Báo Đồng Nai điện tử
En

Vắng tiếng vịt đồng

09:03, 16/03/2020

Trứng vịt, thịt vịt ở xã Phước Khánh và các xã lân cận như: Vĩnh Thanh, Phú Đông, Đại Phước là một trong những đặc sản nổi tiếng của H.Nhơn Trạch. 10 năm về trước, nghề nuôi vịt  ở các xã này rất phát triển với tổng đàn lên đến hàng trăm ngàn con. Nay nguồn thức ăn tự nhiên không còn dồi dào, vịt chủ yếu được nuôi trong các ao, ruộng nhà nên các cánh đồng đã dần vắng tiếng vịt.

Trứng vịt, thịt vịt ở xã Phước Khánh và các xã lân cận như: Vĩnh Thanh, Phú Đông, Đại Phước là một trong những đặc sản nổi tiếng của H.Nhơn Trạch. 10 năm về trước, nghề nuôi vịt  ở các xã này rất phát triển với tổng đàn lên đến hàng trăm ngàn con. Nay nguồn thức ăn tự nhiên không còn dồi dào, vịt chủ yếu được nuôi trong các ao, ruộng nhà nên các cánh đồng đã dần vắng tiếng vịt.

Ông Tư Đê (ngụ xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch) đếm đàn vịt đi ăn từ đồng trở về chuồng
Ông Tư Đê (ngụ xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch) đếm đàn vịt đi ăn từ đồng trở về chuồng

“Nuôi vịt đẻ giờ lời ít nhưng không cực thân. Vì nay đàn vịt được nuôi trong ao, ruộng và cho ăn lúa, cám, chứ không như xưa, phải lùa vịt hết đồng này đến đồng khác tìm thức ăn” - ông Tư Đê (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) cho biết.

* Sẽ không còn vịt chạy đồng

Xã Phước Khánh có nhiều cánh đồng, kênh, rạch rất thích hợp với việc nuôi vịt. Chính vì vậy, từ năm 2010 trở về trước, địa phương nổi tiếng về đặc sản trứng vịt này có tổng đàn vịt gần 70 ngàn con. Nay do quá trình đô thị hóa, ruộng đồng bị thu hẹp, nguồn thức ăn tự nhiên như: cua, ốc, cá... khan hiếm nên đàn vịt ngày càng teo tóp, nghề nuôi vịt chạy đồng càng ít người theo.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Khánh Bùi Quốc Trung cho biết, từ mấy chục hộ chuyên nuôi vịt chạy đồng, mỗi đàn từ 500 - 2 ngàn con. Nay cả xã chỉ còn hộ ông Tư Đê và ông Sáu Lẹ (ngụ ấp 1, xã Phước Khánh) nuôi. 2 hộ này, chỉ chuyên nuôi vịt đẻ và ít vịt thịt bán cho khách quen. Với đà này, vài năm nữa sẽ không còn trứng vịt Phước Khánh ngon nức tiếng mà người dân địa phương hay mua làm quà cho bạn bè, người thân.

Trại vịt của vợ chồng ông Sáu Lẹ nằm sát đê ông Kèo hiện có 500 con vịt đẻ. Nhờ nuôi vịt đẻ, vợ chồng ông Sáu Lẹ từ tay trắng mua được 1ha ruộng và nuôi con học đại học. “6 tuổi, tôi đã long nhong chạy theo coi vịt ngoài đồng cùng cha. Nghề này vất vả vô cùng, người lúc nào cũng ướt như chuột lột” - ông Sáu Lẹ vui vẻ nói.

Ông Sáu Lẹ vốn khéo tay nuôi vịt đẻ, mỗi con vịt trong đàn ngày nào cũng “trả thù lao” cho vợ chồng ông 1 quả trứng. Thấy cha mẹ vất vả, các con của ông đều chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo. Đến nay, dù các con nhiều lần khuyên vợ chồng ông bỏ nghề nuôi vịt cho khỏi vất vả nhưng cả hai không đồng ý, vì làm riết quen nghề, không dứt ra được.

Bà Sáu Lẹ chia sẻ, bây giờ nuôi vịt cũng đỡ cực hơn vì không còn phải chạy đồng xa, chỉ thả ở ao và ruộng của gia đình. Thời còn nuôi vịt chạy đồng phải đi nhiều cánh đồng xa. Cực nhất là khi bàn chân bị nước ăn hư hết móng, gót chân, kẽ chân bị nước ăn sâu hoắm như mặt ruộng mùa khô mà vẫn phải đuổi theo đàn vịt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.

* Nhớ chuyện xưa

Ông Tư Đê chứng minh câu nói “nuôi vịt đẻ giờ lời ít nhưng không cực thân”: Đàn vịt đẻ của ông có 200 con, đẻ trứng xong, buổi sáng ông thả ra 2ha ruộng (loại 1 vụ) của gia đình. Sau đó, đàn vịt tự tìm về chuồng ăn thêm lúa, thức ăn được vợ chồng ông để sẵn trong máng nên ông không tốn công chăm sóc nhiều.

