Báo Đồng Nai điện tử
En

Những 'shop 0 đồng' kết nối yêu thương

02:09, 25/09/2019

Xuất phát từ tấm lòng "lá lành đùm lá rách", nhiều đơn vị, cá nhân làm công tác xã hội trong tỉnh đã lập nên những shop quần áo từ thiện.

Xuất phát từ tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, nhiều đơn vị, cá nhân làm công tác xã hội trong tỉnh đã lập nên những shop quần áo từ thiện.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) Nguyễn Thị Kim Chung (thứ 2 từ trái sang) giúp người dân lựa quần áo tại Shop 0 đồng
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) Nguyễn Thị Kim Chung (thứ 2 từ trái sang) giúp người dân lựa quần áo tại Shop 0 đồng. Ảnh: N. An

Mỗi nơi có những cách đặt tên khác nhau, như: Tủ đồ yêu thương, Sạp quần áo yêu thương, Shop 0 đồng - kết nối yêu thương, Chợ 0 đồng... nhưng đều mang ý nghĩa chia sẻ phần nào khó khăn cho người nghèo. Những mô hình Shop 0 đồng đã kết nối nhiều tấm lòng nhân ái giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhận được những bộ quần áo ấm áp nghĩa tình.

* Kết nối yêu thương

Shop 0 đồng - kết nối yêu thương tại ấp Hưng Nhơn (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) đã không còn xa lạ với người dân trong vùng, bởi mô hình này hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay. Tuy là hàng miễn phí, song áo quần, hàng hóa, vật dụng nơi đây luôn được chọn lựa kỹ trước khi bày tại shop. Tất cả hàng hóa đều còn sử dụng tốt, nhiều sản phẩm còn mới 100%. Vì vậy, mỗi tuần có cả trăm người dân, công nhân lao động đến với shop để lựa chọn những đồ dùng thiết yếu cho gia đình.

Phát huy truyền thống tốt đẹp

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán Lương Thanh Kỳ cho rằng, việc các đơn vị, cá nhân thành lập nên các Shop 0 đồng, Chợ 0 đồng, Tủ quần áo yêu thương... là một cách làm hay, sáng tạo, phát huy truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, những mô hình này cần được lan tỏa để giúp đỡ những người còn đang khó khăn, thiếu thốn.

Chị Lê Thị Thúy Hường (tạm trú xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) thường đến Shop 0 đồng để chọn cho mình và các thành viên trong gia đình những bộ quần áo vừa ý. Chị Hường cho biết, gia đình chị rời quê miền Tây lên Đồng Nai làm vườn, rẫy thuê đã được 5 năm. Tuy nhiên, thu nhập từ việc làm thuê không ổn định, cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày nên chị ít khi sắm sửa quần áo cho bản thân và mọi người trong gia đình. Từ ngày biết được Shop 0 đồng, chị thường tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đến lựa chọn quần áo cho cả gia đình.

Cầm những bộ đồ vừa chọn được trên tay, chị Hường vui vẻ nói: “Shop 0 đồng có nhiều đồ mới, đẹp. Tôi đã lựa được cho gia đình những bộ đồ ưng ý mà không phải mất tiền mua... Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn các tầm lòng từ thiện đã tổ chức được hoạt động rất có ý nghĩa”.

Chia sẻ về quá trình hình thành Shop 0 đồng - kết nối yêu thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Lộc Nguyễn Thị Kim Chung cho biết, trước đây, bà thường dành thời gian xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em hội viên; đồng thời tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho họ. Qua các lần đi thực tế, bà nhận thấy có nhiều gia đình khá giả muốn giúp đỡ người nghèo nhưng chưa biết phải làm cách nào, trong khi vẫn còn những hoàn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc đang cần sự giúp đỡ. Từ đó, bà Chung đã nghĩ ra ý tưởng làm “cầu nối” để kết nối chia sẻ giữa người giàu và người nghèo. Tháng 4-2017, Shop 0 đồng - kết nối yêu thương chính thức đi vào hoạt động cho đến nay.

Thời gian đầu, bà Chung cũng gặp nhiều khó khăn. Có một số người bàn ra vì cho rằng mô hình này không thiết thực; shop mở cửa một thời gian nhưng không ai đến lựa đồ; vì không có người trông coi vào buổi tối nên đồ đạc trong shop thường bị kẻ xấu lấy trộm... Tuy nhiên, bà Chung không bỏ cuộc mà luôn nghĩ cách để đưa mô hình phát triển.

