Những ngày mưa bão, lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu) nước dâng cao, việc đi lại của người dân, trẻ em vô cùng khó khăn. Sau nhiều lần được chính quyền địa phương vận động, hàng chục hộ dân sinh sống trên bè ở khu vực ấp 1, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu chuyển từ dưới bè lên bờ để ổn định cuộc sống.
Những ngày mưa bão, lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu) nước dâng cao, việc đi lại của người dân, trẻ em vô cùng khó khăn. Sau nhiều lần được chính quyền địa phương vận động, hàng chục hộ dân sinh sống trên bè ở khu vực ấp 1, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu chuyển từ dưới bè lên bờ để ổn định cuộc sống.
Trẻ em sinh sống trên làng bè thuộc ấp 1, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) nhờ được dạy bơi nên đã bơi lội thành thạo trên khu vực lòng hồ Trị An. Ảnh: D.NGỌC |
Nhiều hộ dân được tạo điều kiện dựng nhà, kéo điện sáng đến tận nơi ở. Nhờ đó, ngoài thời gian đánh bắt thủy sản, nuôi cá bè thì nay bà con đã có chỗ sinh hoạt cố định, không phải sống tạm bợ trên các lồng bè.
* Vận động đưa dân lên bờ
Trước khi thực hiện mô hình này, toàn xã Mã Đà có khoảng 94 hộ sinh sống trên bè nuôi cá với gần 450 nhân khẩu thì hiện đã có 58 hộ chuyển lên bờ. Những hộ chuyển lên bờ hiện cuộc sống đã dần ổn định và được tạo điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp.
Trung tá Dương Văn Có, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động Công an huyện Vĩnh Cửu nhấn mạnh: “Trong 3 năm qua, các ngành chức năng của huyện đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, vận động các hộ dân sống trên bè nuôi cá tại xã Mã Đà ký cam kết chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa, các nội dung liên quan đến phòng chống đuối nước trẻ em. Nhờ đó, trên địa bàn không có vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em”. |
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Công an thường trực xã Mã Đà cho biết, việc các ngư dân sống ven hồ, trên lòng bè tồn tại nhiều bất ổn. Tuy nhiên, việc vận động họ lên bờ sinh sống gặp không ít khó khăn, phần lớn do nhận thức của người dân vì họ đã sống quen trên sông nước, khi lên bờ, ai cũng lo lắng không biết phải làm ăn sinh sống thế nào. Do đó, các cơ quan chức năng của huyện đã tập trung động viên, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện.
“Đa số các hộ sinh sống ở đây là Việt kiều từ Campuchia về nên giấy tờ tùy thân, điều kiện kinh tế chẳng có gì. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân cắm cọc, làm nhà tại khu vực bờ bãi ven hồ để ổn định cuộc sống. Vào mùa mưa bão thì hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, khi đánh bắt xa bờ thì trang bị áo phao để đảm bảo an toàn tính mạng” - ông Hiệp nói.
Trung tá Dương Văn Có, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động Công an huyện Vĩnh Cửu đánh giá, phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước tại xã Mã Đà đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, mô hình đưa dân lên bờ, đảm bảo an toàn cho trẻ em trên sông nước được duy trì thường xuyên.
Hằng năm, cơ quan chức năng đều phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện điều tra cơ bản để tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và phòng chống đuối nước ở trẻ em. Trong quá trình sinh sống trên bè phải quản lý trẻ em chặt chẽ cũng như triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống cho bà con, không như trước đây, phải sống bấp bênh trên sông hồ.
* Xóa “mù” bơi cho trẻ em
Xã Mã Đà vốn có hàng trăm hộ dân sống ven và trên hồ Trị An nên các hoạt động vui chơi, đi học hay sinh hoạt hằng ngày của trẻ em nơi đây đều gắn với sông nước. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, chính quyền địa phương và các ngành giáo dục, công an đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc đưa dân lên bờ để ổn định cuộc sống, còn tập trung dạy bơi cho học sinh.
Sau khi được vận động lên bờ sinh sống, cuộc sống của người dân xã Mã Đà dần ổn định. Ảnh: D.NGỌC |
Anh Nguyễn Văn Toản (ngụ ấp 1, xã Mã Đà) là một trong những hộ đầu tiên thực hiện việc đưa cả gia đình từ dưới hồ lên bờ. Ngoài thời gian chăm sóc 4 vèo cá bè trên lòng hồ, anh còn là người phối hợp với nhà trường đứng ra dạy bơi cho trẻ em sống trên lòng bè ở trong ấp khi có nhu cầu.
Theo anh Toản, sống ngay cạnh lòng hồ nhưng không phải trẻ em nào cũng biết bơi và bơi giỏi. Do vậy, một số vụ tai nạn đuối nước thương tâm thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Để không còn xảy ra những vụ việc tương tự, cứ đến dịp hè anh lại dạy bơi miễn phí cho trẻ em.
Từ chỗ một vài trẻ theo chân cha mẹ đến học bơi, lâu dần trẻ em ở trong xóm bè đều kéo nhau đến nhờ anh dạy các kỹ năng cần thiết. Sau thời gian vừa học bơi ở trường vừa được anh Toản bổ túc thêm, trẻ em làng bè ấp 1, xã Mã Đà hầu hết đã biết bơi. Nhiều trẻ bơi giỏi, thành thạo như những con rái cá ở vùng sông nước.
“Mỗi khi mùa mưa bão, nước tràn mênh mông, đa số các em học sinh đến trường bằng phương tiện như xuồng, ghe. Việc dạy bơi cho trẻ nhằm giúp các em tự bảo vệ bản thân khi xảy ra sự cố trên sông nước và có kỹ năng khi cứu người đuối nước. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi sẽ cố gắng dạy bơi cho các em càng nhiều càng tốt” - anh Toản bộc bạch.
Hiệu trưởng Trường TH - THCS Mã Đà Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho hay, khi trẻ đến lớp nhà trường đều tạo điều kiện, nắm bắt số lượng, ưu tiên cho những em sống gần sông, hồ được học bơi. Giáo viên sẽ dạy học sinh các kiểu bơi, từ cơ bản đến nâng cao.
Ngoài ra, học sinh còn được trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước, học cách cứu người khi gặp sự cố đuối nước… Từ đó, việc đi học của các em cũng thuận lợi hơn, không vì con nước dâng cao, giao thông cách trở mà gián đoạn việc học hành.
“Dạy trẻ học bơi cùng những kỹ năng phòng tránh, cấp cứu đuối nước là môn học rất cần thiết giúp các em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống và phòng tránh được tai nạn đuối nước. Sắp tới, nhà trường sẽ phối hợp với địa phương mở thêm các lớp học bơi để tất cả học sinh đều biết bơi, không còn tình trạng “mù” bơi ở trẻ em” - cô Tuyền nói.
Dương Ngọc