Bà Sáu Lẹ (ngụ xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch) tuyển trứng vịt trước khi chở ra chợ bán
Bà Sáu Lẹ (ngụ xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch) tuyển trứng vịt trước khi chở ra chợ bán

Ông Tư Đê nguyên là Chủ tịch UBND xã Phước Khánh, về hưu, gia đình ông có truyền thống nuôi vịt chạy đồng. Ông Tư Đê kể chuyện xưa vanh vách,  trước năm 1975, vùng bưng biền xã Phước Khánh đồng ruộng thông với kênh rạch. Kênh rạch thông với sông lớn, sông nhỏ. Do đó, đàn vịt đồng “thảnh thơi” tìm thức ăn từ đồng, kênh rạch rồi chiều về đẻ trứng, không được chủ cho thêm thức ăn nào khác. Ông Tư Đê nói: “Lúa gạo thời đó dân không có mà ăn thì sao vịt được ăn. Đó cũng là lý do nuôi vịt đẻ, vịt thịt gì cũng phải chạy đồng”.

16 tuổi, dù chiến tranh, bom đạn, ông Tư Đê vẫn theo cha lùa đàn vịt chạy đồng đi tứ xứ. Mùa nước nổi (tháng 7-9 âm lịch) thì vịt được chở trên ghe. Người chăn vịt chọn gò đất cao làm bến đậu rồi thả đàn xuống. Mùa này, đồng nhiều thức ăn nên tiếng vịt, tiếng người chăn vịt nói cười râm ran.

“Đồng Môn (thuộc xã Long Tân, H.Nhơn Trạch); kênh Hàn, Bà Bàu (H.Cần Giuộc, tỉnh Long An); Hiệp Phước (H.Nhà Bè, TP.HCM)... tôi đều thông thuộc nhờ chăn vịt thả đồng. Đang thả vịt ngoài đồng nhưng hễ nghe tiếng máy bay hoặc tàu địch đi ruồng thì người chăn tất tả lùa đàn đi nơi khác. Số nào sót hoặc nhập lộn đàn thì hôm sau chúng tự tìm về đàn vịt của mình” - ông Tư Đê kể.

Nuôi vịt chạy đồng thời chiến là vậy, còn nuôi vịt chạy đồng sau ngày đất nước thống nhất, bao cấp thì vợ chồng ông Sáu Lẹ cảm hết được sự buồn vui. “Những năm 1980-2000, phong trào nuôi vịt chạy đồng rất phát triển. Vịt từ Nhơn Trạch chạy đồng về miền Tây và ngược lại nên đôi khi có xảy ra tranh giành nhau những cánh đồng quen. Có thời điểm trứng vịt quá rẻ hoặc đàn vịt bị dịch cúm hao hụt mất 2/3 đàn làm người nuôi phải lâm vào nợ nần” - bà Sáu Lẹ nói.

Năm 1996, đàn vịt trên 1 ngàn con của vợ chồng ông Sáu Lẹ bị dịch cúm chết gần hết, vậy là kinh tế gia đình ông bị ảnh hưởng. Vợ chồng ông Sáu Lẹ phải đi làm thuê, làm mướn mất 6 năm mới gây dựng lại đàn vịt 100 con. Số tiền này, vợ chồng ông phải đi vay mượn nhiều người.

“Giá vịt giống thời đó rất đắt đỏ. Để gây dựng đàn vịt đẻ 100 con, vợ chồng tôi phải vay mượn mua 200 vịt con giống. Sau đó mới tuyển chọn được đàn vịt đẻ” - bà Sáu Lẹ kể lại.

Những cánh đồng ở xã Phước Khánh nay ồn ào tiếng xe cộ, vắng tiếng vịt kêu. Đàn vịt của ông Sáu Lẹ, Tư Đê nay chỉ quanh quẩn ở cánh đồng nhà đủ đầy thức ăn nên không kêu đói. Nghề nuôi vịt chạy đồng ngày xưa vất vả là thế nhưng không ít người bỏ nghề vẫn còn luyến tiếc.

Ông Bảy Tuấn (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) tâm sự: “Bỏ nghề nuôi vịt đi làm phụ hồ mấy năm nay vậy mà tôi thấy khỏe. Tuy vậy, khi nghe tiếng vịt kêu tôi lại mủi lòng nhớ về những năm tháng nuôi vịt chạy đồng. Tối về anh em nuôi vịt quây quần ca vọng cổ với mồi nhậu là vịt ốp đất sét nướng thơm lừng, ngon ngọt”.

Bài, ảnh: Đoàn Phú

Tin xem nhiều