Bà Chung đã nhờ Đài Truyền thanh xã giới thiệu về mô hình từ thiện cho nhiều người biết; đồng thời đề nghị mỗi hội viên phải có nhiệm vụ tuyên truyền về ý nghĩa chương trình đến với người dân, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn... Nhờ đó, số người biết và tìm đến shop chọn đồ ngày càng đông.

“Có nhiều gia đình là người dân tộc thiểu số ở miền Tây lên đây đi làm rẫy, chặt mía thuê, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi nghe có Shop 0 đồng, họ tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đến để nhận đồ. Thấy bà con vui vẻ khi chọn cho mình những bộ đồ yêu thích, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây” - bà Chung tâm sự.

Tiếng lành đồn xa, nguồn hàng của mạnh thường quân từ khắp nơi đem về hỗ trợ Shop 0 đồng ngày càng nhiều. Hiện shop có đa dạng các mặt hàng, ngoài áo quần còn có sách vở, bếp gas, tivi, xe đạp, đồng phục học sinh... để người dân cần gì thì chọn đó. Không chỉ phục vụ người địa phương, những người lao động tự do hay công nhân cũng được shop tạo điều kiện để họ lựa đồ về dùng.

“Mặc dù quy định mỗi người chỉ nhận từ 3-5 bộ đồ nhưng hiện số lượng hàng chuyển về trong shop khá dồi dào nên chúng tôi để mọi người tự chọn thoải mái và không giới hạn về số lượng. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ áo quần cho bà con ở ngoài miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ và một số nơi khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” - bà Chung cho hay.

Thấy Shop 0 đồng hoạt động hiệu quả, các xã khác của huyện Thống Nhất cũng đã làm theo. Mỗi nơi có cách đặt tên khác như: Shop 0 đồng, Shop Phi... nhưng đều có ý nghĩa muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. 

* Lan tỏa việc làm ý nghĩa

Không chỉ huyện Thống Nhất, một số địa phương khác như: Định Quán, Vĩnh Cửu... cũng tổ chức hiệu quả mô hình này. Điển hình như chị Lê Thị Thu Hà (ấp 1, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) là người tiên phong lập nên những Tủ quần áo yêu thương tại xã Thanh Sơn trong 3 năm qua.

Chị Hà cho biết, dịp hè năm 2017, chị có tham gia trao quà cho người nghèo trên địa bàn xã Thanh Sơn và biết trường hợp một người phụ nữ trẻ nhưng sinh tới 5 đứa con, cuộc sống gia đình chị này rất khó khăn. “Tôi đã xúc động khi nhìn thấy những đứa trẻ nheo nhóc, đứa có áo thì không có quần, đứa mặc quần thì lại ở trần. Khi trở về nhà tôi đã trăn trở rất nhiều về những đứa trẻ. Cho nên tôi quyết định lập Tủ quần áo yêu thương và đăng thông tin lên Zalo, Facebook để kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay góp sức” - chị Hà kể.

Niềm vui của những người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) khi chọn được những bộ đồ ưng ý từ Tủ quần áo yêu thương
Niềm vui của những người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) khi chọn được những bộ đồ ưng ý từ Tủ quần áo yêu thương. Ảnh: N. An

Ban đầu Tủ quần áo yêu thương chỉ thành lập một điểm tại nhà của chị Hà, tuy nhiên do nhu cầu người dân đến nhận đồ đông nên chị đã đi khảo sát và lần lượt lập thêm các điểm khác ở ấp: 3, 5 và 7.

 “Nhiều chuyến hàng được mạnh thường quân chuyển về toàn đồ mới, đẹp nên bà con rất hài lòng khi chọn cho mình những bộ đồ ưng ý. Nhiều người mặc đồ đi dự đám cưới, tất niên, đám giỗ và được khen đẹp nên gọi điện thoại đến cảm ơn. Lúc đó, mình cảm thấy ấm lòng và quên đi nỗi vất vả để chăm lo cho bà con” - chị Hà chia sẻ.

Thực hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đầu năm 2017, Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Cửu cũng xây dựng các điểm cho và nhận quần áo từ thiện với thông điệp “ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”. Mục đích của chương trình là tập hợp những bộ quần áo đã qua sử dụng chuyển đến cho những người lao động, hộ nghèo khó trên địa bàn.

Đến thời điểm này, Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng được 6 điểm cho và nhận quần áo từ thiện tại thị trấn Vĩnh An và các xã: Thiện Tân, Trị An, Hiếu Liêm. Chương trình đã được cộng đồng, xã hội tích cực hưởng ứng, nhiều người mang quần áo đến ủng hộ. Người lao động phổ thông, người nghèo trên địa bàn thường xuyên đến các điểm để chọn quần áo mang về sử dụng.

Nhân An

Tin xem nhiều