Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021, nhiều nhà vườn tung ra thị trường đủ loại giống hoa, cây kiểng nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, trong đó có những chậu cây bonsai với đủ hình dáng,...
Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021, nhiều nhà vườn tung ra thị trường đủ loại giống hoa, cây kiểng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, những chậu cây bonsai với đủ hình dáng, thế “độc” được coi là thu hút hơn cả. Để có những tác phẩm này, quá trình trồng, chăm sóc vô cùng vất vả và chỉ những người có tay nghề dày dạn kinh nghiệm mới làm được.
Sau công đoạn tạo dáng, cây kiểng sẽ được ông Lâm Nhân Hải (bên phải, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) đưa vào chậu để chăm sóc nhằm cho ra những thế cây đẹp, “độc”. Ảnh: Thanh Hải |
Vốn mê cây kiểng từ nhỏ, ông Lâm Nhân Hải (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) đã có kinh nghiệm dày dạn, gắn bó với bonsai hơn 20 năm nay. Với ông, bonsai được chia ra nhiều loại, mỗi chủng loại có cách chăm sóc riêng. Cây nào cũng có thể làm bonsai, ngay cả cây thân thảo, nếu biết cách thì vẫn cho ra thành quả đúng như ý muốn của người thợ.
* Phong phú kiểu dáng bonsai
Theo ông Hải, bonsai có nhiều nghĩa, tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản là cây kiểng được trồng trong chậu, khe đá, gốc cây… được cắt tỉa, uốn nắn từ rễ, thân, cành cho đến ngọn với dáng dấp, hình thái ấn tượng và bố cục hài hòa. Ngoài ra, bonsai có những dáng căn bản như: dáng trực (thẳng), trực lắc, dáng huyền (dáng xiêu), dáng bay, dáng đổ. Từ những dáng căn bản đó, người thợ có thể tạo ra nhiều dáng khác sao cho hợp với loại cây như: bạt phong (gió lùa), đổ treo, dáng rừng, dáng thiên nhiên…
“Nói về thế của cây kiểng thì có muôn hình, muôn vẻ khác nhau. Tùy vào loại cây và cách nhìn của người thợ để tạo ra thế cây mà mình ưng ý. Những loại cây thường được tạo ra bonsai phổ biến là mai chiếu thủy, linh sam, tùng, thông, kim quýt, nguyệt quế, mai vàng. Ngoài ra, những năm gần đây các loại cây me, cây khế, nhãn, vú sữa… cũng được các nghệ nhân sáng tạo theo phong cách bonsai” - ông Hải bộc bạch.
Những chậu bonsai đẹp có giá từ vài triệu đến trăm triệu đồng được nhiều người tìm mua vào dịp Tết Nguyên đán. Trong ảnh: Khách đến tham quan một vườn bonsai ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải |
Cũng là một chủ vườn cây kiểng có tiếng ở H.Trảng Bom, ông Đỗ Văn Miền (vườn kiểng Thế Hoan) đã gầy dựng cho mình một cơ ngơi về các loại cây bonsai đẹp và phong phú được nhiều người yêu thích. Qua đôi tay tài hoa của ông, những dòng bonsai “độc”, lạ có sức hút riêng mà không phải ai cũng làm được.
Ông Miền cho hay, để nuôi được những chậu bonsai giá trị cao, người trồng cần ít nhất vài năm, lâu có thể đến gần chục năm. Ngoài dòng cây kiểng lâu năm, ông còn làm dòng cây kiểng ghép với gốc cây rừng, ghép chồi của mai chiếu thủy. Tạo ra một gốc bonsai đẹp và có giá trị đòi hỏi quá trình dài hơi. Mỗi ngày tác động một ít, uốn từ gốc lên ngọn thì lâu dần cây mới cho ra dáng chuẩn. Đặc biệt, giá trị của bonsai không phụ thuộc vào độ lớn nhỏ của cây mà do đôi tay tài hoa của người thợ phải ép cho cây dần cằn cỗi, mang dấu tích thời gian tạo ra những thế, những dáng cây “độc”, lạ.
“Những gốc cây bình thường chỉ có giá vài chục ngàn đồng nhưng khi chăm sóc thành cây bonsai thì có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, tùy vào độ tuổi và thế cây. Thậm chí, những gốc cây khó uốn và thế đẹp giá có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Nhìn thấy cây sinh trưởng qua từng ngày, phát triển theo đúng ý của người tạo tác thì chẳng còn gì hạnh phúc hơn” - ông Miền nói.
