Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

09:06, 26/06/2019

Trước tình trạng người nghiện ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều và tỷ lệ tái nghiện còn cao, Đồng Nai đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cai nghiện ma túy.

[links()]Trước tình trạng người nghiện ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều và tỷ lệ tái nghiện còn cao, Đồng Nai đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cai nghiện ma túy.

Người nghiện ma túy đến điều trị tại Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa)
Người nghiện ma túy đến điều trị tại Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa)

* Đầu tư cho các cơ sở điều trị cai nghiện

Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) hiện tại có quy mô nhỏ (chỉ khoảng gần 750 người), không đáp ứng hết nhu cầu cai nghiện. Do đó, vào cuối năm 2018 tỉnh triển khai xây mới Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) với tổng kinh phí hơn 285 tỷ đồng, quy mô cai nghiện cho 1 ngàn người trong khuôn viên 18 hécta. Theo dự kiến, đến cuối năm 2019 công trình hoàn thành với 8 dãy nhà trệt (diện tích 4m2/người).

“Việc xây dựng cơ sở mới quy mô lớn hơn sẽ giúp tăng thêm sức chứa người cai nghiện, cơ sở hạ tầng được đảm bảo, người nghiện có nơi sinh hoạt, ăn ở thoải mái sẽ không còn tình trạng bức xúc gây rối như trước đây” - ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai cho biết.

Bên cạnh đó, Đồng Nai vẫn tiếp tục triển khai điều trị nghiện ma túy bằng methadone tại các địa phương còn lại. Ngoài 7 cơ sở đang hoạt động, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thêm 2 cơ sở tại huyện Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu. Qua đó giúp người nghiện tham gia điều trị dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng bỏ dở điều trị.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn để người nghiện ma túy hiểu và tham gia chương trình điều trị ma túy bằng methadone tích cực hơn; tổ chức đào tạo đội ngũ nhân viên cơ sở điều trị, định kỳ kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ sở điều trị methadone trong tỉnh...

* Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Đồng Nai đang triển khai đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trước đây, việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn do những người trong tổ công tác điều trị nghiện đều làm công tác kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian quan tâm đến người nghiện; thiếu cán bộ thực hiện công tác cai nghiện, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế...

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, việc xây dựng các cơ sở điều trị nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cấp huyện còn nhằm can thiệp sớm đối với những người mới sử dụng, chưa lệ thuộc các chất ma túy tổng hợp. Đây cũng được xem là giải pháp ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án quản lý người sử dụng ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ thành lập tổ công tác cai nghiện tại xã, phường (do phó chủ tịch UBND cấp xã làm tổ trưởng và thành viên gồm: cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội, công an, y tế, đại diện khu dân cư, đại diện ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, người có chuyên môn y tế về cai nghiện...) quản lý, giáo dục người nghiện.

Đặc biệt theo đề án này, các địa phương cấp huyện đều thành lập các cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thành lập. Số lượng, quy mô, vị trí các cơ sở này phải phù hợp với nhu cầu điều trị, tình hình thực tế, đảm bảo thuận lợi cho người bệnh. Đề án này cũng cho thành lập các điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Thực hiện đề án nói trên, vừa qua UBND tỉnh đã cho xây dựng mới 6 cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cấp huyện ở các địa phương gồm: Biên Hòa, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Nhơn Trạch với tổng kinh phí đầu tư là 15 tỷ đồng. Một số cơ sở đã đi vào hoạt động, số còn lại dự kiến sẽ hoạt động trong quý III-2019.

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, đối tượng vào cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cấp huyện là người nghiện ma túy đang cư trú tại địa phương tự nguyện đăng ký cai nghiện. Người nghiện sẽ được tập trung ăn ở, sinh hoạt miễn phí tại cơ sở trong thời gian cắt cơn từ 7-15 ngày, sau đó sẽ giao cho gia đình và địa phương quản lý. Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội; không gián đoạn học tập, việc làm; giảm sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

* Cần sự vào cuộc tích cực

Việc xây dựng các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tại 6 địa phương nói trên đã hoàn tất nhưng các địa phương hiện vẫn gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán cho biết, đội ngũ y, bác sĩ phụ trách việc cai nghiện ở đây làm công tác kiêm nhiệm nên khó sắp xếp thời gian; hiện cũng chưa có quy định chi phí hỗ trợ công tác cho cán bộ tham gia công tác cai nghiện để động viên họ tham gia...

Cơ sở cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng huyện Định Quán đã hoàn chỉnh chờ đi vào hoạt động
Cơ sở cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng huyện Định Quán đã hoàn chỉnh chờ đi vào hoạt động

Mặt khác, theo bác sĩ Nguyễn Quốc Lộc, phụ trách chuyên môn Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng huyện Định Quán, các đối tượng nghiện ma túy thường manh động, liều lĩnh, trong khi lực lượng bảo vệ chỉ từ 1-2 người nên rất khó đảm bảo an toàn tại đây.

Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng TP.Biên Hòa được đặt trong Trạm y tế phường Tân Hiệp. Dù đã được sửa chữa, nâng cấp nhưng đơn vị này chỉ có sức chứa từ 8-10 người nghiện đến điều trị.

Ông Hoàng Xuân Trúc, chuyên viên Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa cho biết, việc thuyết phục người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện tại cơ sở là điều rất khó khăn vì hầu hết người nghiện thường không muốn và không đủ ý chí cai nghiện.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội, để các cơ sở cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cấp huyện đạt hiệu quả cao còn cần sự quyết liệt vào cuộc của các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương gắn với trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy để từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc gấp rút triển khai đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình theo đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Tố Tâm

Tin xem nhiều