thuộc như: hồng, cúc, ly, mai, đào... còn có nhiều loại hoa nhập khác như thanh liễu, tulíp, mai đỏ. So với năm ngoái, hiện tại giá hoa các loại không chênh lệch nhiều, số lượng người bán hoa tết cũng giảm, sức mua cũng chưa cao” - bà Hồng nói.
* Ngược xuôi mưu sinh những ngày giáp Tết
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng các loại hoa tết đúng như mong đợi của nông dân và thương lái. Trước Tết 1-2 tháng, thương lái từ khắp các nơi đã đổ về các vùng trồng hoa nổi tiếng đặt hàng với chủ vườn chờ đúng dịp Tết thì gom hàng đưa ra thị trường tiêu thụ.
Cúc trồng trong chậu được khách đặt mua nhiều. Ảnh chụp tại điểm bán hoa ở TT.Long Thành (H.Long Thành). Ảnh: T.Hải |
Ông Nguyễn Văn Dành (quê tỉnh Bình Định) cho hay, sau khi chốt được số lượng hàng, ông đã sớm liên hệ với các địa phương để tìm chỗ thuê địa điểm bán hoa. Đây là công đoạn quyết định sự thành công của nghề kinh doanh hoa. Những năm trước, ông “cắm chốt” ở các chợ hoa tại TP.HCM. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, Đồng Nai là nơi ông tin tưởng để đầu tư. Có năm ông bán ở TP.Long Khánh, có năm chạy về H.Long Thành còn năm nay tập trung ở chợ hoa công viên B5 của TP.Biên Hòa.
Có được mặt bằng đẹp, nhiều chủ vựa hoa lại phải tất tả thuê xe chở hoa đi bán. Mỗi chuyến hàng tùy quãng đường xa gần mà thương lái bỏ ra đủ loại chi phí từ thuê xe, nhân công chăm sóc, cộng thêm tiền công đưa hoa lên xuống xe mất vài triệu đồng nữa nên tính ra chi phí bỏ ra khá lớn.
“Nghề này khó đoán trước chuyện lời hay lỗ bởi thị trường quyết định tất cả. Nếu lấy tại vườn rẻ và bán giá mềm sẽ rất chạy hàng còn giá gốc cao thì chủ vựa muốn đẩy lên cũng khó. Thường chúng tôi chỉ bán thăm dò những ngày đầu, buôn bán đắt khách mới thuê xe chở lên bán tiếp, không thì dừng lại ở mức vừa phải để hàng được bán hết” - ông Hào bộc bạch.
Với người bán hoa, cây kiểng đến từ các địa phương khác, Tết còn là những bữa cơm vội hay giấc ngủ chập chờn ngay tại điểm bán hoa. Nhiều người mất ăn mất ngủ trông chờ vào “canh bạc” hoa tết. Gặp năm giá tốt, nhu cầu lớn, hàng có bao nhiêu đều bán sạch dù cách Tết cả chục ngày. Tuy nhiên, khi thị trường không chạy hàng thì cầm chắc lỗ, bởi tất cả vốn liếng đều đổ vào vụ hoa tết.
Bà Chu Thị Lan (quê tỉnh Long An) cho hay, ngày thường chỉ kinh doanh nhỏ, nhưng cứ đến Tết là có thêm nghề bán hoa, cây kiểng. Có những năm, tất cả mọi người trong gia đình đều tất bật ngược xuôi theo những chuyến xe chở hàng đi khắp các nơi tiêu thụ. Năm nay, dự báo nhu cầu giảm nên chuyện buôn bán vì thế cũng thu hẹp, hai vợ chồng chỉ lựa chọn họp chợ hoa xuân ở Đồng Nai.
“Mỗi năm chỉ có một vụ Tết, làm ăn cho cả năm nên dồn sức, dồn của để buôn bán chấp nhận một lời, một lỗ. Nghề này bây giờ cạnh tranh khốc liệt, nếu như trước đây người ta tập trung bán ở TP.HCM còn bây giờ trải dài khắp các nơi. Với thương lái chúng tôi, càng cận Tết càng hồi hộp, lo lắng chờ giá bán được đẩy lên cao, chạy hàng. Lúc đó, Tết mới thực sự bắt đầu” - bà Lan tâm sự.
Tết Nguyên đán Tân Sửu cận kề, sự nhộn nhịp và hối hả của người bán lẫn người mua đã tạo nên một bầu không khí tất bật khắp các chợ hoa. Đúng như tâm sự của những người làm nghề, dịp này người bán hoa, cây kiểng tết ai cũng mất ăn, mấy ngủ. Ngày thì tất bật buôn bán, đêm thức trắng chong đèn canh chừng hoa, chỉ mong mua may, bán đắt kịp về quê đón Tết với gia đình. Để năm sau, thương lái từ khắp nơi lại đổ về các đô thị lập chợ hoa tạo nên nét đẹp riêng có của ngày Tết.
Theo quy định, đúng 12 giờ trưa ngày 11-2 (tức 30 Tết) là thời điểm tất cả các tiểu thương chợ hoa xuân phải dọn dẹp gian hàng để bàn giao cho công nhân môi trường dọn dẹp, trả lại mặt bằng chuẩn bị đón năm mới Tân Sửu năm 2021. |
Thanh Hải