* Bí quyết tạo dáng bonsai độc, lạ
Các thợ tạo dáng bonsai cho hay, với những cây thân thảo phải cần ít nhất 1 năm còn cây thân gỗ thì cần 2-5 năm mới có thể tạo hình thành công. Thời gian để có chậu bonsai với đủ thế đủ dáng rất lâu nên nghề này cần sự kiên trì và nhẫn nại. Người tạo dáng cây bonsai được ví như một người nghệ sĩ, luôn sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có tính khắt khe cao.
Những gốc cây xù xì, thô ráp được những người thợ ở vườn bonsai Thế Hoan (H.Trảng Bom) tạo dáng thành những thế bonsai đẹp mắt. Ảnh: Thanh Hải |
Cây kiểng cũng tương tự như đồ cổ, cây càng cao tuổi càng có giá trị cao. Nhìn những thân cây xù xì, thô ráp tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chạm tới trái tim của bao người đam mê.
Ông Đặng Đình Toàn (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) cho biết, việc định hình cho cây rất quan trọng. Tùy thuộc vào loại cây mà có kỹ thuật uốn dáng riêng, nhưng uốn bonsai nên dùng tay thay vì dùng nhíp hoặc máy uốn. Bởi lẽ khi dùng tay, người thợ có thể cảm nhận được sự đàn hồi, “sức khỏe” của cây mạnh hay yếu. Từ đó, đưa ra dáng uốn và chọn thời điểm thích hợp để chỉnh thế cây như ý muốn.
Định hình dễ nhưng nuôi giữ dáng rất khó vì cây khi thành hình sẽ phá tán hoặc già chết cành. Nếu không theo dõi để chăm sóc, uốn dáng kịp thời theo từng giai đoạn phát triển của cây sẽ khó có thế đẹp. Ngoài năng khiếu thì sự tài hoa của nghệ nhân bonsai chủ yếu được tích lũy dần từ sự cần cù, tỉ mỉ, từ niềm đam mê mới tạo được những dáng cây đẹp. Nghề này được rèn luyện từng ngày nên luyện cho người thợ sự điềm tĩnh. Những người nóng vội, cẩu thả khó có thể gắn bó lâu dài.
“Thú chơi và tạo dáng cây bonsai mang lại nhiều ý nghĩa, về cả vật chất lẫn tinh thần. Để mua được một cây đủ “tiềm năng” có thể nâng cấp lên bonsai cũng không hề đơn giản, phải sưu tầm nhiều nơi, gặp gỡ, chia sẻ với những người trong nghề rồi cắt tỉa, chăm sóc một thời gian dài mới có thể trao đổi, mua bán” - ông Toàn nói.
Những người trồng và chăm sóc bonsai cho biết, công đoạn cấy đất, tưới nước, chăm sóc cây cũng là một phần công việc đòi hỏi kinh nghiệm và sự cẩn thận của người làm nghề. Đất trồng bonsai phải được pha trộn theo nhiều loại khác nhau để phù hợp với đặc tính của cây. Các loại đất gồm: đất pha cát, đất thịt, tro trấu, sơ dừa, phân và thuốc theo tỷ lệ nhất định, nếu chỉ đơn giản là đất mua thông thường thì cây chỉ đứng thôi chứ không phát triển tốt được.
“Sự cầu kỳ trong các công đoạn từ tuyển chọn, tạo dáng đến chăm sóc cây nên chúng tôi thường ví nghệ nhân bonsai chăm cây như chăm con của mình vậy. Người có nghề khi nhìn lá, thân là có thể biết cây có bị chết rễ hay có sâu bệnh hay không. Sau thời gian làm việc căng thẳng, chỉ cần đứng giữa vườn bonsai là quên hết mệt mỏi. Cảm giác được hòa mình, ngắm nhìn những giọt sương đọng trên từng chiếc lá nhỏ đã mang lại tâm trạng thư thái, yêu đời và cuộc sống hơn” - ông Toàn tâm sự.
Theo quan niệm của người xưa, có 4 thú chơi tao nhã được ưa chuộng là “Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng”. Trong đó, chơi bonsai cũng được xếp vào những thú chơi đòi hỏi sự cầu kỳ và giàu tính nghệ thuật. Nhiều người đến với nghề tạo dáng bonsai không chỉ vì đam mê mà còn phải có chút năng khiếu về nghệ thuật. |
Thanh Hải